Làm sao phân biệt rượu ngoại thật, "dỏm"?

author 15:52 30/12/2012

(VietQ.vn) - Mặc dù rượu ngoại thường có giá đắt và không khuyến khích sử dụng do nồng độ cồn cao, ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng người tiêu dùng vẫn chuộng, bất kể loại rượu này có thể bị làm giả dễ ràng, khó kiểm soát khi sản xuất và lưu thông. Làm thế nào nhận biết được rượu ngoại?

Theo nhận định của cơ quan chức năng, rượu ngoại giả nguyên chai thường có nguồn gốc từ Trung Quốc, dễ phát hiện hơn, trong khi rượu giả vỏ thật thường rất khó phát hiện.

Cuối năm, tình trạng sản xuất, kinh doanh rượu ngoại "dỏm" lại diễn biến phức tạp. Theo cơ quan quản lý thị trường, rượu giả ngày càng được sản xuất tinh vi nên người tiêu dùng thông thường rất khó nhận biết.

Cơ quan chức năng TP. Hà Nội vừa triệt phá một hang ổ sản xuất rượu ngoại giả quy mô lớn
Cơ quan chức năng TP. Hà Nội vừa triệt phá một hang ổ sản xuất rượu ngoại giả quy mô lớn. Ảnh minh họa

Mới đây, cơ quan chức năng TP. Hà Nội kiểm tra, bắt quả tang một cơ sở làm rượu vang giả với quy mô hàng chục ngàn chai. Cơ sở này đã dùng một loại rượu vang trong nước để đóng chai rồi tự in bao bì, nhãn mác một loại rượu vang ngoại và tung ra thị trường bán với giá cao. Để dễ lừa người tiêu dùng, họ còn làm giả cả tem nhập khẩu... Đại diện cơ quan quản lý thị trường TP. Hà Nội cho biết đã xác định số xê-ri tem của các dòng rượu được phép nhập khẩu nên có đủ cơ sở xử lý các đối tượng sản xuất rượu vang giả này.

Thời gian qua, cơ quan quản lý thị trường trên cả nước cũng thường xuyên phát hiện, xử lý nhiều điểm kinh doanh rượu ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

Tại một hội thảo về xâm phạm sở hữu trí tuệ tổ chức tại TP.HCM gần đây, các đại biểu cho rằng tình trạng làm giả, nhái các sản phẩm liên quan đến sức khỏe của người tiêu dùng ngày càng đáng báo động, nhất là rượu ngoại. Đại diện Văn phòng Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phía Nam cho biết, rượu giả hiện nay được sản xuất rất tinh vi nên chỉ khi uống người tiêu dùng mới cảm nhận là giả. Lúc đó, họ không còn bằng chứng để đi khiếu nại, nhất là các loại rượu ngoại uống ở nhà hàng, quán nhậu…

Theo các chuyên gia về rượu, rượu ngoại giả trên thị trường thường có 2 dạng: dạng làm giả nguyên chai thường có nguồn gốc từ Trung Quốc và dạng chỉ làm giả “ruột”, chủ yếu là pha rượu thường với hương liệu, còn vỏ và nắp chai là hàng thật.

Với dạng rượu giả thứ nhất, có thể phân biệt bằng cách nhìn vào tem của Bộ Công an dán trên nắp chai. Đây là tem bở, giống tem bảo hành của các cửa hàng máy vi tính. Còn tem giả thường chỉ là giấy bóng in bình thường, có thể bóc ra dễ dàng mà không bị rách. Hình ảnh trên nắp chai rượu giả thường được in kéo lụa nên không sắc sảo bằng nắp thật; chai thường có bọt khí vì được đúc thủ công; tem cũng không sắc sảo bằng tem thật...

Rượu ngoại giả được nhập, sản xuất rất tinh vi. Ảnh minh họa

Dạng rượu giả thứ 2 (chai thật, ruột giả) phổ biến hơn và cũng khó phát hiện hơn do khó nhận biết từ bên ngoài mà chủ yếu phân biệt bằng kinh nghiệm. Nhưng trước hết có thể quan sát seal (vỏ ngoài chai). Do nắp chai đã được gỡ toàn bộ bằng dụng cụ dẹp và mỏng (dụng cụ này có thể tháo toàn bộ nắp chai rượu ngoại một cách dễ dàng mà không làm rách tem, cũng như phải phá seal), sau đó được nhân viên pha chế ở nhà hàng tuồn ra ngoài, nên trên viền sẽ có vết rạn, kể cả khi đã đóng lại nắp bằng máy thì những vết rạn này vẫn không thể biến mất.

Một kinh nghiệm nữa là quan sát bọt khí nổi lên bằng cách lật ngược chai rượu. Nếu là rượu thật, bọt khí sẽ rất mịn và đều, di chuyển chậm không theo phương thẳng đứng mà tỏa ra rồi mới nổi dần lên. Nhìn phía trên, ta sẽ thấy những bọt khí lớn hơn một chút bám vào chai. Trong khi đó, nếu là rượu giả, bọt khí sẽ to hơn và có xu hướng nổi lên theo chiều thẳng với tốc độ nhanh hơn.

Phân biệt rượu ngoại thật, giả và lời khuyên cho người tiêu dùng

1. Khi đi mua rượu:

a. Mức rượu trong chai: Thông thường các loại rượu mạnh như Brandy, Cognac, Whisky… của các hãng trên thế giới được đóng chai tự động, do đó về mặt nguyên tắc, mức rượu bên trong các chai rất đều nhau. Các đối tượng làm hàng giả thường chỉ đóng bằng tay, vì vậy mức rượu bên trong chai thường không đều nhau. Khi quan sát một dãy rượu cùng nhãn hiệu trong cửa hàng, nếu thấy chai nào có mức rượu khác với chai còn lại thì có thể nghi vấn đó là chai giả và tiếp tục kiểm tra những yếu tố tiếp theo.

b. Màu sắc trong chai: Khi quan sát một dãy chai rượu cùng nhãn hiệu trong cửa hàng ở cùng một góc ánh sáng chiếu vào, nếu thấy chai nào có màu sắc khác biệt so với những chai còn lại thì có thể nghi ngờ đó là hàng giả. Màu sắc có thể nhạt hơn, sẫm hơn, hay có vẩn, váng đục… Tuy vậy, màu sắc khác biệt chưa hoàn toàn đủ yếu tố để khẳng định đó là giả.

c. Kiểm tra nhãn rượu: Hầu hết rượu giả trên thị trường đều sử dụng lại chai thật, nhãn thật, nhưng có thể trong quá trình tẩy rửa chai, nhãn thật bị trầy xước hoặc bong ra, do đó các đối tượng làm hàng giả đã in nhãn giả thay thế. Sự khác biệt lớn là nhãn giả không thể bắt chước được việc thực hiện in chữ nổi, màu ánh kim… đúng như hãng chính gốc.

d. Kiểm tra nắp, nút: Thông thường các đối tượng làm hàng giả thường sử dụng lại nắp thật, hoặc nắp giả tuyệt đối. Nếu quan sát kỹ lưỡng, các nắp thật được sử dụng lại có thể còn lưu các vết xước nhỏ trong quá trình nậy nắp, còn màu sắc của nắp giả trông dại, đường rãnh của nắp giả trông không tinh tế và đều đặn như của nắp thật…

e. Kiểm tra đáy chai: Có một số loại rượu được làm giả bằng cách khoan một lỗ rất nhỏ, như sợi tóc dưới đáy chai để rút rượu thật ra và bơm rượu giả vào. Do đó khi mua bạn nên quan sát thật kĩ dưới đáy chai, nếu có dấu vết lạ thì không nên mua. Các vết khoan thường ở những chỗ khó thấy ví dụ: chính giữa vòng tròn của những chữ “A,O,B... hoặc những chỗ có vết tì sẵn trên chai khi sản xuất. Sau khi hút rượu ra, lỗ được dán thật kĩ bằng keo trong nên rất khó phát hiện. Người tiêu dùng cần quan sát thật kĩ để tìm những lỗ như vậy.

2. Khi sử dụng:

Nếu được ai đó cho hay tặng một chai rượu ngoại thì trước khi đem ra sử dụng, bạn nên thử bằng các cách sau đây để tránh tác hại khi uống:

Đem để vào ngăn đá tủ lạnh, sau 12 giờ lấy ra nếu có hiện tượng đông đá trong chai rượu thì có thể là rượu giả.

Để thử nồng độ cồn trong rượu, bạn có thể đổ một ít rượu ra lòng bàn tay, xoa hai tay với nhau rồi đưa lên mũi ngửi, nếu thấy có mùi sốc của cồn thì rượu đó có hàm lượng cồn cao, có thể là rượu giả được pha chế từ cồn.

Rượu giả khi mở ra uống không thấy mùi thơm, có vị chua hơi đắng, uống thấy gắt miệng và màu rượu thì nhờ nhờ, không đặc trưng như rượu thật. Sau khi uống có thể bị đau đầu.

Đối với rượu Cognac, rượu thật được chưng cất từ nho và được ngâm ủ lên men trong thùng gỗ sồi. Khi rót rượu vào ly, chỉ cần lắc nhẹ, tỏa ra mùi vị rất đặc trưng. Ngoài ra, rượu phải có độ sánh (người ta hay nói rượu có chân) và có mùi thơm của nho, gỗ sồi, mật ong…

3. Lời khuyên cho người tiêu dùng:

Nên chuyển sang mua những loại rượu mà giới làm giả ít chú ý như rượu vang, bởi loại này đi biếu vừa lịch sự, vừa có nhiều mức giá đa dạng từ 200.000 - 300.000 đồng/chai. Thậm chí nếu "sang" có thể mua những chai có giá 7, 8 triệu đồng vì hầu hết giới làm rượu giả tập trung vào các loại rượu phổ biến và có giá ở tầm trung.

Khi mua rượu không nên mua ở các cửa hàng bán lẻ vì đây là nơi rượu giả dễ trà trộn vào nhất. Nên chọn mua ở các trung tâm hoặc các cửa hàng lớn có uy tín.

Cẩn thận với những loại rượu được giới thiệu là “xách tay từ nước ngoài về”. Đề phòng những loại rượu được bán với giá "quá rẻ".

Và một điều có thể giúp tránh được rượu giả tuyệt đối là... không dùng một loại rượu nào!

Nguyễn Nam (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang