Làm sách sử để đi tìm những câu chuyện hay

author 16:34 20/06/2016

(VietQ.vn) - Sách lịch sử là dù không rơi vào dòng sách thời thượng, không bán chạy ào ào, nhưng loại sách này sống lâu hơn tất cả các loại thời thượng.

d

Giữa thời điểm môn lịch sử dường như đang bị "hắt hủi", người đọc tỏ ra hững hờ, thì dòng sách Biên khảo – Lịch sử của Dân Trí Book (DT Book) vẫn cứ đều đặn xuất hiện.

Cũng như tất cả các loại sách khác, dù là sách kể chuyển xưa, nhưng để thu hút người đọc trẻ ngày nay, cũng cần một lối kể chuyện… trẻ.

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với TS Quách Thu Nguyệt - đồng sáng lập DT Book, về câu chuyện xuất bản và kinh doanh sách lịch sử.

- Thưa bà, cho đến nay, những cuốn sách lĩnh vực Biên khảo- Lịch sử đã xuất bản vừa qua có bán được không trong tình hình đọc và học lịch sử hiện nay?

- Cách đây mấy năm tôi dồn sức và quy tụ những người viết sử trẻ tuổi lại với nhau với hy vọng họ có cái nhìn mới, khách quan hơn về lịch sử Việt Nam. Cũng thời gian đó tôi phát hiện ra rằng nhu cầu đọc sách lịch sử từ nhiều góc nhìn khác nhau đem lại sự lý thú cho người đọc.

Điều này liên tới quan điểm sử học mà chúng tôi muốn tiếp cận, đó là khai phá nhiều nguồn sử liệu có giá trị, khách quan và trung thực, có cái nhìn khác với cách truyền thống trước đây.

Nghĩa là chúng tôi chọn xuất bản sách sử dựa theo các tiêu chí: mới lạ, khác biệt, khách quan, hay nói cách khác là có cái nhìn mở rộng hơn. Chúng tôi đã thu thập, thực hiện bản thảo dựa trên tiêu chí đó.

Phải thừa nhận rằng các loại sách này tuy bán có chậm, nhưng vẫn có khách hàng. Người đọc vẫn tìm những cuốn sách như vậy. Theo quy luật thị trường: có cầu, có cung. Và đó là lý do tôi tin tưởng vào thị trường sách này.

- Thưa bà, nói như vậy là vẫn còn rất nhiều khó khăn. Vậy bà xoay xở như thế nào để có thể thu hồi vốn, và tiếp tục có vốn đầu tư?

- Đúng là chúng tôi vẫn còn rất nhiều khó khăn vì chọn đi vào ngõ hẹp, gập ghềnh, vẫn còn ít người đi. Điều đầu tiên mong muốn của người làm sách, bán sách trong thời buổi này, ít nhất là phải hòa vốn rồi mới đến lời.

Muốn vậy, phải đi tìm nguồn sách có giá trị về mặt nghiên cứu, biên khảo, và đặc biệt là từ những phát hiện mới. Trong quá trình khai thác phải xếp thứ tự ưu tiên A, B, C, D… nghiên cứu nhu cầu, tâm lý, thái độ và cả sự quan tâm nhất thời của khách hàng để xuất bản sách nào trước, sách nào sau.

Có một đặc điểm khác của sách lịch sử là dù không rơi vào dòng sách thời thượng, không bán chạy ào ào, nhưng loại sách này sống lâu hơn tất cả các loại thời thượng.

Đó là điều chắc chắn. Vì thế, việc thu hồi vốn chậm có thể chậm nhưng sẽ không bao giờ bị mất hẳn. Chúng tôi chấp nhận điều đó.

- Bà nhận thấy đâu là khó khăn nhất của người làm sách sử hiện tại?

- Có thể nói rằng với cách quản lý về hoạt động xuất bản và báo chí hiện nay, những góc nhìn đa chiều vẫn chưa được chấp nhận.

Chúng tôi có nhiều tài liệu sử học nghiên cứu của các giáo sư ở Đại học Harvard ở Hoa Kỳ với những công trình rất công phu và giá trị, nhưng lại vẫn chưa thể xuất bản. Rõ ràng là, để được xuất bản chính thống, rất khó.

Trong thời gian qua cũng có những cuốn sách bị từ chối xuất bản, nhưng bằng cách này hay cách khác thì vẫn tiếp cận được với người đọc. Hiện nay, các điều kiện kỹ thuật để tiếp cận đang phát triển rất nhanh, có lẽ việc xét duyệt, cấp phép cũng cần xem xét thêm thực tế này.

Ngoài ra, tôi nghĩ rằng, thông qua các công trình, đề tài của người bên ngoài nhìn vào lịch sử Việt Nam, điều đó cũng gợi mở cho những nhà viết sử ở bên trong nước có thái độ làm việc khoa học cân nhắc, thận trọng hơn trong việc khai thác nguồn tư liệu cũng như việc đánh giá và kết luận.

Điều này cũng giúp cho những nhà biên khảo, viết sử làm việc một cách nghiêm túc hơn. Tôi cũng phải nhắc lại, đã có thời gian dài ở Việt Nam, những cuốn sách sử được xuất bản thể hiện rất rõ sự sao chép lẫn nhau, vì thế có những cái sai cứ tiếp tục lan truyền.

Khác với hiện nay, việc tiếp cận nhiều nguồn sử liệu, nhiều nguồn thông tin... sẽ làm tăng giá trị của các nghiên cứu.

- Nhưng hiện tại môn sử dường như đang bị "hắt hủi", người đọc hững hờ?

- Cũng phải nói lại là tại sao người ta chán đọc sử, học sinh chán học sử, vì họ đọc thấy những sự việc chỉ với cái nhìn một chiều. Tại sao tôi nói người trẻ không thích sử?

Xưa nay, những bạn trẻ học sử, đa phần chỉ học bề nổi của các cuộc chiến tranh diễn ra suốt mấy ngàn năm mà không được đọc, học thêm những mạch ngầm của cả một đời sống xã hội nhân văn ẩn bên trong những cuộc chiến liên miên ấy.

Theo tôi, sự hấp dẫn của sách biên khảo- lịch sử chính là người đọc tìm được những giá trị, nội dung mà người ta cần biết, và có khi cũng cho họ những kinh nghiệm sống vô cùng.

- Vậy phải chăng việc kinh doanh, với bà không chỉ là lợi nhuận, mà như là một khát vọng?

- Mục đích của tủ sách là để định vị và khẳng định chỗ đứng trên thị trường sách, để một lần nữa cho thấy, ít nhất những người chủ xướng mong mỏi việc làm tốt đẹp này và họ làm nghiêm túc.

Trước hết là chinh phục những người lớn tuổi để khẳng định vị thế của họ, và hiện nay chúng tôi đang có dự án kêu gọi những nhà nghiên cứu trẻ như Trần Nam Tiến, Thu Vân, Thanh Lợi… với nhiều anh em khác để làm và thực ra công trình này chúng tôi tự đầu tư.

Xa hơn nữa là chúng tôi muốn làm những cuốn sách tham khảo về sử học Việt Nam dưới góc nhìn khác.

Tôi cho rằng chúng ta cần phải thay đổi tư duy và phương pháp từ chính những người trẻ tiếp cận và viết sử với con mắt của hiện tại và hướng về tương lai.

- Xin cảm ơn bà!

Ngân Hà thực hiện

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang