Làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật: Chuyên gia nói gì?

author 12:35 02/08/2019

(VietQ.vn) - “Hà Nội đang thử nghiệm công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản để xử lý ô nhiễm của sông Tô Lịch. Chúng ta cứ chờ thử nghiệm xong thì mới tính toán tiếp”, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Tiếp tục xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch

Nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã tiến hành mở cửa xả ở đoạn đầu đường Hoàng Quốc Việt để xả nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch (trưa 31/2019).

Ông Bùi Ngọc Uyên, Phó phòng đối ngoại Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội cho biết khoảng 12h trưa 31/7, công ty đã mở cống xả hồ Tây trên đường Trích Sài, trực tiếp xả thẳng nước ra sông Tô Lịch.

Giống như lần trước, lần này mực nước hồ Tây là 5,8m, vượt 0,2m so với cao trình cho phép. Lần xả này để chống ngập, đề phòng cơn bão số 3 sắp tới được dự báo sẽ có lượng mưa lớn có thể gây ngập úng.

 Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã tiến hành mở cửa xả ở đoạn đầu đường Hoàng Quốc Việt để xả nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch. Ảnh Dân trí

Trước đó, ngày 29/7, công ty đã gửi văn bản đến Công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE), đơn vị thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản (Nano Bioreactor) để thông báo về kế hoạch xả nước. Trong văn bản, Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, những ngày gần đây Hà Nội có mưa rào và giông, mưa tập trung chủ yếu vào chiều và đêm. Trên địa bàn thành phố xuất hiện mưa có cường độ từ 50-70 mm.

"Sau khi lãnh đạo 2 bên công ty làm việc, chúng tôi thống nhất báo cho đơn vị thí điểm chậm nhất 1 ngày trước khi xả và đã thực hiện đúng như vậy. Phía công ty JVE không phản đối gì", ông Uyên thông tin thêm. Về lượng nước xả và thời gian mở cửa xả lần này, ông Uyên cho hay điều này còn phụ thuộc vào những ngày tới Hà mưa nhiều hay ít, đơn vị sẽ điều chỉnh cho phù hợp

"Chờ kết quả thử nghiệm công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản để xử lý ô nhiễm của sông Tô Lịch rồi hãy tính toán tiếp"

Liên quan đến dự án làm sạch sông Tô Lịch của các chuyên gia đến từ Nhật, PGS. TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam cũng cho rằng, đề xuất của Công ty Thoát nước Hà Nội là phù hợp với quy hoạch của thành phố. Việc làm này có thể cứu được một dòng sông, còn cái mất duy nhất đó là mất tiền.

Theo ông Hạ, để làm sạch sông Tô Lịch, việc làm đầu tiên là phải thu gom nước thải dọc dòng sông để xử lý. Sau đó, khi đã xử lý được nước mặt dòng sông thì không được phép xả nước thải vào rồi mới bơm nước sông Hồng vào tạo dòng chảy cho dòng sông. “Quy hoạch thoát nước Hà Nội đã có nhưng từ quy hoạch đến triển khai dự án còn rất nhiều vấn đề, từ kinh phí, thủ tục và vị trí đặt trạm bơm ở đâu…”, ông Hạ tỏ vẻ quan ngại.

 Sông Tô Lịch sau lần xả nước ở Hồ Tây lần đầu tiên: Mùi hôi thối bốc lên, nước sông đen kịt. Ảnh Thúy Ngân

Hay như chia sẻ của giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để hồi sinh sông Tô Lịch có 2 việc cần làm là xử lý ô nhiễm và làm cho dòng sông chảy được. Hai việc này phải làm đồng bộ với nhau.

“Hà Nội đang thử nghiệm công nghệ Nano Bioreactor của Nhật Bản để xử lý ô nhiễm của sông Tô Lịch. Chúng ta cứ chờ thử nghiệm xong thì mới tính toán tiếp”, GS chia sẻ.

Giáo sư Mai Đình Yên - chuyên gia về môi trường nước, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam cho rằng trước khi giải quyết ô nhiễm ở sông Tô Lịch thì phải xem sông ô nhiễm đến đâu; mục đích là làm sạch nước hay còn phát triển du lịch, giao thông đường thủy; sông Tô Lịch làm thì sông Sét, sông Kim Ngưu có làm không; phải điều tra lại sông Tô Lịch có đúng là 280 cống mương chảy vào hay không; điều tra lại số dân quanh sông; theo dõi mực nước lên xuống của sông… Những việc làm này không chỉ cần đến tiền mà cần rất nhiều tiền.

“Tất cả dự án vẫn nằm trên giấy chứ chưa ra hiện thực, nếu có ra hiện thực thì tôi nghĩ, thất bại nhiều hơn thành công”, GS Yên đánh giá

 Thảo Nguyên

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang