Làm sao để đối phó với 'mưu hèn kế bẩn' chốn công sở?

authorTrần Thanh 12:00 10/03/2017

(VietQ.vn) - Ở môi trường công sở, có không ít lá đơn xin thôi việc được viết ra chẳng phải vì lương bổng ít mà bởi người trong cuộc không thể chịu đựng những đồng nghiệp dựng chuyện.

Sự kiện: Kỹ năng sống

Bạn Nguyễn Thị Thu, nhân viên văn phòng của một công ty bất động sản ở Hà Nội kể: "Mình toàn bị dựng chuyện nói xấu và 'đâm' sau lưng bởi vì mình khá được lòng sếp. Có lần còn bị một chị làm ở phòng kế toán suýt hãm hại, may mà lần đấy sếp tinh ý nếu không mình cũng bị mất việc'. 

Trường hợp của Nguyễn Thùy An (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng tương tự. Sau hơn 1 năm ra trường thì An được nhận vào một tờ báo uy tín. Đây là nơi cô đã mơ ước từ lâu bởi sự năng động và tên tuổi của tờ báo chính thống ấy. 

Mưu hèn kế bẩn chốn công sở – Làm sao để vừa đối phó với tiểu nhân, vừa hoàn thành tốt công việc? - Ảnh 2.
Nhóm làm việc của Thùy An gồm có 5 người sàn sàn tuổi nhau. Bình hơn những người trong nhóm một vài tuổi, cũng là người có thâm niên lâu nhất nên được bầu làm trưởng nhóm. Thời gian đầu công việc khá suôn sẻ, nhưng sau một thời gian công việc nhiều nên họ bắt đầu mâu thuẫn. Mỗi lần tranh luận khá gay gắt, ai cũng muốn bảo vệ ý kiến của mình, nhất là Bình, anh thường áp đặt ý kiến chủ quan lên đồng nghiệp và có những lời nói khá nặng nề. 

Ngay ngày hôm sau lúc ăn trưa, An được một người cùng nhóm rỉ tai cho những thói xấu của Bình, nào “là người yêu của em gái sếp nên có tiếng nói trọng lượng lắm. Thế nhưng anh ta cũng có nhiều điểm yếu, khả năng viết kém, cách nhận diện vấn đề toàn mông lung, nhưng hay hằn học người khác, tính đàn bà...
Vài ngày sau, An nhận được yêu cầu kết bạn của một nick lạ: “Em là Hân, sinh viên luật năm cuối, em định đến cơ quan chị học việc, anh Bình sẽ là người hướng dẫn em. Nhưng em nghe nói anh ấy hơi khó tính, có gì chị giúp em được không ạ?”. Sẵn đang bực mình, cô kể luôn ra những gì biết về Bình như đồng nghiệp cô truyền đạt.

Tưởng nói với người lạ như vậy cho vui, không ngờ hôm sau họp cơ quan, An bị sếp phê bình vì tiết lộ chuyện nội bộ công ty cho người ngoài, nói xấu đồng nghiệp, gây mất đoàn kết trong nhóm. Kèm theo đó là yêu cầu phải xin lỗi Bình và hình phạt trừ ¼ tháng lương. Đang không biết vì sao thì được một chị trong phòng rỉ tai: “Hôm trước chị nghe Lan nhờ em họ lập nick giả tên là Hân để chat hỏi chuyện em, mục đích là để em nói ra hết những gì bức xúc về anh Bình và bị sếp phạt vì công ty có phần mềm theo dõi chat, sếp chắc chắn đã đọc được”.

"Nghe thế mà tôi rùng hết cả mình, hoá ra những lần Lan khích lệ tôi chống lại anh Bình, những lời tâm sự để tôi dốc ruột dốc gan ra là để tôi không kiềm chế được và nói những câu không hay về anh Bình, để trong mắt sếp tôi là người xấu xa, hay hiềm khích và gây mất đoàn kết…" - An lắc đầu ngán ngẩm.

Trong môi trường công sở hay cả bên ngoài xã hội, chuyện chơi xấu thường xuyên xảy ra khi đối thủ cảm thấy bị bạn đe dọa ở một phương diện nào đó và họ phải “ra tay” với bạn để phòng những hiểm họa mà bạn có thể gây ra với họ.

Việc bạn bị chơi xấu không có nghĩa bạn là kẻ xấu tính mà trên thực tế có thể vì bạn tài giỏi hơn họ. Nhất là trong môi trường công sở, khi đối phương cảm thấy ganh ghét vì bạn có năng lực hơn họ, có thể đe dọa vị trí mà họ đang nhắm đến, vì thế họ 'ra tay' với bạn..

Chưa kể là trường hợp 'ma cũ bắt nạt ma mới', nhiều khi họ sẽ tìm mọi cách để gây khó dễ với bạn nếu thái độ ban đầu của bạn không làm hài lòng họ, sau đó họ lợi dụng niềm tin và sự không đề phòng của nhân viên mới, báo cáo sếp và lập tức nhân viên mới phải nghỉ việc. 

Có vô vàn chiêu thức, mưu kế để hãm hại đồng nghiệp mà chỉ có thể bắt gặp ở môi trường công sở.

Nguyên nhân thì có rất nhiều nhưng phổ biến nhất thường là để lấy lòng sếp, thi đua, cạnh tranh doanh số, leo lên vị trí cao hơn hoặc giữ vị trí hiện tại.

Thậm chí, đôi khi chỉ vì ghen ghét khi thấy đồng nghiệp xinh đẹp, giỏi giang và giàu có hơn mình mà nhiều người bất chấp thủ đoạn để “hạ bệ” đối phương, ngay cả khi đó là người đã từng rất thân thiết với họ.

Mưu hèn kế bẩn chốn công sở – Làm sao để vừa đối phó với tiểu nhân, vừa hoàn thành tốt công việc? - Ảnh 3.

 

Và cách đối phó với những “kẻ tiểu nhân”

Để có thể vừa chăm chỉ, nhiệt huyết với công việc, vừa không bị đối xử oan ức thì bạn cần phải có những phán đoán và hành động đúng lúc, kịp thời. Cần luôn lưu tâm và cảnh giác với những hành động phá hoại, chơi xấu đó.

Trong những trường hợp bị đồng nghiệp đổ tội, bạn cần luôn lưu giữ bằng chứng công việc mình làm, chẳng hạn những email nêu ý tưởng mà bạn đã đưa ra trước nhóm hay có báo cáo, đề xuất gì phải lấy được chữ ký của kẻ đó. Trong các cuộc họp nhóm, bạn nên lưu lại những bản báo cáo, thuyết trình và cần thiết thì có thể ghi âm lại cuộc họp. Như vậy, khi đồng nghiệp lăm le chơi xỏ, bạn đã nắm đủ mọi bằng chứng chứng minh mình vô tội, thậm chí có thể lật mặt “kẻ tiểu nhân”.

Còn với những “lính mới”, tốt nhất bạn nên tránh xa những người tỏ vẻ ngon ngọt hay “thùng rỗng kêu to”. 

Ngoài ra, bạn cũng đừng nên tìm cách ăn miếng trả miếng để biến mình thành kẻ xấu xa như họ. Và quan trọng là điều này sẽ giúp bạn tránh được những cuộc công kích, phản pháo của các đồng nghiệp xấu tính.

Không chỉ tìm cách đối phó, bạn cũng cần nâng cao năng lực bản thân, hoàn thành công việc và báo cáo kết quả sớm, chính xác để sếp biết được năng lực thực sự của bạn. Cuối cùng gì, những kẻ nịnh hót, kém cỏi cũng sẽ bị nhận rõ và đào thải. Vậy nên, đừng quá bi quan khi rơi vào hoàn cảnh oái oăm mà hãy nỗ lực hơn nữa để chứng tỏ năng lực bản thân.

Hãy cứ ở tư thế ngẩng cao đầu và làm thật tốt công việc của mình, mặc kệ những kẻ dèm pha nói xấu sau lưng bạn. Đến khi bạn nghe trực tiếp những lời nói từ họ, hãy phản công.

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty Hồn Việt, người bị “dìm hàng” phải nhận thức được mình ở vị trí bị ganh tị nên chuyện bị ganh đua là đương nhiên. Họ phải nhận thức được mình là ai, phải biết những giá trị mà mình đeo đuổi là gì, phải hiểu được giá trị cốt lõi của bản thân, phải hiểu người ta nói xấu mình vì họ không hiểu mình. Khi có được sự tự tin, có giá trị thực thì họ sẽ không bị ảnh hưởng, bị tổn thương hoặc bị kích động vì những lời gièm pha của người khác.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang