Làm gì để nâng cao chất lượng các thương vụ M&A?

author 12:38 02/08/2019

(VietQ.vn) - Ðể “làm nóng” thị trường mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) thời gian tới, điều quan trọng là cần sự nỗ lực cao của cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp trong thúc đẩy kích hoạt các thương vụ lớn.

Theo kết quả khảo sát mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu đầu tư và mua bán - sáp nhập (CMAC) và Nhóm Nghiên cứu Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF Research), giá trị thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) năm 2019 sẽ ở quy mô 6,7-6,8 tỷ USD, tương đương 90% năm 2018, nhưng vẫn cao hơn so với mức bình quân giai đoạn 2014-2017 với quy mô 5 tỷ USD/năm.

Trong năm 2019 và những năm tiếp theo, các thương vụ M&A sẽ tiếp tục tập trung vào lĩnh vực hàng tiêu dùng, bán lẻ, bất động sản. Ngoài ra, các lĩnh vực viễn thông, năng lượng, hạ tầng, dược phẩm, giáo dục được kỳ vọng sẽ đóng góp giá trị đáng kể cho hoạt động M&A tại Việt Nam trong giai đoạn tới.

Thị trường bán lẻ tiếp tục được coi là lĩnh vực mũi nhọn trong các thương vụ M&A.  

Tuy nhiên, để thị trường M&A sắp tới diễn ra sôi động, nhất là kích hoạt cho nhiều thương vụ lớn diễn ra, vẫn còn nhiều rào cản cần phải dỡ bỏ. Trước tiên, yếu tố đang gây trở ngại lớn nhất chính là báo cáo tài chính và công bố thông tin chưa minh bạch (80%), định giá quá cao (76%) và thời gian thực hiện thương vụ quá dài (75%)… Các yếu tố khác lần lượt là: yếu tố văn hóa và sự thay đổi, không có nhiều cơ hội chất lượng, khó tiếp cận doanh nghiệp, rào cản ngôn ngữ.

Ðiểm đáng chú ý là 8/8 yếu tố liên quan đến Nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, 6/8 yếu tố liên quan đến khu vực doanh nghiệp tư nhân. Ðiều này đòi hỏi các nhà hoạch định và thực thi chính sách, các nhà quản lý doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp Việt Nam cần suy nghĩ và tìm giải pháp để tháo gỡ các rào cản, khơi thông cho dòng chảy vốn vào thị trường M&A.

Ngoài các công ty nhà nước cổ phần hóa, nơi cổ đông nhà nước vẫn muốn nắm giữ và thoái từng phần hoặc do Nhà nước chưa thực hiện kế hoạch thoái vốn, một lực cản với M&A là nhiều công ty tư nhân lớn vẫn chưa thoát khỏi tâm lý không muốn bán hết doanh nghiệp. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài muốn nắm tỷ lệ chi phối để có thể chủ động trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh. Ðiều này làm giảm sức hút của các thương vụ cổ phần hóa, bán vốn.

Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn duy trì hai hệ thống sổ sách kế toán. Thông tin tài chính của nhiều doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần hóa chưa được công bố minh bạch, hoặc công bố trên website của doanh nghiệp với thông tin không được cập nhật. Ðiều này làm cho các nhà đầu tư e ngại về tính chính xác của các con số tài chính. Ngoài ra, việc tiếp cận thông tin về đối tượng tiềm năng cũng khá khó khăn với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư phải mất tương đối nhiều thời gian để thực hiện thương vụ. Trong đó, thời gian chính là tìm hiểu thông tin, rà soát đặc biệt và trao đổi thông tin với đối tác.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam định giá quá cao khi bán, điều này đang ảnh hưởng lớn đến sự thành công của các thương vụ M&A do hai bên khó thống nhất được giá.

Ðể “làm nóng” thị trường M&A thời gian tới, CMAC và MAF Research đưa ra khuyến nghị, cần thoái vốn quyết liệt và mạnh mẽ hơn, doanh nghiệp cần minh bạch và công bố thông tin tốt hơn, chủ động tiếp cận các nhà đầu tư quốc tế, thúc đẩy niêm yết các công ty nhà nước cổ phần hóa, thay đổi và hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách.

 Ông Ðặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính.

Đặc biệt, theo ông Ðặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, trong bối cảnh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, cũng như nhà nước thoái vốn khỏi các doanh nghiệp đã cổ phần hóa từ đầu năm đến nay diễn ra chậm, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, doanh nghiệp có giải pháp khắc phục tình trạng này. Bộ Tài chính đang triển khai nhiều giải pháp. Một khi cổ phần hóa và thoái vốn được đẩy nhanh trong thời gian tới sẽ gia tăng dư địa cho thị trường M&A.

Ðể đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, Bộ Tài chính đang phối hợp với các bên liên quan lựa chọn doanh nghiệp, cũng như các nhà tư vấn tham gia làm mẫu áp dụng bán vốn theo phương thức dựng sổ (Book building). Cùng với đó, Bộ cùng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lên kế hoạch triển khai các hoạt động tập huấn, giới thiệu phương thức bán vốn dựng sổ đến rộng rãi doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức bảo lãnh phát hành, để Book building sớm phát huy những tính năng ưu việt trong góp phần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa đang chậm trễ. Cơ quan quản lý đang tính đến việc mở cửa cho các tổ chức tư vấn, bảo lãnh phát hành quốc tế tham gia hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bán vốn theo phương thức dựng sổ.

Thị trường bán lẻ: Ghi nhận sự vươn lên của doanh nghiệp nội trên ‘sân nhà’(VietQ.vn) - Trong năm 2018 và nửa đầu năm 2019, thị trường M&A ghi nhận sự vươn lên của các nhà đầu tư, doanh nghiệp nội để xây dựng vị thế của mình tại “sân nhà”, nhất là trong lĩnh bán lẻ.

Thanh Minh

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang