Làm sao để thoát khỏi “bóng” của Trung Quốc?

author 13:47 09/06/2014

(VietQ.vn) - Sự việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981, đe dọa đến toàn vẹn chủ quyền của Việt Nam chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”

Tại buổi tọa đàm “Làm sao để thoát Trung”mới đây được tổ chức bởi Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam (VUSTA), từ những người trẻ tuổi đến những học giả ngoài 80 tuổi, đã tham gia chia sẻ các trải nghiệm, những thông tin, thắc mắc xung quanh đề tài “Làm sao để thoát Trung?”

Giáo dục và kinh tế là 2 trụ cột để “thoát Trung”


GS Chu Hảo (đứng) đang chủ trì buổi Tọa đàm

Theo GS. Chu Hảo (nguyên Thứ trưởng Bộ KHCN, người điều phối buổi tọa đàm), lý do tổ chức buổi tọa đàm là việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhưng cũng theo ông Chu Hảo, sự đe dọa của Trung Quốc đến toàn vẹn chủ quyền của Việt Nam chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. “Thực tế, đe dọa của Trung Quốc đối với sự độc lập của Việt Nam không chỉ ở vấn đề chủ quyền, mà sâu xa và toàn diện hơn rất nhiều, ở mọi góc cạnh: kinh tế, văn hóa, thể chế, ý thức hệ…” – ông Hảo nói.

Theo cảnh báo của các học giả, Việt Nam đang dần trở thành một dạng thuộc địa mới của Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế, văn hóa và tư tưởng. Thoát khỏi “chiếc cùm vô hình” Trung Quốc, Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá để phát triển nhanh hơn và hội nhập sâu rộng hơn với thế giới văn minh.

TS. Trần Ngọc Vương (ĐH KHXH&NV Hà Nội), người đã có hàng chục năm nghiên cứu về văn hóa Nho giáo, cũng khẳng định rằng: “Cái gì tốt của Trung Quốc thì ta vẫn phải học hỏi, thưởng lãm… Ta thoát khỏi Trung Quốc chính là thoát khỏi dã tâm của giới cầm quyền Trung Quốc muốn thôn tính Việt Nam. Ta cũng phải thoát khỏi cái tâm lý “bóng đè” của chính người Việt, cái căn tính nô lệ hóa trước “Trung Hoa kỳ vỹ”… Phải khẳng định rằng: Lệ thuộc vào Trung Quốc không phải là định mệnh của Việt Nam”.

Khẳng định tinh thần dân tộc sẽ là động lực để “thoát Trung”, các học giả đồng thời cũng đưa ra nhiều giải pháp cụ thể. Hai giải pháp được đề cập nhiều nhất là cải cách về kinh tế và giáo dục.

Theo TS. Giáp Văn Dương, 7 trụ cột để “thoát Trung” là: “Con người tự do – Giáo dục khai phóng – Xã hội dân sự - Hành chính phục vụ - Thể chế dân chủ - Kinh tế thị trường – Nhà nước pháp quyền”.

Cảnh báo những chuyện “Mỵ Châu thời nay”

Về vấn đề kinh tế, diễn giả Phạm Gia Minh, người đã có luận án Tiến sĩ về con đường “thoát Á” của Hàn Quốc để nước này có sự phát triển vượt bậc, cho rằng cải cách thể chế sẽ là cơ sở để cải cách kinh tế.

Ông Minh nói: “Ngày nay các quốc gia đã qua thời cạnh tranh nhau bằng sản lượng mà đã chuyển sang cạnh tranh bằng thể chế. Quy luật mới hình thành này có liên quan mật thiết tới đặc thù của nền kinh tế tri thức. Cái cách mà Trung Quốc đang hung hăng khiêu khích và xâm lược lãnh thổ của các quốc gia láng giềng đã cho thấy lãnh đạo của đất nước 1,3 tỷ dân này vẫn chưa thoát ra khỏi lối tư duy Đại Hán đã rất lỗi thời mặc dù Trung Quốc đã soán ngôi nền kinh tế thứ 2 thế giới của Nhật về sản lượng. Và như vậy Trung Quốc chưa thể có môi trường thể chế lành mạnh chứ chưa nói tới mang tính cạnh tranh toàn cầu để thu hút các quốc gia khác. Trong bối cảnh đó, một môi trường thể chế dân chủ, tự do, thịnh vượng của Việt Nam sẽ làm nội bộ Trung Quốc phải nhìn lại chính mình”.

Ông Phạm Gia Minh cũng cảnh báo rằng theo số liệu thống kê năm 2010, có trên 90% các gói thầu những dự án quan trọng đều do nhà thầu Trung Quốc nắm. Ông Minh đặt câu hỏi: “Vì sao rất nhiều doanh nhân Trung Quốc có thể thuê đất rừng đầu nguồn, mua ruộng của nông dân trên cả 3 miền? Vì sao người Trung Quốc có thể thuê mặt nước “nuôi thủy sản” ngay sát đồn biên phòng Vũng Rô và đi lại trên đất Việt Nam như vào chốn không người để đến khi bạo động ở Vũng Áng , Bình Dương mới lộ diện hàng chục ngàn người Trung Quốc nhập cảnh chui?”. Theo ông Minh, đó chính là những bất cập hay “câu chuyện Mỵ Nương” thời nay.

Phương Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang