Đột nhập những cơ sở sản xuất mứt Tết bẩn

author 20:04 23/01/2015

(VietQ.vn) - Mứt là món ăn không thể thiếu trong ngày lể Tết cổ truyền của người Việt Nam, tuy nhiên nhiều cơ sở sản xuất đã làm mứt tết bẩn, không đảm bảo an toàn để chạy theo lợi nhuận.

Sự kiện: Hóa chất trong thực phẩm

Mỗi dịp Tết đến xuân về, những khu vực chuyên sản xuất mứt lại trở nên nhộn nhịp, Tuy nhiên, trong nhiều năm trở lại đây, chất lượng các sản phẩm này đã trở thành mối bận tâm cho nhiều người. Vẫn là những sản phẩm cổ truyền, những miếng mất bí, mứt quất, mứt xoài… thơm ngon băt mắt nhưng đằng sau đó lại là sự lo ngại về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm sau khi nhiều cơ sở làm mứt tết bẩn đã bị phát hiện.

PV báo Người Lao Động đã có mặt tại khu vực hẻm 290 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 1, quận 3 (khu cư xá Đường Sắt), nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của mứt Tết thủ công để tìm hiểu quá trình làm mứt tại đây.

Cơ sở làm mứt Tết bẩn tại TP.HCM

Cơ sở làm mứt Tết bẩn tại TP.HCM. Ảnh Người Lao Động

Khi bước vào những nơi này, có thể thấy trong các thùng phuy ngâm cơm dừa, từng đám bọt màu trắng đục nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi rất khó chịu. “Loại hóa chất ngâm mứt này rất đáng sợ, nếu vô ý để dính vào da sẽ gây lở loét ngay. Chính vì vậy những người làm mứt bao giờ cũng đeo bao tay dày và đi ủng, nhất là ở công đoạn xả nước nguyên liệu, vốn phải dùng chân đạp kỹ lên cơm dừa để làm sạch. Nguyên liệu cơm dừa sau khi tẩy trắng sẽ được ngâm trong chất bảo quản để khi “sên” xong, sợi mứt dẻo, không bị khô và không mốc. Cứ thế, từng mẻ hàng được đóng gói chất lên xe ba gác đem giao cho bạn hàng nhanh cấp kỳ”, báo Người Lao Động dẫn lời một người sinh sống tại khu vực đó.

Tại một lò mứt cà rốt, toàn bộ cà rốt nguyên liệu đều là hàng Trung Quốc. Những củ cà rốt màu đỏ thắm, được sơ chế trước khi ngâm hóa chất. Anh C., đang làm công trong lò mứt này, tiết lộ: “Dùng cà rốt Trung Quốc để làm mứt có lợi là củ to dễ làm, lại ít hao hụt và đặc biệt khi “phối” với hóa chất, mứt sẽ có màu rất đẹp”.

Nhiều loại mứt ăn ngôn miệng với bề ngoài hấp dẫn nhưng lại có nguồn gốc từ các cơ sở làm mứt Tết bẩn

Nhiều loại mứt ăn ngôn miệng với bề ngoài hấp dẫn nhưng lại có nguồn gốc từ các cơ sở làm mứt Tết bẩn. Ảnh minh họa

Tiếp đó, các PV báo Người Lao Động chuyển đến khu vực chuyên làm mứt trên đường Thái Phiên, phường 9, quận 11, TP.HCM. Tại đây, công đoạn sản xuất mứt mãng cầu và mứt me khiến người chứng kiến phải rùng mình. Cả đống mãng cầu, trong đó nhiều trái đã bị hư thối, được lột hết vỏ rồi cho vào máy chà để tách hột. Phần thịt mãng cầu xay nhuyễn chứa trong những thau lớn nổi bọt trắng nhờ nhờ, kích thích đám ruồi nhặng kéo đến vây đen. Thịt mãng cầu nếu để vài giờ là phải bỏ vì bị ôi chua. Nhưng ở đây, nhờ có hóa chất tạo dẻo, chống mốc và tạo độ trong, giòn nên thứ nguyên liệu tưởng như chỉ có thể đổ bỏ vẫn trở thành thứ mứt thơm ngon mà nhiều người vẫn thường dùng.

Nguyên liệu mãng cầu sau khi được xử lý bằng các loại hóa chất sẽ được trộn với đường hóa học, bột nổi, chất làm chua và hương liệu tạo mùi thơm… rồi được “sên” trên bếp than để cho ra thành phẩm. Sau đó, từng miếng mứt mãng cầu được gói trong các bịch ni-lông nhỏ, rồi đóng thành gói lớn. Chủ cơ sở không quên nhét vào gói mứt vài chiếc hột mãng cầu để minh chứng cho món mứt truyền thống.

Tương tự mứt mãng cầu, những trái me sau khi lột vỏ cũng được ướp hàn the để tạo độ dai, giòn. Để mứt me trong, thẳng và nhìn không thấy xơ, người ta nhúng qua bột và chất tạo màu vàng sáng, chất làm trong và chất bảo quản… được mua ở chợ Kim Biên với giá rất rẻ.

Quá trình làm mứt bẩn do PV báo VTC ghi lại

Quá trình làm mứt bẩn do PV báo VTC ghi lại. Ảnh VTC News

Cũng tại TP.HCM, PV báo VTC News đã tiếp cận cơ sở mứt Phước Thành (199 Xóm Đất, P.9, Q.11), bởi nơi đây hoạt động sản xuất công khai trước cửa mặt tiền nhà, nhiều người đi qua lại. Khung cảnh đầu tiên đập vào mắt 4 thùng phi nhựa to lớn màu xanh để trước cửa nhà, lấn đường đi, kế bên là miệng cống rãnh hôi thối.

Bên trong những thùng phi này chứa một loại nước “đặc biệt” có khả năng tẩy trắng cơm dừa đã được cắt dọc thành từng loạn nhỏ. Đây là giai đoạn “tẩy” nên cơm dừa được ngâm lâu có khi cả ngày liền. Để đánh tan vết bẩn và làm mềm cơm dừa, một thanh niên dùng cây tre dài nguấy, đảo qua lại cơm dừa trong thùng phi nhiều lần. Nước sau khi ngâm xong được thải trực tiếp lênh láng ngay ống cống trước nhà với màu trắng bệch, đặc quánh, kèm mùi khó chịu, khi ngửi cảm giác buồn nôn.

Không chỉ vậy, trong cơ sở sản xuất này máy móc sản xuất thì gỉ sét, thô sơ, người làm thì không găng tay, không bảo hộ lao động. Sau đó, các PV còn phát hiện thêm nguồn dừa tươi để chế biến thành mứt thực chất là dừa thừa.

Đinh Ly 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang