Nhà khoa học trẻ Huỳnh Vĩnh Phúc: Làm nghiên cứu phải sẵn sàng đối mặt với cô đơn

author 06:20 11/09/2015

(VietQ.vn) - Nghiên cứu là cô đơn, là áp lực nhưng đôi khi, với TS. Huỳnh Vĩnh Phúc – Trường Đại học Đồng Tháp: Khi chứng minh được một công thức, hay tìm được một nguyên lý mà chưa ai biết cũng “hay hay”. Cảm giác mình là người đầu tiên biết được một điều gì đó thật tuyệt!

Sự kiện: Lãnh đạo Chính phủ gặp mặt nhà khoa học trẻ 2015

Tốt nghiệp Đại học ngành Sư phạm Vật lý trường ĐHSP Huế năm 2002, sau đó, Huỳnh Vĩnh Phúc tốt nghiệp Thạc sĩ năm 2005 cũng tại ngôi trường này. Anh bắt đầu công tác tại trường ĐH Đồng Tháp năm 2004 và nhận học vị Tiến sĩ Vật lý năm 2012. Có nhiều đóng góp cho ngành nghiên cứu nước nhà, vị tiến sĩ trẻ này là một trong 70 nhà khoa học trẻ được gặp mặt Thủ tướng tại Bộ KHCN sáng nay (11/9).

Không biết lý do nào khiến mình dấn thân vào “nghiệp” nghiên cứu vật lý-môn khoa học khó nhằn, Huỳnh Vĩnh Phúc mơ hồ, có thể do được học Sư phạm Vật lý, nhờ có các thầy/cô dìu dắt nên anh từ từ học và ‘ngấm” dần.

Vậy nên, để trả lời câu hỏi của chúng tôi về cách tạo cảm hứng, say mê nghiên cứu cho các bạn trẻ, anh thật thà nói “không biết!”. Với anh, việc nỗ lực hoàn thành tốt công việc của mình là một tiêu chí đầu tiên để thành công và giữ gìn tình yêu với nghề. Và đôi khi, chứng minh được một công thức, hay tìm được một tính chất, một nguyên lý mà chưa ai biết, vị tiến sĩ trẻ thấy “cũng hay hay”.

Nhà khoa học trẻ Huỳnh Vĩnh Phúc tâm sự về nghiên cứu khoa học

TS. Huỳnh Vĩnh Phúc cho rằng: Bất kì bạn làm công việc gì, hãy làm với tất cả sự đam mê của mình rồi thành công chắc chắn sẽ đến với bạn 

“Cái cảm giác mình là người đầu tiên biết được một điều gì đó cũng thật tuyệt, phải không?”, TS. Huỳnh Vĩnh Phúc hỏi lại tôi.

Tuy nhiên, bởi công tác trong trường đại học, chuyên ngành nghiên cứu nên Huỳnh Vĩnh Phúc hiểu hơn ai hết những khó khăn của công tác này. Đa số các lĩnh vực nghiên cứu, để công bố được những bài báo có chất lượng và uy tín thường đòi hỏi các thí nghiệm, thực nghiệm kỳ công và tốn kém, nhưng kinh phí dùng cho việc này thì chưa có, chủ yếu các tác giả có trúng thầu đề tài các cấp mới đủ tiềm lực về kinh phí để làm. Đề tài thì không phải ai cũng được trúng thầu, nên đây là một khó khăn rất lớn cho các nhà khoa học, đặc biệt là các bạn trẻ.

Nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại rằng, các nhà nghiên cứu trẻ sợ dấn thân bởi thu nhập không xứng đáng trong khi đó lại mất rất nhiều thời gian và công sức. Thế nhưng, TS. Huỳnh Vĩnh Phúc Tuy khẳng định, khó khăn đối với những người trẻ không đến từ thu nhập thấp, hay việc mất nhiều thời gian, mà chủ yếu đến từ việc cơ quan quản lý chưa dành cho họ một không gian đủ mở để họ có thể theo đuổi giấc mơ của mình.

“Theo đuổi “nghề” nghiên cứu là bạn phải sẵn sàng đối mặt với sự cô đơn và áp lực. Đôi khi để theo đuổi một công thức, một phương trình, bạn phải suy nghĩ về nó, làm bạn với nó, day dứt với nó suốt cả tuần, nhiều khi cả tháng, nhiều khi hơn. Điều này mâu thuẫn với phong cách sôi nổi, nhiệt huyết của tuổi trẻ là thích bay nhảy, tụ họp. Theo tôi, đó mới chính là rào cản lớn nhất đối với những người trẻ như chúng tôi”, Huỳnh Vĩnh Phúc thú nhận.

Để tạo môi trường cho các nhà khoa học trẻ nỗ lực sáng tạo, cảm hứng say mê nghiên cứu khoa học, vị này cho rằng, Bộ KHCN đang có quỹ Nafosted là một sân chơi rất thuận lợi cho các nhà khoa học. Thế nhưng ngoài quỹ này, vị tiến sĩ trẻ cho rằng, Bộ nên tách thành một dự án nhỏ dành cho các nhà khoa hoc trẻ (tuổi dưới 40), vì các nhà khoa học có nhiều năm nghiên cứu, công trình thường sẽ dày hơn, nên khi xét tuyển các nhà khoa học trẻ với số công trình ít hơn sẽ ít có cơ hội trúng tuyển hơn.

Đối với các nghiên cứu trẻ tuổi, mạnh dạn liên hệ với các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực mình sắp có dự định nghiên cứu để được đón nhận sự hỗ trợ từ những người thầy. Bên cạnh đó, các bạn nên tự trang bị cho bản thân vốn ngoại ngữ cần thiết (thường là tiếng Anh). Tiếng Anh chính là chìa khóa để họ mở ra cánh cửa thế giới, khiến việc tìm đọc và hiểu được các nghiên cứu liên quan, cũng như liên hệ với các giáo sư nước ngoài dễ dàng hơn..

“Một câu nói mà tôi rất thích từ bộ phim “3 chàng ngốc” của Ấn Độ là: “Hãy theo đuổi sự ưu tú rồi thành công sẽ theo đuổi bạn”. Hãy tìm cho mình một công việc yêu thích (không nhất thiết phải là con đường nghiên cứu khoa học) rồi bạn sẽ được đắm chìm trong sự đam mê đến từ công việc hằng ngày của mình. Bất kì bạn làm công việc gì, hãy làm với tất cả sự đam mê của mình rồi thành công chắc chắn sẽ đến với bạn”, TS. Huỳnh Vĩnh Phúc nói.

Và cuối cùng anh ví: Làm khoa học cũng giống như nông dân làm ruộng, có khi được mùa có khi mất mùa, điều quan trọng là chúng ta đừng có nản chí, mà phải cố gắng để được mùa thường xuyên hơn!

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang