Làm sao để nguồn nhân lực Việt Nam không bị 'hụt hơi' trước thềm CPTPP?

author 06:03 09/04/2018

(VietQ.vn) - Cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa nhà trường với doanh nghiệp trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP.

Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn thấp

Theo đánh giá từ Ngân hàng Thế giới (WB), Hiệp định Đối tác và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 3,5%. Tuy nhiên, trước những cơ hội phát triển, Việt Nam đang đứng trước muôn vàn khó khăn khi chủ yếu các doanh nghiệp đều thiếu sức.

Hiện nay, mỗi doanh nghiệp Việt chi trung bình khoảng gần 400.000 đồng mỗi năm cho chi phí đào tạo từng nhân viên. Trong khi đó, theo bà Angeline Teo - Giám đốc Công ty Tư vấn nguồn nhân lực dOz International (Singapore), các doanh nghiệp được cho là thành công trong công tác phát triển nguồn nhân lực phải chi đến 8% doanh thu cho đào tạo nhân sự. Điều này cho thấy ngân sách đào tạo cho nguồn nhân lực Việt Nam đang vô cùng hạn chế.

Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện đang ở mức thấp. Ảnh: Người lao động 

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cũng cho thấy 55% doanh nghiệp khẳng định khó tìm kiếm nguồn lao động có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Cuộc tìm kiếm khá nhọc nhằn của nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước là tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam.

Còn theo số liệu điều tra của viện Khoa học Lao động Xã hội, 2/3 số doanh nghiệp Việt Nam cho biết, phần lớn người lao động thiếu hụt kĩ năng cần thiết cả về chuyên môn và các kỹ năng nòng cốt khác. Sự thiếu hụt những kỹ năng cốt lõi ngoài kỹ năng về mặt kỹ thuật còn nghiêm trọng hơn thiếu hụt kỹ năng về kỹ thuật.

Mặc dù nguồn lực lao động dồi dào, song Việt Nam được lựa chọn là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư không phải do chất lượng nguồn lao động hay thể chế. Các nhà đầu tư Nhật Bản xếp 3 yêu cầu quan trọng trong việc lựa chọn Việt Nam là điểm đầu tư đó là do sự ổn định chính trị xã hội, quy mô thị trường và lực lượng lao động trẻ.

Cần rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và doanh nghiệp

Nói đến chất lượng nguồn nhân lực trước thềm CPTPP và trước sức ép nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập và phát triển nói chung, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, tác động kép của hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đặt ra thách thức lớn với vấn đề phát triển của Việt Nam.

Vì thế, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa nhân lực trở thành yếu tố hạt nhân để thúc đẩy tăng trưởng với chất lượng cao hơn, đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển cao hơn trong thời gian tới.

“Việc cải các hệ thống giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yêu cầu quan trọng hiện nay. Có lẽ mọi cải cách đều phải bắt nguồn từ cải cách hệ thống đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bây giờ không phải thời các trường đào tạo vô tư đưa ra chương trình đào tạo theo suy nghĩ, khung hay mong muốn của mình mà phải đặt trên nhu cầu của thị trường lao động, đào tạo theo cung cầu, đào tạo phải thực dụng hơn, rút ngắn thời gian hơn”. – TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Theo ông, phải tăng cường thực sự hệ thống giáo dục, tăng cường giáo dục về công nghệ, khoa học; thực hiện hệ thống giáo dục kép kết hợp nhà trường và doanh nghiệp, rút ngắn khoảng cách nhà trường và doanh nghiệp, rút ngắn khoảng cách giữa xưởng và trường. Bên cạnh việc giáo dục chuyên môn cũng cần chú trọng đến giáo dục về những kỹ năng cốt lõi ngoài chuyên môn.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Tuổi trẻ

Chủ tịch VCCI nói thêm, doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong việc cải cách hệ thống đào tạo nguồn nhân lực. Trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp không phải chỉ là người đặt hàng, khách hàng của ngành giáo dục còn phải là chủ nhân, nhà đầu tư của hệ thống giáo dục.

“Giáo dục dạy nghề của nước ta cần thay đổi hoàn toàn tư duy và phương thức tổ chức dạy nghề theo 6 hướng đồng hành, hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục đào tạo nghề. Thứ nhất, doanh nghiệp là người dự báo nhu cầu, đưa ra nhu cầu và đặt hàng với cơ sở đào tạo. Thứ hai, doanh nghiệp tham gia xây dựng giáo trình cùng các cơ sở đào tạo. Thứ ba, doanh nghiệp tham gia giảng dạy cùng các cơ sở đào tạo. Thứ tư, doanh nghiệp chính là nơi học viên thực tập, thực hành trong quá trình đào tạo. Thứ năm, doanh nghiệp cùng cơ sở đào tạo kiểm định chất lượng của giáo dục đào tạo. Thứ sáu, doanh nghiệp là nơi tiếp nhận và sử dụng nguồn lao động”. – TS Vũ Tiến Lộc thông tin.

TS Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, Bộ Lao động Thương binh vã Xã hội đã có chương trình thí điểm cho việc này với mục tiêu đưa ra là 100.000 lao động sẽ được đào tạo theo đặt hàng, yêu cầu của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp cùng với nhà trường cùng thực hiện công tác đào tạo. Như vậy không còn ranh giới giữa nhà trường và doanh nghiệp nữa. Cộng đồng doanh nghiệp cũng là chủ nhân của hệ thống giáo dục đào tạo và là người hưởng lợi ích từ hệ thống này.

“Đây là thay đổi căn bản của phương thức tổ chức đào tạo dạy nghề của nước ta. Tôi nghĩ đây cần là hướng của toàn bộ hệ thống giáo dục, nghề nghiệp, dạy nghề, quản trị. Giờ là lúc rút ngắn khoảng cách, xóa đi ranh giới thực và ảo, trường và xưởng,…” – Ông Lộc nhìn nhận.

Liên quan tới vấn đề trên, theo PGS.TS. Trần Đức Quý, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, hiện nay, doanh nghiệp công nghiệp đang thực sự thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là một thực tế.

Để tận dụng tốt nhất nguồn lực đào tạo ra phù hợp với mình, thì các doanh nghiệp – nhà trường phải chủ động tìm đến nhau, hợp tác cùng có lợi.  Tuy nhiên, để đi vào thực chất của tự chủ thì khung chính sách, các thể chế, văn bản pháp luật phải được thể hiện cụ thể và đồng bộ, để các trường thực hiện được quyền tự chủ, giảm thiểu thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản trị của các trường.

Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao ở các trường đại học.

Các doanh nghiệp nước ngoài đang rất mạnh tay để đầu tư, tìm kiếm nhân tài trong các trường đại học, nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại chưa quan tâm nhiều vấn đề này. Vì vậy, cần phải nghiên cứu về cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư, liên kết, hợp tác với các trường.

Bảo Bình

Việt Nam trước ngưỡng cửa CPTPP: Chất lượng nguồn nhân lực là 'sống còn'(VietQ.vn) - Chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố sống còn của nền kinh tế Việt Nam khi tham gia vào khu vực CPTPP.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang