Làm giàu trên đất phèn bằng cây này lãi gấp 7 lần trồng lúa

author 15:00 26/03/2017

(VietQ.vn) - Làm giàu không khó nếu nắm chắc trong tay những bí quyết và kinh nghiệm. Nhiều người nông dân đã thành công trong việc cải tạo và canh tác đất phèn.

Sự kiện: Làm giàu

Trong quá trình làm nông nghiệp nói chung, cây trồng nói riêng, đất bị nhiễm phèn hay còn gọi là đất phèn thường ảnh hưỡng đến quá trình trao đổi chất trong đất, làm cho cây trồng hấp thụ dinh dưỡng kém. Do vậy khi bón phân vào khu vực có đất phèn, lượng phân bón sẽ mất đi nhiều tác dụng.

Cây trồng không lấy được nước, dưỡng chất qua hệ rễ; các tế bào long hút bị hư hại, hệ rễ không phát triển mà thối dần. Đất phèn bởi vậy là "cơn ác mộng" của nhiều người nông dân. Cải tạo đất phèn, đất nhiễm mặn là vấn đề khó khăn phức tạp đối với các nhà khoa học về cải tạo đất của nước ta và nhiều nước trên thế giới. Trong nông nghiệp cũng đã có nhiều trường hợp đã thành công với mô hình làm giàu từ cây trồng thích ứng với đất phèn.

Ông Nguyễn Hữu Phước được xem là người khởi xướng cho phong trào trồng thanh long làm giàu ở xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.

lam-giau-tren-dat-phen-bang-cay-nay-lai-gap-7-lan-trong-lua
Thanh long trồng ở U Minh Hạ làm giàu cho gia đình ông Phước. Ảnh VnExpress

Theo VnExpress, hơn 10 năm trước, ông Phước rời vùng quê cây ăn trái Châu Thành (Tiền Giang) đến U Minh Hạ lập nghiệp. Đồng đất này từng được ví là “đất chết” vì nhiễm phèn mặn quanh năm, sản xuất lúa không hiệu quả. Mấy năm đầu, ông Phước chỉ trồng vài bụi thanh long vừa để cho mấy đứa nhỏ có trái ăn, vừa để đỡ nhớ quê nhà. Thấy thanh long lớn tốt ngay trên vùng đất phèn, trái ăn ngọt không kém nơi khác, từ đó ông Phước quyết định làm giàu bằng nghề trồng thanh long.

Hai anh em ông Phước ra sức khai phá vùng đất trũng, nhiễm phèn nặng để xây dựng hệ thống tiêu thoát nước trồng 5.000 bụi thanh long, trong đó có 3.000 bụi thanh long ruột đỏ.

Trang trại thanh long của anh em ông Phước ban đầu chỉ cho khoảng 200 kg trái vào năm 2013 do cây chưa đủ sức. Thấy vậy, ông Phước trồng xen đu đủ trên diện tích trồng thanh long. Chính nhờ cách làm này, cuối năm tổng thu nhập của hai anh em ông được gần 500 triệu đồng.

Bước sang vụ trồng năm 2014, nhận thấy cây thanh long đã cứng cáp, ông Phước quyết định đốn hạ đu đủ để nhường ánh sáng cho thanh long phát triển. Kết quả là năm 2015, trang trại thanh long của ông đã bắt đầu thu về tiền tỷ.

Ông Đỗ Văn Sơ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau cho biết, trang trại chuyên canh thanh long quy mô lớn của ông Phước là mô hình đầu tiên ở Cà Mau, thu về lợi nhuận cao, đồng thời đang giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Cũng làm giàu trên đất phèn, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với hạn, mặn, năm 2016 nông dân vùng ngọt hóa Gò Công tỉnh Tiền Giang đã nhân rộng mô hình trồng cây thanh long thương phẩm trên vùng đất lúa.

lam-giau-tren-dat-phen-bang-cay-nay-lai-gap-7-lan-trong-lua
Cây thanh long thích hợp với điều kiện đất đai, nguồn nước Tiền Giang nên cho năng suất cao. 

Theo VOV, với mức giá thanh long (ruột trắng) trên 10.000 đồng/kg, người trồng thanh long có thu nhập khá. Riêng thanh long ruột đỏ bán giá cao, cho lãi cao từ 7 đến 10 lần so với trồng lúa. Ông Nguyễn Thân Duy, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Sơn, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang cho hay: “Hiện, xã Đồng Sơn có 320 ha thanh long theo 2 khu. Khu Ninh Đồng Ba đã cho trái còn khu Khương Thọ mới trồng 2 năm. Được huyện đầu tư, chuyển đổi khoa học nên cây thanh long phát triển tốt”.

Cùng suy nghĩ đổi thay đất phèn, nhưng anh Nguyễn Văn Tài, ở ấp 2, xã Bình Hoà Nam, huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) lại chọn cây chanh bông tím vào trồng trên vùng đất nhiễm phèn, mô hình này đã làm giàu thành công, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho anh Tài.

lam-giau-tren-dat-phen-bang-cay-nay-lai-gap-7-lan-trong-lua
Chanh bông tím làm giàu cho nông dân. Ảnh: st

Anh Nguyễn Văn Tài chia sẻ với Thông tấn xã Việt Nam: Năm 1990 vùng đất này bỏ hoang, đất nhiễm phèn nặng, mùa nắng cây cỏ chết cháy không sống nổi. Lúc đầu anh khai phá 6 ha đất chủ yếu trồng cây bạch đàn, trồng tràm cừ để cải tạo vùng đất chết nhưng hiệu quả kinh tế không cao, bỏ ra hàng chục triệu đồng khai phá vẫn chưa thu lại được vốn. Năm 2004, anh đi dự lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cây trồng do huyện tổ chức. Khi về, anh thuê lao động đào mương, đắp đê bao ngăn lũ và dự trữ nước ngọt chuyển 1 ha đất lúa sang trồng thử nghiệm cây chanh bông tím. Mặt ruộng trũng thấp anh lấy đất đắp lên từng mô đất với khoảng cách 4 mét một gốc cao hơn mặt ruộng từ 0,6-0,7 mét để chống ngập úng mùa mưa và khi tưới, mưa xuống đất rỏ phèn xuống mương chảy ra sông. Cây chanh bông tím tuy năng suất thấp hơn cây chanh Lima , cây chanh dây nhưng có ưu điểm vỏ dày, dễ vận chuyển đi xa nên thị trường tiêu thụ, giá cả ổn định hơn các loại chanh khác. 2 năm sau anh bắt đầu thu hoạch chanh, năng suất đạt 18-20 tấn, hiệu quả gấp 3-4 lần so với cây lúa.

Từ kết quả đó, năm 2007, anh chuyển toàn bộ 6 ha lúa sang trồng cây chanh bông tím. Anh cho biết: Cây chanh bông tím khó thích nghi với vùng đất nhiễm phèn nặng hơn so với các loại chanh khác nên người trồng chanh bông tím phải chịu khó lấy lớp đất mặt ruộng đắp từng mô cao để rỏ phèn, sử dụng vôi, phân hữu cơ nhiều để chăm sóc. Sau mỗi đợt thu hoạch, sử dụng phân kali vào bón gốc, mỗi tháng phun thuốc dưỡng lá, khi chuẩn bị ra hoa phun thuốc dưỡng hoa, năng suất đạt từ 30-35 tấn/ha, đặc biệt cây giống phải ươm không mua cây giống ghép dễ bị chết nhất là khi đất mới khai phá độ nhiễm phèn còn cao.

Năm 2012, anh thu hoạch 4 đợt với gần 60 tấn, thương lái đến tận ruộng thu mua, trừ chi phí, lãi 650 triệu đồng.

 

Hoàng MT (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang