Làm giàu: Bí quyết nuôi thỏ lãi ròng tiền tỉ mỗi năm

authorHoàng Linh 11:08 07/10/2016

(VietQ.vn) - Gần đây chăn nuôi thỏ phát triển mạnh do nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng. Do vậy, nuôi thỏ được xem là một trong những cách làm giàu lý tưởng.

Sự kiện: Làm giàu

Trong những năm gần đây, phong trào chăn nuôi thỏ phát triển mạnh do nhu cầu tiêu thụ thịt thỏ ngày càng tăng. Bên cạnh đó, chăn nuôi thỏ nguồn vốn đầu tư ban đầu thấp, chuồng trại có thể tận dụng các vật liệu sẵn có, rẻ tiền để làm, tận dụng được lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Do vậy, nuôi thỏ được xem là một trong những cách thức làm giàu lý tưởng.

Câu chuyện chàng sinh viên tốt nghiệp loại Giỏi Đại học Lâm nghiệp - Phùng Văn Toản (26 tuổi, ở xã Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội) bỏ giảng đường, về quê nuôi thỏ kiếm tiền tỉ khiến rất nhiều người cảm phục.

 Phùng Văn Toản (26 tuổi, ở xã Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội) bỏ giảng đường, về quê nuôi thỏ làm giàu tiền tỉ . Ảnh NNVN

Tháng 6/2014, anh Toản và một vài người bạn đã góp vốn mở trang trại tại khu 916, xã Cổ Đông, Sơn Tây. Báo Thanh niên đưa tin, trên diện tích rộng hơn 22 ha, anh và bạn thân đầu tư 13 tỉ đồng xây dựng 4 khu chuồng trại khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi thỏ. Sau đó, để đầu tư theo hướng công nghiệp, anh quyết định nuôi thỏ New Zealand, vì giống thỏ này có đặc điểm sinh sản tốt, dễ nuôi, thích hợp với khí hậu ở VN, đầu ra thuận lợi, giá cả ổn định và hiệu quả kinh tế cao.

Mới đầu nuôi anh cũng gặp rất nhiều khó khăn về quy trình chăm sóc, giống. Nhưng hiện tại, trang trại nuôi thỏ của anh rộng hơn 3 ha, được cho là trang trại giống lớn nhất miền Bắc. Trong đó, có hơn 3 nghìn con thỏ sinh sản, 6 nghìn con thỏ thương phẩm. Với giá thỏ sinh sản hiện nay là 150 nghìn đồng/kg, thỏ thương phẩm là 70 - 90 nghìn đồng/kg, mỗi năm anh thu về hàng tỉ đồng từ nuôi thỏ. Anh cho biết với PV Thanh niên: “Tính sơ sơ mỗi tháng tôi thu về 700 - 800 triệu đồng, trừ chi phí thức ăn, khoa học kỹ thuật, trả lương cho công nhân thì lãi khoảng 300 - 400 triệu đồng, thu nhập một năm khoảng 4 - 5 tỉ đồng”.

Không chỉ làm giàu nhờ chăn nuôi, anh Phùng Văn Toản còn tạo công ăn việc làm cho hàng chục người dân địa phương, với thu nhập bình quân mỗi công nhân 4 - 5 triệu/tháng.

Nuôi thỏ không tốn nhiều chi phí nhưng khó khăn ở khâu phòng dịch bệnh. Ảnh minh họa 

Giữa năm 2015, anh Trần Quý Hòa ở thôn Chi Nhị, xã Song Giang, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) bắt đầu bén duyên nghề nuôi thỏ. Theo Nông nghiệp Việt Nam, đàn thỏ ban đầu chỉ 20 con, đến nay đã phát triển hơn 100 con thỏ mẹ. Anh Hòa cho hay, một năm thỏ mẹ đẻ 7 lứa, mỗi lứa 6 - 7 con. Sau khoảng từ 2,5 - 3 tháng nuôi, thỏ đạt khoảng 2,5 - 3 kg một con. Anh xuất bán thỏ giống 150.000 đồng một kg, thỏ thịt 85.000 đồng, bình quân mỗi tháng anh thu lãi 30 triệu đồng, vị chi thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm.

Trao đổi về những kinh nghiệm nuôi thỏ làm giàu, Anh Hòa chia sẻ với Nông nghiệp Việt Nam, chi phí đầu tư nuôi thỏ không cao, chuồng nuôi khá đơn giản, chỉ bằng tre hoặc lưới sắt, song phải cao ráo và sạch sẽ, mùa hè thoáng mát, mùa đông kín ấm. Tuy nhiên, để nuôi thành công cũng không đơn giản. Bởi thỏ là loại động vật rất dễ bị nhiễm bệnh, nguy hiểm nhất là bệnh bại huyết (xuất huyết đường ruột). Khi mắc bệnh này, thỏ chết rất nhanh. Phương pháp phòng ngừa tốt nhất là tiêm phòng.

Cập nhật giá cả thực phẩm ngày 07/10/2016 cho các bà nội trợ(VietQ.vn) - Cập nhật tin tức giá cả thị trường hôm nay 07/10/2016, giá thịt lợn ba chỉ, giá thịt heo vinmart, giá thịt gà ta, giá rau củ quả..

Đối với thỏ thương phẩm nuôi từ lúc đẻ đến xuất bán trong thời gian 3 tháng. Đồng thời, muốn có thỏ thương phẩm xuất bán gối đầu hằng tháng, cần bố trí tỷ lệ cho thỏ mẹ đẻ hợp lý, giãn cách nhau, tránh tình trạng nuôi dồn vào một thời điểm, vừa khó chăm sóc, vừa khó tiêu thụ.

Bên cạnh đó, ngoài chế độ dinh dưỡng còn phải chú ý tới công tác vệ sinh chuồng trại phòng một số bệnh thường gặp như ghẻ, nấm. Nếu để mắc bệnh không những thỏ chậm phát triển còn lây lan ảnh hưởng đến đàn. Đồng thời, phải theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của thỏ bằng cách ghi nhật ký về ngày thỏ mẹ mang thai, ngày sinh, ngày tách đàn, quá trình sinh trưởng.

Ông Nguyễn Hồng Phúc xã Nhơn Tân (An Nhơn, Bình Định) cũng làm giàu chục triệu mỗi tháng nhờ nuôi thỏ. 

Báo Vnexpress cho biết, sau 7 năm nuôi trồng, năm 2015 trại nuôi thỏ của vợ chồng ông Phúc có quy mô gần 200 m2 với 80 thỏ cái sinh sản và 8 con thỏ đực phối giống. Mỗi cặp thỏ giống có thể đẻ từ 6 - 7 lứa trong năm. Để đảm bảo cung ứng ra thị trường được sản phẩm chất luợng tốt, ông Phúc nhập về loại giống New Zealand và California (Mỹ), chính vậy giá bán ra thị trường cũng khá cao

Ông Nguyễn Hồng Phúc xã Nhơn Tân (An Nhơn, Bình Định) cũng làm giàu chục triệu mỗi tháng nhờ nuôi thỏ. Ảnh NNVN 

Tôi vừa xuất chuồng 100 con thỏ thương phẩm với giá 80.000 đồng một kg" ông Phúc khoe. Đều đều, mỗi tháng ông Phúc xuất chuồng khoảng 250 kg thỏ thương phẩm. Trừ mọi chi phí ông thu tiền lãi khoảng 15 triệu đồng, theo Vnexpress.

Kỹ thuật chăm sóc thỏ sinh sản (Theo Người chăn nuôi)

Chăm sóc thỏ sinh sản:

Cách chăm sóc thỏ đực 

Yêu cầu đối với thỏ đực là phối được nhiều thỏ cái và đạt tỷ lệ thụ thai cao, thường đạt tỷ lệ trung bình trên 70%. Tránh thỏ đực quá béo hay quá gầy. Tránh cho thỏ ăn quá nhiều làm cho thỏ đực lười, sản xuất tinh trùng kém. Chế độ ăn ngoài rau cỏ cần bổ sung thêm lúa, bắp hay đậu, có thể cho ăn lúa 3 ngày liên tục, kết quả phối giống thụ thai sẽ rất tốt. Thức ăn cần giàu đạm và vitamin nhất là vitamin A và E vì chúng có vai trò quan trọng trên cơ sở phát triển tế bào và mô cơ.

Thường một thỏ đực có thể phối cho từ 9 - 12 thỏ cái. Tuổi thỏ đực có thể sử dụng từ 8 - 12 tháng tuổi.

Tuổi cho thỏ sinh sản

Nên phối cho thỏ ở giai đoạn 8 tháng tuổi đối với thỏ đực và 6 tháng đối với thỏ cái. Ở các trại giống thì thỏ cái sinh sản là 8 tháng và thỏ đực là 10 tháng.

Một thỏ đực có thể nhảy 8 - 12 thỏ cái (trung bình là 10 con). Thời gian sử dụng thỏ giống tùy thuộc vào: số con thỏ cái đẻ và tình trạng sức khỏe thỏ cái. Nếu thỏ cái đẻ 5 lứa/năm thì có thể sử dụng trong vòng 3 năm, sau đó vỗ béo bán thịt. Với thỏ đực có thể sử dụng trong 3 năm tùy tình trạng sức khỏe và khả năng sai con của nó 

Phối giống và đẻ: 

Thỏ cái lên giống 

Trường hợp thỏ cái không chịu cho thỏ đực nhảy thì có thể kích thích thỏ cái như sau: bỏ thỏ cái vào lồng thỏ đực trong vài giờ sau đó bắt thỏ cái ra. Hoặc là bỏ một nắm cỏ của lồng thỏ đực cho vào trong lồng thỏ cái, cũng có thể nhốt thỏ cái kế lồng thỏ đực từ 24 - 48 giờ. Sau đó thỏ cái có thể chịu cho nhảy. Cũng có thể dùng các loại kích dục tố để kích thích thỏ cái lên giống và chịu cho đực phối trong những trường hợp thỏ cái không có biểu hiện lên giống và không cho thỏ đực nhảy.

Cho thỏ phối giống 

Thường cho thỏ phối giống vào sáng sớm hay chiều mát, nếu phối trong điều kiện nóng sẽ không thuận lợi do stress nhiệt.

Bắt thỏ cái bỏ nhẹ nhàng vào lồng thỏ đực, không nên bắt thỏ đực bỏ vào lồng thỏ cái do có thể làm cho thỏ đực hoảng sợ với môi trường mới không chịu phối. Phải quan sát thỏ nhảy, khi nhảy được thỏ cái, thỏ đực sẽ kêu lên một tiếng và ngã sang bên cạnh là đạt. Chỉ nên cho thỏ nhảy từ 1 - 2 lần, không nên để thỏ cái trong lồng thỏ đực suốt đêm làm mất sức cả thỏ đực và cái. Cách dùng 2 thỏ đực khác nhau để nhảy 1 thỏ cái có hạn chế là: không xác định được di truyền con đực nào và thỏ cái yếu sức sẽ không chịu đực.

Chăm sóc thỏ cái có thai 

Thời gian mang thai của thỏ là 30 ngày, có thể sớm hoặc muộn hơn 1 - 2 ngày. Sau khi cho thỏ nhảy nếu khoảng 6 - 7 ngày sau mà thỏ cắn cỏ, lông để làm ổ thì có thể kết luận là thỏ không có thai. Thỏ có thai thì nên đặt thỏ ở nơi yên tĩnh, kín đáo và sau 14 - 15 ngày thì khám thai, không nên khám thai sau ngày thứ 18.

Cách khám thai bằng tay: bắt thỏ cái đặt nhẹ nhàng trên mặt nhám, tay phải nắm lỗ tai và vai thỏ, tay trái đặt dưới mình thỏ giữa 2 chân sau và trước vùng xương chậu, đặt ngón cái một bên và 4 ngón còn lại một bên, lướt nhẹ nhàng từ trước ra sau, nếu gặp một cục tròn nhỏ như sâu chuỗi là thỏ có thai. Nên phân biệt với phân thỏ nằm gần xương sống và trực tràng.
Sau đó cho thỏ vào lồng rộng hơn, có nước uống thường xuyên, có cỏ đầy đủ và thêm thức ăn bổ sung, bột cá, bánh dầu.

Cho thỏ đẻ

Căn cứ vào ngày phối ghi chép để chuẩn bị ngày thỏ đẻ. Thông thường thời gian mang thai của thỏ là 1 tháng, tuy nhiên thỏ có thể đẻ sớm hay muộn hơn 1 - 2 ngày. Ta cần thiết phải chuẩn bị ổ đẻ cho thỏ, ổ có thể được đóng bằng gỗ hoặc dùng các rổ bằng tre hay nhựa, cho vào một ít vải vụn. Trước khi đẻ, thỏ mẹ sẽ cắn lông ở bụng và lót vào ổ. Thỏ đẻ nhanh (khoảng 15 - 20 phút) và tự ra nhau thai. Cần theo dõi để đem thỏ con ra, đôi khi giúp mở bao ối tránh thỏ con bị ngộp; ngoài ra còn tránh thỏ mẹ đạp, cắn hoặc ăn con (nhất là ở lứa đầu) sẽ giúp giảm tỷ lệ hao hụt, đồng thời lấy nhau thai chôn đi.

Chăm sóc giai đoạn đầu đời 

- Cho thỏ sơ sinh bú là điều quan trọng, nếu thực hiện cẩn thận và đầy đủ sẽ nâng cao số con còn sống sau cai sữa. Sự thất bại thường xảy ra ở giai đoạn này. Thỏ con cần được sự giúp đỡ để bú mẹ, đặc biệt là thỏ mẹ ở lứa đầu, mỗi ngày cho bú chỉ 1 lần vào buổi sáng. Thỏ con sơ sinh có thể tách ra khỏi mẹ để vào ổ lót bằng nhựa nơi khô ráo, ấm áp và tránh bị thỏ mẹ vào ổ đẻ bới con văng ra hay đè chết. Thỏ con bú đầy đủ sẽ ngủ yên và da căng bóng, trường hợp thiếu sữa thỏ sẽ cựa quậy nhiều và nhăn da, gầy còm.

- Thỏ mẹ sau khi sinh nên được tiêm kháng sinh 3 ngày để phòng viêm nhiễm sinh dục (viêm tử cung, viêm vú). Có thể tiêm một trong các loại kháng sinh sau: Forloxin (1 ml/8 - 10 kg thể trọng, ngày/lần, 3 ngày liên tục) hoặc Vime-Apracin (1 ml/5 - 7 kg thể trọng, ngày/lần, 3 ngày liên tục) hoặc Ceptiket (1ml/10 kg thể trọng, ngày/lần, 3 ngày liên tục) 

- Bồi dưỡng: Do chu kỳ khai thác rất ngắn, nên cần bồi dưỡng tốt, có thể dùng thêm các loại sản phẩm sau theo cách xen kẻ, mỗi ngày một loại, 1 liều tiêm dưới da: Vime Canlamin (1 ml/5 kg thể trọng) hoặc Vime-ATP (0,5 - 1 ml/con) hoặc Canxi-Magne (0,5 - 1 ml/con) hoặc Vimekat (1 ml/5 kg thể trọng) 

- Ngày thứ 3 có thể cho thỏ mẹ phối lại nếu thấy thỏ mẹ không mất sức, tiêm thêm: Poly AD (tiêm bắp 0,2 - 0,3 ml/con) 

- Thỏ con rất dễ nhiễm E.coli từ môi trường nuôi, từ mẹ… nên có thể phát bệnh từ rất nhỏ (ngay tuần đầu). Việc điều trị tương đối khó do thỏ thường bị nhiễm khuẩn huyết, biểu hiện thần kinh như: nghiêng đầu, ngoẹo cổ, run giật, giật bắn khi bị chạm trúng mình, bụng trướng,… và chết. Có thể áp dụng biện pháp phòng bằng kháng sinh ở ngày thứ 5 - 7 với: Aralis (1 ml/5 kg thể trọng uống 3 ngày liên tục).

- Bệnh cầu trùng gây ảnh hưởng trên thỏ rất nặng nề và khó điều trị, nhất là cầu trùng gan. Nên phòng cầu trùng ngay từ giai đoạn đầu đời. Dùng Vicox Toltra, 1 ml/2,5 kg thể trọng.

- Thỏ mở mắt từ 9 - 13 ngày, có thể tập ăn tại lồng của thỏ con bằng rau xanh tốt và các loại thức ăn bổ sung có chất lượng mà không cần cho theo mẹ. Như vậy chúng ta tạo điều kiện để cai sữa tốt và thỏ mẹ ít bị ảnh hưởng bởi thỏ con. Thông thường chúng ta cai sữa chúng từ 30 - 35 ngày tuổi.

- Cần tiêm phòng bệnh nguy hiểm nhất và rất phổ biến ở Việt Nam đối với thỏ là bệnh xuất huyết thỏ lúc 2 tháng tuổi. Dùng Vaccine xuất huyết thỏ liều 1 ml/con. Nên lập lại liều 2 sau đó 4 tuần để tăng cường miễn dịch, sau đó định kỳ 5 - 6 tháng lập lại một liều.

Hoàng Linh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang