Làm rõ thách thức và cơ hội về hàng rào kỹ thuật thương mại trong TPP

author 11:57 07/07/2016

(VietQ.vn) - Khi Việt Nam tham gia các Hiệp định FTA, hàng rào thuế quan được rỡ bỏ thì các rào cản kỹ thuật với thương mại (TBT) lại đặt ra như một thách thức mới.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

 Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL phát biểu khai mạc tại buổi tập huấn

Sáng nay 7/7 tại Sơn Tây  - Hà Nội,  Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với Dự án USAID – Hoa Kỳ đã tổ chức tập huấn về hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT) trong hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tham dự buổi tập huấn có ông Nguyễn Nam Hải - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL, các chuyên gia thuộc Dự án GIG cùng sự tham gia của các đại biểu đến từ mạng lưới TBT trên toàn quốc.

Phát biểu khai mạc tại buổi tập huấn, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Nam Hải khẳng định tầm quan trọng của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là hai Hiệp định quan trọng là  FTA Việt Nam - EU và TPP.

Ông Hải cho rằng hiệu lực của hiệp định TPP không còn xa nữa do đó việc chuẩn bị để tận dụng tốt nhất những cơ hội cũng như phòng tránh tối đa những rủi ro có những tác động xấu mà hiệp định TPP mang lại là rất cần thiết.

"Thông qua buổi tập huấn các thông tin từ các chuyên gia  - những người đã có kinh nghiệm đã trải qua quá trình triển khai hang rào kỹ thuật thương mại nói chung cũng như là các hoạt động đánh giá sâu về những quy định liên quan đến rào cản của Hiệp định TPP sẽ giúp các đại biểu đến từ mạng lưới TBT Việt Nam hiểu được những vấn đề cần phải  tiếp cận những nghĩa vụ  do TPP yêu cầu", ông Hải chia sẻ thêm. 

 Ông Lê Quốc Bảo giới thiệu tổng quan Hiệp định TBT trong TPP

Theo ông Lê Quốc Bảo – Chuyên gia trong nước của Dự án GIG, các nghĩa vụ cơ bản về TBT trong FTA liên quan phần lớn dựa trên quyền và nghĩa vụ cơ bản được quy định trong Hiệp định TBT của WTO, với các phần điều chỉnh hoặc bổ sung không tạo ra các áp lực lớn đối với các bên tham gia. Riêng TBT trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP đi xa hơn các FTA khác.

“Hay nói một cách khác là các nghĩa vụ, cam kết về TBT của TPP cao hơn so với Hiệp định TBT và các FTA khác. Chương về TBT của TPP có một sự khác biệt lớn nữa là bao gồm các cam kết chuyên ngành”, ông Bảo cho biết.

 Bà Mara M. Burr, cố vấn thương mại cao cấp Dự án USAID chia sẻ thông tin tại buổi tập huấn

Chia sẻ về các nghĩa vụ và cam kết về các rào cản kỹ thuật trong thương mại TBT, bà Mara M. Burr, cố vấn thương mại cao cấp Dự án USAID cho biết, các rào cản kỹ thuật trong thương mại TBT của Hiệp định TPP tích hợp các điều khoản của Hiệp định về các rào cản kỹ thuật đối với thương mại của WTO và được phát triển thêm, cụ thể là tăng cường sự minh bạch trong việc áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp.

Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) dự báo TPP có thể làm gia giá trị xuất khẩu thực tế của Việt Nam khoảng 17% trong vòng 20 năm tới. Tuy nhiên, TPP cũng đặt ra một số yêu cầu mới về hệ thống hàng rào kỹ thuật (TBT). Việt Nam cần làm gì để đáp ứng những biện pháp kỹ thuật này khi bước vào ngưỡng cửa của TPP? 

 Các đại biểu đến từ mạng lưới TBT Việt Nam tham dự buổi tập huấn

Theo các chuyên gia, tất cả quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp tạo thành các biện pháp hay hàng rào kỹ thuật (TBT) trong thương mại. Mục đích của hàng rào này nhằm bảo hộ mậu dịch trong nước hoặc bảo vệ các lợi ích quốc gia, trong đó có việc kiểm soát và hạn chế việc nhập khẩu các sản phẩm không đáp ứng với các quy định về môi trường, an toàn, sức khoẻ... Các biện pháp kỹ thuật này về nguyên tắc là cần thiết và hợp lý nhưng chúng có thể trở thành rào cản đối với thương mại nếu nó quy định quá mức cần thiết nhằm bảo hộ hàng hóa nội địa. Do đó, TBT cũng có thể là một trở ngại cho nhiều quốc gia xuất khẩu trong đó có Việt Nam.

Sở hữu trí tuệ trong TPP: 'Kịch bản' nào dành cho doanh nghiệp Việt?(VietQ.vn) - Các biện pháp chống cạnh tranh không lành mạnh của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) rất mạnh, mức độ bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) rất lớn. Do đó doanh nghiệp Việt Nam phải nghĩ đến những “kịch bản” mà đối thủ cạnh tranh có thể đưa mình vào, luật sư Phan Vũ Tuấn - Chánh văn phòng Hội SHTT TP.HCM khẳng định.

Thanh Uyên - Doãn Trung

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang