"Làm báo phải chịu nhiều áp lực"

author 08:18 20/06/2012

(VietQ.vn) - Đó là chia sẻ của Phóng viên Hoàng Đức Nhã, Báo Pháp Luật Việt Nam với Chất Lượng Việt Nam xung quanh câu chuyện "làm nghề". Anh là tác giả trẻ nhất đoạt giải Báo chí Quốc gia năm 2011 với loạt phóng sự điều tra "Máu rừng Ngàn Sâu vẫn chảy", viết về nạn phá rừng trên địa bàn Hà Tĩnh.

Khai thác, chặt phá rừng là đề tài khó. Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm từ loạt bài về tình trạng chặt phá rừng ở Hà Tĩnh, khi một mình anh phải theo chân lâm tặc để thu thập thông tin và viết?

Thực ra, đề tài khai thác rừng và các tài nguyên khoáng sản là vấn đề khó nhưng không phải là vấn đề mới. Trước tôi, rất nhiều anh chị nhà báo khác cũng đã có những loạt bài giá trị rất lớn về mặt thông tin cũng như gây được hiệu ứng tích cực đối với dư luận. Vì thế, đây là loạt bài đầu tiên tôi “dấn thân” vào đề tài khai thác rừng, nhưng tôi đã được chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm  khi “lâm trận”. Cái khó khăn nhất, theo tôi thấy, là quá trình tìm hiểu và đột nhập để khai thác thông tin.
 
Phóng viên Đức Nhã trong một lần vào rừng tác nghiệp tiếp xúc với người dân
Phóng viên Đức Nhã trong một lần  tác nghiệp ở Thanh Hóa
 
Thông thường, những nơi khai thác và vận chuyển gỗ thường nằm rất sâu trong rừng. Vì thế, tìm hiểu kỹ lưỡng, chính xác nguồn tin cũng chính là trang bị cho mình “dụng cụ bảo hộ” hữu hiệu nhất. Có đủ các yếu tố đó rồi, tôi đóng giả làm người thu mua gỗ, đi hơn 10km từ bìa rừng để vào rừng. Nhiều khi cũng hết sức sợ hãi vì lâm tặc thì nhiều, trong rừng lại không có ai có thể bảo vệ cho mình. Rất may tôi đã vượt qua nỗi sợ hãi để có được những thước phim, bức ảnh cận cảnh nhất có thể truyền tải thông tin đến bạn đọc.
 
Trong quá trình tác nghiệp, để hoàn thành loạt bài này, anh đã đối mặt với những áp lực và khó khăn nào? 
 
Áp lực thì nhiều và chuyện hành hung tất nhiên không thể tránh khỏi. Tôi cũng đối mặt với việc bị hành hung không ít lần, vì thế cũng có đôi chút kinh nghiệm. Với loạt bài này, khi vào rừng, tôi xác định là phải “liều”, vì thế chỉ dặn mình là hết sức tỉnh táo và cẩn thận thôi. Còn sau này, khi ra khỏi rừng an toàn, việc đầu tiên tôi làm là bí mật thông tin, đi ra càng xa càng tốt mới tiến hành các bước tiếp theo để hoàn thành loạt bài. Rất may không có điều gì đáng tiếc xảy ra. Cũng có vài đối tượng liên quan đến việc chặt phá rừng thông qua một số mỗi quan hệ để “xin xỏ” này nọ, nhưng tôi đều cự tuyệt. 
 
 
“Làm báo phải chịu nhiều áp lực. Từ việc tin bài hằng ngày cho đến việc việc các ‘ông to bà lớn’ khi phát hiện ra sai phạm lại tìm cách ‘quan hệ’ này nọ rồi xin xỏ. Đôi khi chính quan hệ lại chi phối những người làm báo. Vì thế đòi hỏi người làm báo cần phải có cái tâm trong sáng và không vụ lợi",Phóng viên Hoàng Đức Nhã. 
 
 
Năm nay mới tròn 24 tuổi. Nhận Giải thưởng báo chí Quốc gia khi tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ, anh có thể chia sẻ những kỷ niệm trong quãng thời gian làm báo của mình?
 
Xét về tuổi nghề, tôi chỉ bước chân vào làm báo chuyên nghiệp chưa được 2 năm. Tuy nhiên, chừng đó thôi cũng đã đủ cho tôi có những kỷ niệm không thể nào quên với nghề. Nhớ nhất có lẽ là khi chúng ta đón lao động Lybia về nước hồi đầu năm 2011.
 
Thông tin báo về hành trình của lao động không chính xác. Vì thế, để có thể gặp và phỏng vấn những người đầu tiên đặt chân về Việt Nam, tôi đã 2 đêm liền thức trắng ở sân bay Nội Bài. Khi lao động về nước (tầm 5 giờ sáng), tôi lao vào chụp ảnh, viết bài bằng tất cả sức lực ít ỏi còn lại. Gửi bài về tòa soạn, tôi dành luôn một ngày hôm sau chỉ để... ngủ.
 
Rồi một lần nữa, tôi đi viết về ông lão sống trong một hang đá ở tít xã Tiền Phong, Đà Bắc, Hòa Bình. Phi xe máy từ Hà Nội lên Hòa Bình rồi từ đó phóng thẳng lên Tiền Phong với những con đường dốc cao và ngoằn nghoèo, càng đi càng thấy như mình đang...lên trời. Đến xã Tiền Phong, hỏi đường đến chỗ ông ấy ở phải đi qua hai quả núi rất cao. Tới được hang thì ông ấy... đi vắng. Cuối cùng, đợi đến 7 giờ tối mà ông ấy vẫn chưa về, thế là đành băng rừng, dùng điện thoại làm đèn pin để trở xuống. Đến giờ, mỗi lần nhắc lại câu chuyện này là thêm một lần tiếc nuối.
 
Bên cạnh đó là rất nhiều lần làm bài điều tra, bị hành hung, phải bỏ chạy vào nhà dân hoặc nhờ lực lượng công an can thiệp.
 
Bản thân phải trải qua những khó khăn khi viết về những vấn đề nóng. Anh nghĩ gì về việc bảo vệ các quyền tác nghiệp của các nhà báo hiện nay? 
 
Quyền lợi và nghĩa vụ của nhà báo đều quy định trong Luật Báo chí. Tuy nhiên, tùy theo từng thời điểm, từng vụ việc, mỗi nhà báo sẽ gặp những khó khăn không giống nhau. Vì thế, theo tôi luật cần phải quy định rõ mức xử lý cho từng hành vi cụ thể. Nếu nói về mức độ nguy hiểm, nghề báo chưa chắc đã sau những nghề khác như công an, bộ đội...
 
Tuy nhiên, khi “lâm trận”, “vũ khí” trang bị cho các nhà báo chỉ là máy ảnh, máy ghi âm và trên hết là lòng yêu nghề. Chỉ chừng đó theo tôi là chưa đủ. Để nhà báo có thể yên tâm hơn, cần có chế tài thật nghiêm để xử lý những hành vi cản trở nhà báo khi tác nghiệp, thậm chí quy định đó là hành vi “chống người thi hành công vụ”.
 
Anh có lời chia sẻ và nhắn nhủ gì đến các bạn trẻ yêu nghề báo và đang học nghề hiện nay?
 
Nhiều bạn trẻ có thể bây giờ mới bước vào nghề thì trả lời rằng mình “yêu nghề”, tuy nhiên, sau này, khi phải đối mặt với vô vàn khó khăn thì sự “yêu nghề” thật khó để không bị mai một. Tôi cũng đã trải qua những lúc dường như cảm thấy không còn yêu nghề nữa nhưng cuối cùng cũng vượt qua được. Giải thưởng có thể là một sự ghi nhận, tuy nhiên đó không phải thước đo để xem bạn đứng ở đâu trong làng báo. Dù đạt giải thưởng báo chí tôi cũng luôn dặn mình đã theo nghề thì phải yêu nghề và không được dừng học hỏi. Nếu đã xác định sẽ yêu nghề thì hãy cố gắng bám trụ và luôn tích cực dấn thân, học hỏi để tích lũy kinh nghiệm. Tôi không tin khi bạn có tình yêu thật sự với nghề báo, nghề báo sẽ phụ bạn.
 
Thiếu kiến thức báo chí, chưa định hướng rõ ràng, không ít phóng viên “tay ngang” đã gặp nhiều khó khăn khi đến với nghề báo. Bản thân được đào tạo chuyên ngành luật, chuyển sang làm báo, anh phải đối mặt với những thách thức nào?
 
Thách thức đầu tiên là việc gia đình phản đối. Đang là sinh viên luật, nói đến việc mình chuyển sang làm báo, gia đình tôi không mấy hài lòng. Mọi người cho rằng như thế sẽ “phí” mất 4 năm “dùi mài” ở trường Luật, với lại chắc gì tôi có thể làm báo được. Nhưng tôi đã nhanh chóng vượt qua thách thức này với những tác phẩm báo chí đầu tay được đăng và gia đình khá hài lòng. 
 
Vấn đề thứ hai là thiếu kiến thức báo chí. Không biết title, sapo... là gì, không được học cách khai thác thông tin thế nào cho hiệu quả... Đó là bước đầu tôi đến với nghề báo. Ban đầu, tôi không thực sự tự tin khi làm báo “tay ngang”. Sau đó, có một nhà báo rất nổi tiếng đã nói với tôi: “Nếu em không được đào tạo, em hãy viết theo bản năng của em. Nếu em muốn dấn thân, em sẽ thành công”. Đến bây giờ, tôi vẫn lấy đó làm “tôn chỉ” để làm báo. Tất nhiên, qua quá trình làm báo, tôi cũng tích lũy được  không ít kinh nghiệm. Tôi cho rằng đó mới chính là những kiến thức báo chí quan trọng nhất.
 
Cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
 
Mạnh Phan (thực hiện)
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang