Làm gì để rác thải nhựa ngưng 'phủ sóng'?

author 06:55 26/07/2019

(VietQ.vn) - Mỗi ngày trên địa bàn TP.Hà Nội phát sinh khối lượng rác thải lớn, lên tới 6.000 tấn, trong đó, rác thải nhựa chiếm từ 8 đến 10%, phát sinh chủ yếu trong hoạt động sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng như rác thải bao bì ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần...

Theo thống kê chung, mỗi ngày trên địa bàn TP.Hà Nội phát sinh khối lượng rác thải lớn, lên tới 6.000 tấn; trong đó, rác thải nhựa chiếm từ 8 đến 10%, phát sinh chủ yếu trong hoạt động sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng như rác thải bao bì ni lông, sản phẩm nhựa sử dụng một lần... Hiện nay, trên địa bàn thành phố cũng có khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất nhựa, các sản phẩm từ nhựa, trong ba lĩnh vực chính là nhựa kỹ thuật (linh kiện, phụ tùng máy móc), nhựa gia dụng và nhựa bao bì.

Ông Lê Hồng Quang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV Bao bì 27-7 Hà Nội cho biết, mỗi tháng công ty sử dụng đến 500 tấn nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm nhựa, trong đó 60% thành phẩm phục vụ xuất khẩu, 40% tiêu thụ trong nước. Riêng công ty đã sản xuất ra một lượng lớn bao bì, sản phẩm từ nhựa, chưa kể đến hàng trăm doanh nghiệp khác. Mà ngành nhựa không chỉ có túi ni lông mà còn những sản phẩm dạng khác, như chai nhựa, cốc nhựa, các mảnh ghép, bộ phận nhỏ trong các sản phẩm, máy móc... Người dân khi dùng xong các sản phẩm này sẽ thải ra môi trường.

Rác thải nhựa thực sự trở thành mối lo ngại của toàn xã hội. Ảnh minh họa. 

Theo GS. TS. Nguyễn Văn Khôi (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam), nhà nước hiện chưa có cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, các ưu đãi về thuế, vốn vay... để doanh nghiệp chuyển đổi từ sản xuất các sản phẩm nhựa sang sản phẩm thân thiện môi trường. 

Doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, tốn kém nhiều chi phí trong việc xin cấp giấy chứng nhận sản phẩm thân thiện với môi trường do việc kiểm nghiệm phải được thực hiện, cấp phép tại các phòng thí nghiệm của Ấn Độ, Thụy Điển, chưa thực hiện được trong nước. Giá thành của các sản phẩm thân thiện với môi trường hiện vẫn cao hơn nhiều lần so với sản phẩm từ nhựa khó phân hủy nên chưa thu hút được đông đảo người sản xuất, kinh doanh lựa chọn. 

GS. TS. Nguyễn Văn Khôi kiến nghị thành phố có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi, đồng thời đầu tư, đặt hàng các công nghệ, dây chuyền sản xuất ứng dụng vật liệu mới để có thể triển khai đại trà. 

Còn theo Sở Công Thương Hà Nội, để thực hiện lộ trình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đặt mục tiêu giảm dần phần trăm tỷ lệ nguyên liệu nhựa trong sản xuất. 100% rác thải phát sinh từ nhà máy được thu gom, phân loại từ nguồn, phấn đấu đến năm 2025 không sản xuất các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. 

Đến ngày 31/12/2020, các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn phấn đấu 100% không sử dụng túi ni lông khó phân hủy; tại các chợ dân sinh giảm 50% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy... Sau năm 2020, các đơn vị phân phối tiêu dùng chỉ nhập và bán các sản phẩm có bao gói thân thiện với môi trường. Cộng đồng doanh nghiệp có ý thức trong sản xuất sản phẩm nhựa và có nghĩa vụ trong việc thu hồi, tái chế, xử lý rác thải nhựa mà họ sản xuất ra. 

Hà Nội: Doanh nghiệp và người tiêu dùng chung tay chống rác thải nhựa (VietQ.vn) - Hà Nội nâng cao nhận thức người tiêu dùng chung tay chống rác thải nhựa, triển khai DN thực hiện lộ trình sản xuất kinh doanh các sản phẩm thân thiện môi trường.

Thanh Minh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang