Làm sao để phát triển doanh nghiệp Nhà nước trong bối cảnh CM 4.0?

author 08:51 07/11/2018

(VietQ.vn) - Theo nhận định của lãnh đạo Cục tài chính doanh nghiệp, tại doanh nghiệp Nhà nước, nhiều thiết bị còn lạc hậu, chưa theo kịp kỹ thuật tiên tiến của thế giới và yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0.

Xung quanh vấn đề đổi mới tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, tại Diễn đàn Thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có những chia sẻ vô cùng thực tế, đặt ra câu hỏi lớn: Làm sao để phát triển DNNN trong bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay, đồng thời, thẳng thắn chỉ ra những điểm hạn chế của DNNN.

 Câu chuyện về đổi mới tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế chưa bao giờ hết "nóng". Ảnh minh họa

Nêu ý kiến tại Diễn đàn, ông Tiến nêu rõ thực trạng về số lao động, doanh nghiệp Nhà nước đông, trong khi năng suất thấp, lao động có trình độ, tay nghề còn thiếu và yếu. Ngoài lực lượng lao động đông và hạn chế, ông Tiến cũng chỉ rõ, nhiều thiết bị còn lạc hậu, chưa theo kịp kỹ thuật tiên tiến của thế giới và yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0. Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy trong DNNN còn cồng kềnh, thiếu hiệu lực.

Ông Tiến nhận định, thiết bị trong DNNN còn lạc hậu, chưa theo kịp kĩ thuật tiên tiến của thế giới. Ảnh Baomoi 

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2016-2017, số doanh nghiệp thực hiện bán đấu giá cổ phần thấp hơn các năm trước, đặc biệt là năm 2017. Tuy nhiên, tổng giá trị thực tế bán được cao hơn gấp 5,5 lần so với năm trước do năm 2017 có các đợt thoái vốn của Bộ Công Thương tại Sabeco, của SCIC tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk). 

Tính đến hết tháng 8/2018, cả nước đã cổ phần hóa, thoái vốn thực hiện bán đấu giá cổ phần hơn 46 doanh nghiệp, giá trị cổ phần thực tế bán được hơn 27.400 tỷ đồng. Tỷ lệ thành công bình quân đạt 52% (trong đó có 34/46 phiên có tỷ lệ thành công đạt 100%). Tuy nhiên, hết tháng 7/2018, kết quả chuyển giao vốn nhà nước về SCIC còn chậm, hiện vẫn còn 37 doanh nghiệp với tổng số vốn hơn 10.113 tỷ đồng tại 5 Bộ, 8 địa phương chưa chuyển vốn về cho SCIC.

Ông Tiến cho biết, hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư. Bên cạnh đó, một số dự án của DNNN còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn (12 dự án của ngành Công Thương), chưa có phương án xử lý cụ thể, hiệu quả.

Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp cho rằng, những tồn tại cơ bản và chủ yếu của quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN là chưa có những chính sách phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, bên cạnh đó tính công khai, minh bạch còn hạn chế. "Trách nhiệm của người quản lý chưa rõ ràng; công tác cán bộ, chính sách tiền lương, thưởng còn chưa gắn với hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, chưa có tác động khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động", ông Tiến nói.

Đại diện Bộ Tài chính nêu: Việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với DNNN chưa đầy đủ. Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, còn một số cá nhân, DN vi phạm nguyên tắc thị trường, không công khai, minh bạch thông tin tài chính, cá biệt một số lãnh đạo vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Lương, thưởng của doanh nghiệp Nhà nước chưa khuyến khích tăng năng suất lao động?(VietQ.vn) - "Chính sách tiền lương, thưởng của DNNN chưa có tác động khuyến khích người lao động tăng năng suất lao động...", ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục tài chính doanh nghiêp, Bộ Tài chính nhận định.

Phương Mai

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang