Làm chủ công nghệ thức ăn và giống giúp tăng hiệu quả, năng suất nuôi tôm hùm

author 06:23 14/10/2014

(VietQ.vn) – Sản xuất thức ăn và chăn nuôi tôm hùm ở nước ta đã mở sang một trang mới, chủ động nguồn thức ăn, bảo vệ môi trường mà vẫn có năng suất, chất lượng cao.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Trả lời câu hỏi của PV Chất lượng Việt Nam mới đây, PGS. TS Lại Văn Hùng – trường Đại học Nha Trang khẳng định, Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đã tiến hành nghiệm thu dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm bông và tôm hùm xanh” do trường Đại học Nha Trang chủ trì và do ông làm chủ nhiệm.

Dự án này thuộc Chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp nhà nước: Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ phục vụ sản xuất các sản phẩm chủ lực (KC.06/11-15).

Chăn nuôi tôm hùm theo phương pháp và chế độ dinh dưỡng mới

Thức ăn chủ động với nguồn cung trong nước sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng tôm hùm thương phẩm. Ảnh minh họa

Sau hơn 2 năm thực hiện (từ tháng 01/2012 đến tháng 6/2014), dự án đã xác định được 4 công thức thức ăn phù hợp cho tôm hùm bông và tôm hùm xanh ở giai đoạn giống và nuôi thương phẩm; hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp; đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất thức ăn với công suất đạt 100 kg/giờ; sản xuất được 90 tấn thức ăn theo quy trình công nghệ xây dựng cho tôm hùm bông và tôm hùm xanh giai đoạn giống và thương phẩm; xây dựng thành công mô hình nuôi tôm hùm bằng thức ăn công nghiệp tại vịnh Vân Phong và vịnh Cam Ranh.

Kết quả cho thấy, tôm sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống đạt trên 96% cho cả hai loài. Nhờ sử dụng thức ăn công nghiệp do dự án sản xuất đã giúp giảm được 24% chi phí thức ăn và 50% chi phí nhân công so với nuôi bằng cá tạp. Thành công của dự án đã mở ra triển vọng sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm, góp phần hạn chế rủi ro cho người nuôi, bảo vệ môi trường, phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững tại Việt Nam.

Theo PGS. TS Lại Văn Hùng, việc ứng dụng công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm ở nước ta hiện nay có vai trò quan trọng để phát triển nuôi các đối tượng tôm hùm bền vững. Để chủ động nuôi một đối tượng cần chủ động về nguồn giống và thức ăn. Đối với tôm hùm, nghiên cứu sản xuất giống đã được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước tiến hành. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn hạn chế. Có thể cần thêm thời gian và đầu tư nhiều hơn nữa mới chủ động được nguồn giống tôm hùm bằng con đường sinh sản nhân tạo. Đối với thức ăn nuôi tôm hùm cũng đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước thực hiện nhiều năm qua. Kết quả nghiên cứu bước đầu  đã được ứng dụng để sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm. Việc sử dụng thức ăn công nghiệp sẽ làm giảm chi phí thức ăn, chi phí lao động nuôi tôm hùm, bảo vệ được môi trường và nguồn lợi, hạn chế rủi ro cho người nuôi góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho cộng đồng vùng biển đảo.

“Quá trình hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm hùm bông và tôm hùm xanh trước hết sẽ tạo ra con giống sạch bệnh, khỏe mạnh, số lượng và chất lượng tôm hùm giống được nâng lên. Chất lượng giống tốt là yếu tố đảm bảo năng suất và hiệu quả nuôi tôm hùm bông và tôm hùm xanh thương phẩm”, PGS. TS Lại Văn Hùng cho biết.

Theo PGS. TS Lại Văn Hùng, người nuôi tôm có thói quen sử dụng thức ăn là “cá tạp” (cá nhỏ, giáp xác, động vật thân mềm) để nuôi tôm hùm. Sử dụng loại thức ăn này gây nhiều bất lợi cho người nuôi tôm. Do nguồn lợi ngày càng cạn kiệt nên giá thức ăn ngày càng tăng. Hệ số thức ăn cao (FCR = 20-25, tùy loại thức ăn sử dụng), dẫn đến chi phí về thức ăn cho 1kg tôm thương phẩm rất cao.

Vào mùa mưa bão, ngư dân không hoạt động khai thác, nguồn thức ăn cho tôm hùm rất hạn chế, người nuôi tôm hùm phải  nhập thức ăn từ các địa phương xa vùng nuôi. Để giữ cho thức ăn không bị phân hủy do thời gian bảo quản, vận chuyển dài, thương lái dùng các chất bảo quản giữ cho thức ăn tươi. Tuy nhiên, các chất bảo quản là nguyên nhân của hàng loạt dịch bệnh gây chết tôm hùm. Việc sử dụng cá tạp còn gây ô nhiễm môi trường và suy thoái nguồn lợi.

Sử dụng thức ăn công nghiệp sẽ khắc phục được các hạn chế nói trên. Sử dụng thức ăn công nghiệp  giảm chi phí về thức ăn cho 1kg tôm thương phẩm từ 25-30% so với sử dụng thức ăn là “cá tạp”. Hoạt động nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm hùm nói riêng chủ yếu ở khâu cho ăn. Vì vậy, sử dụng thức ăn công nghiệp sẽ giảm chi phí công lao động rất đáng kể.

Ngoài ra, sử dụng thức ăn công nghiệp cũng góp phần chủ động nguồn thức ăn nuôi tôm hùm, hạn chế vật chất thải, bảo vệ môi trường trong phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững tại Việt Nam.

Nguyễn Nam


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang