Làm gì để thanh niên hào hứng thực hiện nghĩa vụ quân sự?

author 08:13 29/11/2013

(VietQ.vn) - Từ khi quy định tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ thời bình được sửa đổi ban hành, đã có nhiều ý kiến trái chiều liên quan tới việc thực hiện nghĩa vụ quân sự cũng như về trách nhiệm của thanh niên trong thời kỳ mới.

Thông tư liên tịch số 175/2011/TTLT-BQP-BGDĐT ngày 13/9/2011 của Bộ Quốc phòng và Bộ GD-ĐT (hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 38/2007/NĐ-CP ngày 15/3/2007 của Chính phủ về việc tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ thời bình đối với công dân nam trong độ tuổi gọi nhập ngũ) có một số nội dung được sửa đổi bổ sung. Một trong những nội dung quan trọng khiến cả xã hội quan tâm suốt thời gian dài đó là trường hợp công dân nhận được Lệnh gọi nhập ngũ và Giấy gọi nhập học cùng một thời điểm, thì phải chấp hành Lệnh gọi nhập ngũ, không thuộc đối tượng xét tạm hoãn gọi nhập ngũ. Đã có nhiều luồng ý kiến trái chiều liên quan đến nội dung này và báo chí cũng đã tốn không ít giấy mực để bàn luận về nó.

Xã hội đã nhiều lần "dậy sóng" khi bàn luận về nghĩa vụ quân sự và trách nhiệm của thanh niên thời kỳ mới

Liền sau đó, trên một số diễn đàn, trang mạng xã hội xuất hiện thông tin các cư dân mạng bày cho nhau cách trốn nghĩa vụ quân sự khiến xã hội đồng loạt bất bình, phẫn nộ. Câu hỏi được đặt ra: “Liệu thanh niên Việt Nam có hèn nhát như những gì mà internet “phơi bày”?”

Mấy ngày nay, dư luận đặc biệt quan tâm tới phương án cho phép thanh niên được đóng tiền thay vì đi nghĩa vụ quân sự, một đề xuất của Trung tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội khi nói tới Luật Nghĩa vụ Quân sự mà hiện đang được cân nhắc sửa đổi. Bên cạnh các ý kiến ủng hộ đề xuất cho rằng, nếu đưa vào quy định đóng tiền, có thể công khai hóa quá trình gọi nhập ngũ và tăng nguồn thu. Tuy nhiên, đề xuất này cũng vấp phải không ít phản đối vì nếu dùng tiền để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ không đảm bảo được sự công bằng trong xã hội, đặc biệt giữa gia đình nghèo với những người giàu có, số khác cho rằng thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ thiêng liêng nên không thể đem tiền ra để mua bán.

Có lẽ chưa bao giờ từ khóa “nghĩa vụ quân sự” lại trở nên “nóng” như thế này. Sự quan tâm và các ý kiến tranh cãi tuy có nhiều khác biệt, thậm chí là trái ngược nhau song chúng đều chứng tỏ một điều xã hội có sự quan tâm đặc biệt tới trách nhiệm của thế hệ trẻ với đất nước, với chủ quyền dân tộc.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII) thanh niên thời kỳ cũng có nhiều loại, việc thanh niên trốn nghĩa vụ quân sự thời nào cũng có, tuy nhiên hiện nay do sự phát triển của Internet nên sự việc được lan tỏa mạnh và nó gây ra những nhầm tưởng rằng thế hệ thanh niên hiện nay đều như thế. Trốn nghĩa vụ quân sự là một hành vi lệch chuẩn, vi phạm luật mà nguyên nhân có thể là do giới trẻ không xác định được lý tưởng sống của mình, mất phương hướng, đang hoang mang vì con đường tiến thân không rõ ràng. Tuy nhiên cũng cần tính đến khả năng do sự kích động của các thế lực thù địch bên ngoài, tiêm nhiễm những câu chuyện ảo về cách trốn nghĩa vụ quân sự vào thế hệ thanh niên, khiến cho thanh niên uể oải.

Tham gia nghĩa vụ quân sự thanh niên trưởng thành hơn

Thực chất nghĩa vụ quân sự chỉ kéo dài 18 tháng, suốt thời gian đó, thanh niên được rèn luyện được tính kỷ luật bền bỉ, khả năng chịu đựng gian khổ, trở nên trưởng thành hơn. Quan niệm cố hữu từ trước đến nay của ta là thanh niên phải thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng xã hội ngày nay đã có nhiều thay đổi nên cũng cần suy nghĩ xem có nhất thiết phải như vậy không.

Theo ông, thời chiến thì nhất định là thanh niên cần phải đi nghĩa vụ, còn thời bình thì nên buộc tất cả các thanh niên, sinh viên phải qua đào tạo nghĩa vụ quân sự nhưng đó là đào tạo bài bản nghiêm chỉnh chứ không hời hợt, mờ nhạt như việc dạy quân sự ở nhiều trường hiện nay.

Nên tập trung đào tạo bàn bản cho học sinh, sinh viên về nghĩa vụ quân sự vào thời điểm hè, kéo dài từ 2 tháng đến một năm theo hướng đào tạo tập trung, có thể phiên chế vào đội ngũ, tất cả thanh niên có phiên hiệu quân đội (đại đội mấy, trung đội mấy), khi xảy ra sự cố, họ biết mình tập trung ở đâu, nghe lệnh ai…

Chúng ta cũng nên xem xét có nên coi lực lượng vũ trang là một nghề, ai tham gia được trả lương cao, ví dụ quân đội phục vụ ở những nơi vùng sâu vùng xa, nguy hiểm thì trả lương cao gấp 5 – 10 người khác, như thế vừa công bằng vừa không có tình trạng thanh niên tìm cách để luồn lách, trốn tránh. Việc giảm chi cho những vấn đề ít quan trọng để tập trung chi trả cho những lực lượng tinh nhuệ thì hẳn toàn xã hội cũng không phàn nàn gì.

Thanh Thu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang