Làm ngành Y mà dốt thì chết bệnh nhân!

author 06:46 08/12/2014

Ngành Y cần giải quyết những bất hợp lý trong đào tạo để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Hôm đó ngồi quán cà phê chờ bạn, tôi nghe hai người bàn bên cạnh nói chuyện với nhau, đầy bức xúc. Một trong hai người chắc chắn là bác sĩ. Anh ta kể với bạn mình về “thằng cha trưởng khoa” nơi anh ta làm việc. Đại loại, “cha” ấy dốt đặc cán mai, lại còn có thái độ “bỉ ổi”. Bệnh nhân của “hắn” đột nhiên bị tình trạng xấu đi, phải cấp cứu, y tá trực đi gọi “hắn” thì chẳng thấy đâu. Hóa ra “hắn” vào trong phòng riêng, khóa tịt cửa lại, giả vờ đi vắng.

Thế là người bác sĩ này đành phải cấp cứu cho bệnh nhân kia, vì “không thể để mặc người ta chết!”. Anh này còn bảo: những triệu chứng ca bệnh này là điển hình của xuất huyết não, nhưng tay trưởng khoa kia thì chỉ kết luận bệnh nhân đó là “viêm tai giữa”!!!

Anh ta bảo, tay kia đã dốt còn tệ, nếu không biết xử lý thế nào thì nhờ anh ta một câu, đằng này lại giở trò trẻ con, lủi vào phòng trốn. Khi bệnh nhân ổn rồi, thì “hắn” xuất hiện, coi mọi chuyện như không có gì xảy ra vậy.

Lắng nghe câu chuyện của họ, câu chuyện có vẻ rất thật, tôi chợt thấy rất buồn chán và cả buồn cười. Nhiều người khá giả, lúc phải vào viện, luôn cạy cục các loại quan hệ để nhờ vả bác sĩ giỏi. Thế, có ai dám nghĩ trưởng khoa lại không giỏi? Nhờ đúng anh “trưởng khoa” như thế này coi như “số đen”.

Thực ra ngành nào cũng có người giỏi người kém. Và ngay cả người giỏi cũng còn có khi sai sót. Nhưng trong ngành Y, sai sót có thể cướp đi sinh mạng con người!

Liên tiếp trong thời gian qua, nhiều vụ sai sót của nhân viên y tế khiến mọi người cảm thấy không thể chấp nhận được, bởi không liên quan gì đến những sự rủi ro. Ví dụ như vụ sai ngớ ngẩn khi tiêm nhầm nước cất cho trẻ em ở Trường mầm non Sao Mai (phường 3, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) thay vì vaccine. Hay chuyện một sản phụ 36 tuổi, trú tại phường Trần Phú, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang mang thai tuần thứ 36, có dấu hiệu chuyển dạ, khi vào viện được các bác sĩ điều trị… viêm ruột thừa. Xử lý chậm khiến sản phụ này vỡ cổ cung, phải mổ cắt tử cung, còn thai nhi thì chết ngạt.

Cuối tháng 11 vừa qua, tại Cần Thơ xảy ra trường hợp cháu bé 4 tuổi nhập viện 3 lần nhưng bác sĩ vẫn cho về nhà và em bé cũng bị tử vong. Lãnh đạo bệnh viện sau đó thừa nhận là do bác sĩ “thiếu kinh nghiệm, chưa đánh giá hết được diễn biến của bệnh và chủ quan”.

Tôi còn nghe một chị bạn bác sĩ phàn nàn là khi đi tăng cường cho tuyến dưới, cô bác sĩ trẻ chắc lần đầu tiên dùng máy đo đường huyết cho bệnh nhân nên hỏi chị: Sao máy nó báo “Hi” với “Lo” là gì hả chị? (!) (Viết tắt của High- cao và Low- thấp trong tiếng Anh).

Tay nghề chuyên môn yếu sinh ra trăm thứ hệ lụy, nhất là trong những trường hợp người ta còn cố tình giấu dốt, dẫn đến tiếp tay cho “thần chết” cướp đi sinh mạng của người bệnh. 

Tay nghề của y bác sĩ rõ ràng thuộc phạm trù y đức. Người thày thuốc có y đức phải có khả năng cứu chữa người bệnh. Nhưng hiện giờ các bác sĩ yếu kém khá nhiều. Nguyên nhân chính từng được chỉ ra là do những bất hợp lý trong đào tạo y bác sĩ.

Ở nước ta sinh viên y khoa học 6 năm để tốt nghiệp bác sĩ đa khoa, một số ít vượt qua kỳ thi nội trú để tiếp tục học 3 năm nội trú về một chuyên khoa nào đó và khi tốt nghiệp có bằng nội trú hay chuyên khoa cấp 1 hệ nội trú. Số còn lại xin vào các bệnh viện hoặc trạm y tế để làm một thời gian, sau đó tiếp tục học hoặc chuyên khoa cấp 1 rồi cấp 2 hay học thạc sĩ rồi tiến sĩ…

Trong khi đó, ở nhiều nước khác như Pháp, Mỹ hay Thái Lan, Singapore, thời gian đào tạo một bác sĩ y khoa khá dài, thường là phải 10 năm trở lên. Sau đó họ còn phải trải qua giai đoạn thực hành lâm sàng rồi mới có thể ra hành nghề. Do nghề bác sĩ phải hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót của mình, nên họ phải được đào tạo chín muồi rồi mới ra khám chữa cho người bệnh.

Năm nay, Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế vừa ra quyết định thống nhất tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ ĐH các ngành Y đa khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền và trình độ ĐH, CĐ đối với ngành Dược học tại các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y, Dược.

Tôi đem chuyện này ra hỏi ý kiến một chuyến gia đào tạo y bác sĩ, ông đánh giá rằng điều này là phù hợp. Ông cho rằng các qui định hiện tại về tiêu chuẩn mở khoa Y… hơi thấp, về cơ sở vật chất cũng như nguồn lực con người, nên nhiều cơ sở đào tạo muốn là mở khoa Y. Thế nhưng ngành Y là ngành đặc thù, cần những tiêu chuẩn cao hơn để đảm bảo đào tạo nên nguồn nhân lực đạt chất lượng.

Chuyên gia này cũng cho biết, ở nước ta, không những thời gian đào tạo ngắn mà việc nâng cao chất lượng y bác sĩ còn gặp khó khăn bởi thiếu một chuẩn đầu ra thống nhất cho các trường đào tạo ngành Y. Điều này dẫn tới chất lượng bác sĩ hiện nay còn phụ thuộc vào chất lượng đào tạo của từng trường, không đồng đều.

Quyết định mới đây về việc không mở một số khoa Y, Dược tại các trường đa ngành không thuộc khối chuyên ngành Y, Dược chỉ là bước đầu để hạn chế bớt tình trạng đào tạo tràn lan nhân lực không đảm bảo chất lượng. Để bớt đi những y bác sĩ kém chuyên môn trong bệnh viện, còn vô cùng nhiều việc phải làm trong một quá trình dài: làm sao để các bác sĩ hiện đang làm việc được đào tạo lại, nâng cao năng lực chuyên môn, bên cạnh việc đào tạo các thế hệ bác sĩ mới đảm bảo tay nghề…

Còn ngay bây giờ, nếu không may bị ốm phải vào viện, thì chỉ cầu trời không gặp phải những thày thuốc như vị “trưởng khoa” trong câu chuyện trên đây, kẻo chết oan có ngày!./.

Cảo Thơm/VOV.VN

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang