Làm nông nghiệp mà không ứng dụng KH&CN thì chỉ có 'sập tiệm'

author 06:32 07/03/2019

(VietQ.vn) - Theo lời Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nếu làm nông nghiệp mà không ứng dụng khoa học công nghệ, không có tổ chức quản trị, không có tiếp thị, marketing thì chỉ có “sập tiệm".

Xuất khẩu nông sản thắng lớn, số lượng chỉ dẫn tăng mạnh

Theo số liệu thống kê từ Bộ NN&PTNT, trong năm 2018 vừa qua, ngành nông nghiệp đã vượt qua các khó khăn, thách thức để hoàn thành các chỉ tiêu đề ra như: tốc độ tăng trưởng GDP đạt 3,76%, giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,86% (trong đó nông nghiệp tăng 2,91%, lâm nghiệp tăng 6,09%, thủy sản tăng 6,5%), kim ngạch xuất khẩu đạt mức kỷ lục 40,02 tỷ USD với thặng dư thương mại khoảng 8,72 tỷ USD. 

Tính đến hết năm 2018, Việt Nam đã bảo hộ được 68 Chỉ dẫn địa lý, trong đó có 62 Chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và 6 Chỉ dẫn địa lý của nước ngoài, 37 tỉnh/thành phố đã có Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Trong số các chỉ dẫn địa lý này, 47% sản phẩm là trái cây, 23% sản phẩm từ cây công nghiệp và lâm nghiệp, 12% thủy sản, 8% gạo, còn lại là các sản phẩm khác.

Năm 2018, xuất khẩu nông sản Việt Nam tăng mạnh. Ảnh: Cafe F 

Các loại sản phẩm được xây dựng và bảo hộ Chỉ dẫn địa lý rất đa dạng bao gồm các sản phẩm dạng thô hoặc sơ chế như trái cây, thủy sản, rau... các sản phẩm chế biến như nước mắm, mắm tôm, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp như nón lá Huế, cói Nga Sơn...

Theo đánh giá chung, chỉ dẫn địa lý đã tác động tới giá trị của sản phẩm. Giá bán của sản phẩm sau khi Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ có xu hướng tăng. Trong đó, cam Cao Phong giá bán tăng gần gấp đôi, mật ong bạc hà Mèo Vạc tăng 75-80%; nước mắm Phú quốc tăng 30 - 50%, chuối ngự Đại Hoàng tăng 130 - 150%, bưởi Luận Văn (Thanh Hóa) giá tăng 3,5 lần, cam Vinh tăng hơn 50% sau khi Chỉ dẫn địa lý được đăng bạ và quản lý...

Hiện tại, Việt Nam cũng đã có 2 thương hiệu quốc gia gồm Chè Việt Nam, được đăng ký và bảo hộ với 73 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; và Gạo Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng 2 thương hiệu quốc gia cho tôm và cá tra.

Đưa nông sản vươn tầm thế giới

Ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng, trong bối cảnh các thị trường nhập khẩu siết chặt yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng, kiểm dịch thực vật đối với nông sản như hiện nay, ngành nông nghiệp bắt buộc phải có những thay đổi từ phương thức sản xuất, thói quen giao dịch đến cách tiếp cận thị trường. 

Cụ thể, muốn xuất khẩu bền vững các mặt hàng nông, thủy sản, Bộ NN&PTNT, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp cần tổ chức lại sản xuất các mặt hàng nông, thủy sản có trọng tâm, trọng điểm, có quy mô và theo hướng nâng cao chất lượng; đồng thời tập trung đẩy nhanh công tác mở cửa thị trường đối với các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu theo hướng xác định rõ mặt hàng ưu tiên, thị trường ưu tiên.

Các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy tiếp cận thị trường, thay đổi phương thức giao dịch từ tiểu ngạch sang thương mại chính quy, đặc biệt là đối với thị trường Trung Quốc, bởi trong tương lai, xuất khẩu chính ngạch sẽ thay thế xuất khẩu tiểu ngạch đối với nông sản sang quốc gia này.

Liên quan tới những giải pháp nhằm thúc đẩy việc đưa nông sản ra thế giới, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong tương lai có nhiều yếu tố nền tảng giúp cho ngành nông nghiệp có thể phát triển. Đầu tiên là dân số thế giới sẽ tiếp tục tăng, như số liệu dự báo đến năm 2050 dân số thế giới sẽ đạt đến con số 9,6 tỷ người. Kéo theo đó, nền kinh tế thế giới cũng tiếp tục phát triển, thu nhập của người dân tăng. Theo bộ trưởng, khi ấy nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao.

“Con số 2.000 tỷ USD giá trị thương mại toàn câu sẽ tăng lên. Người dân cứ trích 15% thu nhập cho cái ăn, cái uống thì đây là cơ hội tốt để tìm kiếm thị trường. Ngoài ra, khi dân số ở đô thị ngày một tăng, tiến tới 70%, cơ hội cho những người sản xuất nông nghiệp sẽ ngày càng nhiều hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần phải thực hiện đồng bộ việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, truy xuất nguồn gốc để nông sản Việt có thể 'vươn xa' hơn trên thị trường. Ảnh: Đại đoàn kết 

Yếu tố thứ hai mà Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề cập chính là việc Việt Nam sẽ tiếp tục có cơ hội tham gia chuỗi nông sản toàn cầu từ những kết quả đạt được trong những năm qua (xuất khẩu nông sản tăng mạnh, nhiều mặt hàng đáp ứng chất lượng được chấp nhận ở các thị trường nước ngoài).

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nêu muốn sản phẩm nông nghiệp bán được ra thị trường thế giới còn rất nhiều khó khăn cần phải khắc phục.

“Tiêu chuẩn, quy chuẩn, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc,... cùng một lúc thị trường cần từng ấy thứ chứ không cho chúng ta thời gian làm từng việc một. Do đó, phải có sự đồng bộ của tất cả các ngành chứ không phải việc riêng của một ngành nào”, tư lệnh ngành nông nghiệp nhấn mạnh.

Bộ trưởng Cường nói thêm, để tăng số lượng, chất lượng, cơ hội xuất khẩu cho nông sản thì cũng cần đặc biệt chú ý đến việc ứng dụng khoa học công nghệ từ khâu sản xuất tới khâu bán hàng nông sản. “Bây giờ làm nông nghiệp mà không ứng dụng khoa học công nghệ, không có tổ chức quản trị, không có tiếp thị, marketing thì chỉ có “sập tiệm”, Bộ trưởng khẳng định.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã chủ động mở rộng nhập khẩu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân và đã trở thành quốc gia nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Hiện kim ngạch nhập khẩu nông sản của Trung Quốc chiếm 1/10 kim ngạch thương mại nông sản toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân 8,8% mỗi năm.

Theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), năm 2019, thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc càng phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn (về chất lượng, kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc…). Vì vậy, doanh nghiệp và nông dân cần phải tuân thủ theo quy định trong sản xuất và phát triển bền vững, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.

Phong Lâm

Thúc đẩy xuất khẩu nông sản: Muốn xây thương hiệu, phải tạo lòng tin(VietQ.vn) - Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Thịnh, Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và cạnh tranh (BCSI), muốn xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt, việc cần làm đầu tiên là xây dựng được lòng tin.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang