Làm gì để hàng Việt Nam được ưu tiên?

author 21:58 25/02/2014

Nhiều mặt hàng Việt Nam được bày bán nhưng vẫn “nhờ” thương hiệu nước ngoài và phần giá trị thu về rất nhỏ.

Đối với nhiều người tiêu dùng, hàng Việt đã trở thành lựa chọn đầu tiên khi mua sắm. Tuy nhiên, điều quan trọng là doanh nghiệp Việt Nam làm thế nào để hàng Việt tiếp tục được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng, khi không còn cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"?

Khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường định hướng (FTA) cho thấy, hiện nay đã có 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Số liệu nghiên cứu của Công ty Nielsen về xu hướng tiêu dùng năm 2011 cho thấy, có đến 90% người tiêu dùng tại TP HCM chắc chắn sẽ lựa chọn hàng Việt, 83% người tiêu dùng tại Hà Nội sử dụng và hài lòng với sản phẩm Việt.

Nói chung người tiêu dùng Việt Nam ngày càng đánh giá cao hàng Việt Nam, các mặt hàng dệt may, da giày có tới 80% người ưa chuộng, nhóm hàng thực phẩm, rau quả có tới trên 58% người tiêu dùng ưa chuộng. Đây là những con số đủ để làm nức lòng bất kỳ ai quan tâm tới hàng Việt.

Hàng Việt đã trở thành lựa chọn đầu tiên khi mua sắm.

Hàng Việt đã trở thành lựa chọn đầu tiên khi mua sắm

Thế nhưng, đằng sau sự lạc quan đó, đằng sau những nỗ lực đáng biểu dương của doanh nghiệp trong nước, có những khoảng trống mà các nhà quản lý và doanh nghiệp cần lấp đầy, nếu như muốn tiêu dùng hàng Việt trở thành một thói quen thường nhật của người tiêu dùng.

Trước hết, đó là điểm yếu muôn thuở của hàng Việt với mẫu mã chưa phong phú, chủng loại chưa đa dạng, chưa theo kịp thị hiếu ngày càng khắt khe, phong phú và luôn thay đổi của người tiêu dùng, khó cạnh tranh với hàng cùng loại nhập khẩu.

Chưa có nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao được sản xuất tại Việt Nam, và cũng ít thương hiệu Việt Nam được khẳng định trên thị trường thế giới. Vì vậy, Việt Nam sản xuất được xe máy, thậm chí xuất khẩu được xe máy, nhưng “trái tim” của chiếc xe là phần động cơ thì không sản xuất được, và cũng chưa có thương hiệu xe máy “thuần Việt” nào được khẳng định trên thị trường trong nước.

Tương tự, hàng dệt may của Việt Nam được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng, và được bày bán trong nhiều cửa hàng của các thương hiệu nổi tiếng thế giới, nhưng vẫn dưới cái tên của thương hiệu thời trang nước ngoài, và phần giá trị gia tăng thu về được chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, hay nói một cách khác là doanh nghiệp Việt Nam “lấy công làm lãi”.

Một số doanh nghiệp đã đầu tư được thương hiệu cao cấp cho riêng mình, ví dụ như May 10, nhưng sức lan tỏa của sản phẩm chưa đủ để lấp đầy mong muốn được sử dụng “hàng hiệu” Việt Nam thực sự của người tiêu dùng Việt.

Mối liên kết còn lỏng lẻo giữa các doanh nghiệp và cá nhân tham gia hệ thống phân phối với doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng khiến cho hàng Việt chưa nhiều cơ hội tiếp cận với người tiêu dùng Việt ở ngoài hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn. Trong khi đó, các chợ truyền thống và cửa hàng nhỏ lẻ mới là điểm mua bán, trao đổi chủ yếu của người tiêu dùng.

Điều quan trọng hơn cả là tạo nên được sự liên kết bền chặt giữa các doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Tất cả doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam đều là doanh nghiệp Việt Nam và có nghĩa vụ đóng góp cho sự phát triển kinh tế Việt Nam. Sự đóng góp ấy không nên chỉ nhìn nhận bằng số thuế đã đóng hay số việc làm đã tạo dựng mà còn cần tăng cường nhiều hơn nữa phần đóng góp về mặt thiết kế, chuyển giao công nghệ của các công ty mẹ ở nước ngoài vào công nghiệp Việt Nam.

Theo VOV


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang