Làm gì để Việt Nam không phụ thuộc vào Trung Quốc

author 16:45 21/05/2014

Tại buổi tọa đàm "Doanh nhân 2030 hướng về biển Đông" do Saigon Times tổ chức mới đây (19.5), nhiều doanh nghiệp cho biết cần phải có giải pháp để nền kinh tế Việt Nam bớt phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng trên biển Đông.

Ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Khu công nghiệp Việt Hương (Bình Dương): Chuyển chiến lược kinh doanh

Hiện khu công nghiệp của chúng tôi ở Bình Dương có tới 90% công nhân đã đi làm việc trở lại. Điều đáng mừng nhất là những công ty bị thiệt hại nặng nề nhất thì công nhân lại đến đông đủ nhất. Đa số công nhân của mình rất lương thiện và chất phác. Cho nên việc "hôi của" như vừa qua không phải là anh em công nhân mà là phần tử xấu, phá hoại. Tôi là người trong cuộc tôi hiểu.

Tôi mới đọc báo thấy Thụy Sỹ trưng cầu dân ý về nâng lương tối thiểu 4.400 USD/tháng. Thụy Sỹ là nước không có quốc phòng, không có cảnh sát nhưng địa vị trên thế giới rất cao... Nhắc điều này, ý tôi muốn nói kinh tế chính là sức mạnh và đóng vai trò rất quan trọng.

Hiện chúng ta nhập siêu từ Trung Quốc và xuất siêu đi Mỹ. Đứng ở góc độ kinh tế, việc doanh nghiệp đi nhập nguyên liệu về sản xuất rồi bán ra thì hết sức bình thường. Tuy nhiên những điều tưởng chừng rất bình thường đó lại ẩn chứa những điều rất không bình thường.

Tôi ví dụ ở ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam như may mặc, mỗi năm xuất khẩu 18 - 20 tỉ USD. Nhưng hơn 70% nguyên phụ liệu của may mặc phải nhập từ Trung Quốc và số lợi nhuận này do Trung Quốc hưởng trọn. Điều đáng suy nghĩ là những nguyên liệu này không có gì cao siêu cả mà tại sao chúng ta không làm được?

Cái này một phần do chính sách về nguyên phụ liệu. Tôi ví dụ nếu mình gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) bắt buộc chúng ta phải nhập nguyên phụ liệu về may mặc trong 12 nước thành viên TPP nhưng cho đến ngày hôm nay Nhà nước chưa có chủ trương rõ rệt về vấn đề này. Đó là những nguyên phụ liệu mà doanh nghiệp Việt Nam có thể làm được nhưng tại sao lại bỏ ngỏ cho Trung Quốc thống lĩnh.

Nhập siêu 70% từ Trung Quốc có nghĩa là chúng ta đã thua hiệp 1, là 70% lợi nhuận đã thuộc về phía Trung Quốc. Sang hiệp 2, chúng ta tiếp tục thua nốc ao ngay trên sân nhà trước những áp lực đang đè trên vai các doanh nghiệp trong nước vì thiếu các sự hỗ trợ về chính sách ưu đãi, vốn vay, lãi suất cao, hạ tầng kém, không phát triển được nguồn nguyên liệu cho ngành dệt may.

Ở các nước và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... vốn đầu tư của một xí nghiệp nhỏ và vừa là 10 triệu đô la Mỹ, lãi suất ưu đãi được hưởng từ 0% - 0,8%/năm, trong khi đó ở Việt Nam vốn đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa đều phải vay với lãi suất cao.

5 - 6 năm nay tôi chống chọi với hàng Trung Quốc, tạm thời ở sân nhà tôi chưa thua nhưng cũng không thắng.

không phụ thuộc hàng Trung Quốc

May mặc là ngành phụ thuộc nhiên liệu Trung Quốc

Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nhiên liệu Sài Gòn: Chăm lo đời sống công nhân

Năm 2012, tôi có đi Trường Sa, từ đây tôi nghiên cứu thêm tài liệu và thêm hiểu hơn về Trường Sa, Hoàng Sa. Sau khi xảy ra việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương-981, tôi thống nhất với lãnh đạo công ty tổ chức buổi nói chuyện về chủ quyền về Hoàng Sa, Trường Sa cho toàn bộ nhân viên công ty nghe.

Hiện nay, việc mạng xã hội phát triển cho phép chúng ta tự do trao đổi, chia sẻ những suy nghĩ của mình. Đặc biệt là các phát ngôn của doanh nhân ít nhiều tác động tới suy nghĩ của nhân viên. Cho nên sau sự cố ở Bình Dương tôi nghĩ rằng doanh nhân không những là chiến sĩ ở mặt trận kinh tế mà còn là chiến sĩ ở mặt trận truyền thông.

Điều nữa mà tôi nhận thức được là cần xây dựng các tổ chức công đoàn, đoàn viên ở công ty để chăm sóc tốt hơn nhân viên của mình. Chúng ta là doanh nhân tất nhiên phải có nghĩa vụ chăm sóc người lao động. Trách nhiệm của chúng ta là cố gắng mang lại thu nhập tốt nhất cho người lao động. Thường cuối năm tôi vẫn ngồi lại với lãnh đạo công ty rà soát lại có nhân viên nào trong công ty cần sự giúp đỡ.

Tuy nhiên, phải nói thẳng là tôi chưa hiểu hết nhân viên của mình. Công ty tôi hiện có hơn 300 người và tôi không trả lời được hiện nay có bao nhiêu nhân viên, công nhân của mình đang ở nhà trọ. Tôi không trả lời được hiện nay họ sống như thế nào.

Sau sự kiện xảy ra ở Bình Dương, tôi đề nghị công đoàn phải thống kê hiện nay đời sống của nhân viên như thế nào mặc dù công ty đang đảm bảo mức lương hợp lý. Việc hiểu hoàn cảnh của nhân viên là để có chia sẻ, hỗ trợ và tổ chức làm tốt nhất việc này là công đoàn, đoàn thanh niên.

Trách nhiệm của doanh nhân là phải làm sao mang được tri thức đến với công nhân. Qua sự việc vừa rồi tôi nhận ra trước giờ chúng tôi chỉ chăm chăm mang sách đến trường học, cố gắng xây dựng tủ sách gia đình thêm giàu có. Hình như chúng ta đang bỏ quên một đối tượng rất lớn mà họ cũng cần tiếp cận tri thức đó là đội ngũ công nhân. Cho nên tôi có bàn với một số công ty là sẽ có kế hoạch đưa sách tới nhà trọ của công nhân.

Hiện nay, chúng ta thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện xã hội. Công ty tôi cũng có nhiều chương trình từ thiện. Tuy nhiên trong đầu tôi nghĩ tới chuyện chăm sóc thân nhân gia đình người lính, đặc biệt là lực lượng hiện này đang đầu sóng ngọn gió như kiểm ngư, cảnh sát biển. Hiện nay các lực lượng này gặp rất nhiều khó khăn cho nên trong chương trình hoạt động của công ty và hiệp hội, sẽ có ngân sách dành cho người lính và gia đình họ.

Đây là giai đoạn các doanh nhân ý thức được rằng chỉ có đất nước hùng mạnh thì chúng ta mới có được hòa bình. Chúng ta chỉ có được độc lập khi chúng ta mạnh lên. Lực lượng doanh nhân không chỉ có trách nhiệm với bản thân, doanh nghiệp mà còn phải có trách nhiệm với công đồng, với đất nước này.

Theo Thanh Niên


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang