Làm gì khi nguồn nước sinh hoạt nhiễm asen?

author 17:52 11/09/2012

(VietQ.vn) - Asen xâm nhập vào người qua con đường nước uống, không khí trong vùng ô nhiễm; nhiễm da do tiếp xúc liên tục với nguồn nước, không khí ô nhiễm. Nó gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, do đó cần chú ý để hạn chế nước nhiễm asen.

Trước thông tin hàng trăm hộ dân sinh sống tại tòa nhà N01 – Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) hoảng sợ khi phát hiện nước sinh hoạt mà mình sử dụng nhiều năm nay bị nhiễm độc tố asen cao gấp 37 lần mức cho phép, Chất lượng Việt Nam xin giới thiệu cùng bạn đọc những thông tin tổng hợp về cách hạn chế nguy hiểm khi nước nhiễm asen.

Nước nhiễm asen gây hại sức khỏe con người

Theo đánh giá chung của các nhà khoa học, nước nhiễm asen do nhiều nguồn gây ra. Nguyên nhân cục bộ là do con người như sử dụng quá mức phân bón, thuốc trừ sâu, đốt than, xỉ… nhưng trên toàn vùng thì chủ yếu do địa chất, trong đất chứa quặng sắt; không chỉ trong nước mà còn có trong không khí, đất, thực phẩm. Khi ở trạng thái rắn, asen là chất bột màu trắng. Khi ngấm vào nước, ngay cả khi nồng độ asen trong nước cao đến mức có thể gây chết người, thì nó tan trong nước, không màu, không mùi, không vị nên phát hiện bằng trực giác rất khó. Do vậy, cả nước giếng trong veo cũng cần cẩn thận. Tốt nhất vẫn nên đi kiểm tra xem nước có bị nhiễm asen không.

Asen xâm nhập vào người qua con đường nước uống, không khí trong vùng ô nhiễm; nhiễm da do tiếp xúc nhiều, liên tục với nguồn nước, không khí ô nhiễm. Vào cơ thể người asen thường tích tụ trong não, các mô da, móng tay, tóc, răng, xương và các bộ phận giàu biểu mô như niêm mạc vòm miệng, thực quản, dạ dày, ruột non gây nhiễm độc cấp tính cao. Về lâu dài, cũng có thể gây hại nhiều hệ thần kinh, đái tháo đường, nhồi máu cơ tim, sẩy hoặc lưu thai... Nhưng sự xâm nhập asen qua đường nước ăn mới là nguy hiểm nhất, dù ở mức độ nào, vì nó diễn ra hàng ngày, theo con đường tiêu hóa, mà nước trong cơ thể chiếm tỉ lệ cao. Khi tích tụ trong cơ thể như vậy, nó sẽ tác động gây bệnh.

Biểu hiện ở tay khi sử dụng nước nhiễm asen

Trong trường hợp đã bị nhiễm độc asen, muốn giảm bớt các triệu chứng của bệnh, người bệnh cần được đảm bảo chế độ ăn uống thật tốt, giảm protein, bổ sung các vitamin để giúp cơ thể thải asen nhanh hơn. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể dùng thuốc giúp gan thải asen ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, phải đến ngay bệnh viện để có được lời khuyên, chỉ dẫn của bác sĩ. Những trường hợp nhiễm asen cấp tính, các phác đồ điều trị là giảm thiểu và giải độc trực tiếp asen ra khỏi cơ thể.

Khi đã nhiễm asen lâu ngày dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm rồi thì vấn đề đã đi sang một hướng khác: khó khăn hơn, tốn kém hơn, sức khỏe suy giảm nhanh hơn và… tốn tiền nhiều hơn. Theo các nhà khoa học, hiện nay trên thế giới, khó khăn nhất là khâu chẩn đoán lâm sàng và chưa có cách hiệu nghiệm chữa chạy nhiễm độc asen.

Còn việc xử lý asen trong nước ngầm, nước sinh hoạt đã được đặt ra nhiều năm nay. Nhiều phương pháp đã được áp dụng như xử lý bằng bể lắng, lọc, bằng giàn mưa song các cách này chưa giải quyết triệt để asen. Đã có một số thiết bị lọc nước nội địa được các nhà khoa học chế tạo. Công nghệ lọc nước nano đã được thế giới áp dụng, được "nội địa hóa" với giá thành chỉ bằng 50-70% giá nhập ngoại.

Thiết bị lọc nước gồm vỏ, lõi lọc và phụ kiện. Nước nhiễm asen được đưa vào ống dẫn nước của máy lọc, sau đó được đẩy vào phía trong lõi lọc nano theo hướng đi từ dưới lên, phía bên trên của lõi lọc nano có nhiều khe hở để dòng nước sau xử lý chảy tràn qua không gian giữa thân máy và lõi nano. Nước sạch chảy vào lỗ thu nước ra và theo vòi ra để đưa vào sử dụng. Hoạt động của thiết bị khá đơn giản và tiện sử dụng để có thể lắp đặt vào các vị trí khác nhau.

Đối với nguồn nước sinh hoạt của người dân ở các khu vực thành thị, khi sử dụng chỉ cần nối vòi nước với ống nước vào thiết bị, sau đó nước ra khỏi thiết bị là có thể sử dụng cho mục đích ăn uống và sinh hoạt. Với nguồn nước sinh hoạt không tập trung và chất lượng nước đầu vào không ổn định như ở các vùng nông thôn của nước ta thì cần bổ sung bộ phận lọc thô như bể lọc cát, cột lọc thô trước khi nước vào để tăng tuổi thọ của thiết bị, nếu không lõi sẽ nhanh chóng bị tắc và không sử dụng được.

Ưu điểm của thiết bị này chính là lõi lọc nano carbon, có khả năng lọc những hạt rất nhỏ, kích cỡ nanomet, tạo thành một dạng màng lọc. Carbon có khả năng lọc sạch nước.

Đến nay, các nhà khoa học đã sản xuất thành công nhiều loại thiết bị lọc quy mô gia đình (60-80 lít/h); lọc xách tay phục vụ khu vực ngập lũ, có thể di chuyển, mang vác dễ dàng; hệ thống xử lý nước phục vụ sinh hoạt quy mô 1,5m3, có thể di chuyển trên thuyền hoặc xe để phục vụ lọc nước sinh hoạt trong điều kiện ngập lũ...

Các nhà nghiên cứu khuyến cáo, có thể tận dụng ngay công nghệ xử lý sắt trong nước ngầm hiện nay để loại bỏ asen. Các gia đình không có điều kiện dùng nước máy mà phải dùng nước giếng khoan nên xử lý nước bằng phương pháp sục khí, giàn mưa, bồn lắng, lọc... vừa để khử sắt, vừa loại bỏ asen trong nước.

Song, quan trọng hơn cả là người dân phải rửa lọc theo quy trình và phải kiểm tra mẫu nước thường xuyên để biết chính xác nguồn nước mình sử dụng có an toàn hay không. Bên cạnh đó cũng rất cần sự vào cuộc thường xuyên của ngành y tế để kiểm tra định kỳ nguồn nước, xác định cho người dân xem nước có an toàn hay không để đưa ra những khuyến cáo hợp lý.

Đức Thắng (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang