Lâm tặc cấu kết cán bộ tha hóa, phá rừng

author 15:36 15/06/2012

(VietQ.vn) - "Dù các ban ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, nhưng chất lượng rừng tự nhiện đang suy giảm. Tình trạng chặt phá rừng tiếp tục diễn biến phức tạp ở nhiều nơi...", đó là đánh giá của Thượng tá Lê Khả Hồng - Phó Trưởng phòng 3, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49), Bộ Công an.

Lâm tặc cấu kết với cán bộ bảo vệ rừng

Theo Thượng tá Hồng, những khu rừng có chất lượng cao, trữ lượng lớn không còn nhiều. Việc trồng mới và phục hồi tái sinh rừng tự nhiên có được quan tâm nhưng chất lượng thấp hoặc rừng còn non, giá trị đa dạng sinh học, khả năng cung cấp lâm sản, tác dụng che phủ, phòng hộ và bảo vệ môi trường còn thấp. 
 
"Tính đến năm 2011 cả nước có trên 13,4 triệu ha rừng, độ che phủ đạt 39,5% diện tích lãnh thổ, trong đó có 10,3 triệu ha rừng tự nhiên và 3,1 triệu ha rừng trồng. Trong 5 năm qua, tình trạng suy giảm diện tích rừng vẫn ở mức cao. Tổng diện tích suy giảm là 328.379 ha, bình quân mỗi năm suy giảm khoảng 65.000ha", Thượng tá Hồng cho biết. 
 
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Thượng tá Hồng cho rằng do một số đối tượng lợi dụng chính sách chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp, khai thác tận thu rừng nghèo, các dự án về thủy điện, giao thông, khai thác khoáng sản, phát triển hạ tầng ở miền núi là các chính sách "nhạy cảm" và dễ được vận dụng linh hoạt, để khai thác gỗ trái phép.
 
Rừng tự nhiên đang bị thu nhỏ diện tích vì nạn lâm tặc
Diện tích rừng tự nhiên đang bị thu nhỏ vì nạn lâm tặc
 
 "Đó là nguy cơ dễ làm suy giảm rừng và phá vỡ đa dạng sinh học cao nhất", Thượng Tá Hồng nói. 
 
Ngoài ra, tình trạng cháy rừng, phá rừng thường xuyên nghiêm trọng và phức tạp cả về quy mô, phương thức và thủ đoạn. Nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở pháp luật, chính sách quản lý, phát triển kinh tế, phát triển rừng. Các đối tượng ngoài xã hội như lâm tặc cấu kết với cán bộ tha hóa, biến chất trong đội ngũ được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, đã khai thác lâm sản trái luật nhằm trục lợi.
 
Cũng theo số liệu Thượng tá Hồng cung cấp, từ năm 2005-2010, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý khoảng 44.300 vụ phá rừng và khai thác gỗ trái phép, làm thiệt hại khoảng 26.703 ha rừng, bình quân khoảng 4,5ha rừng/năm. Trong đó, chủ yếu là rừng nguyên sinh, rừng quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên...
 
Đại diện lãnh đạo hiệp hội các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam, lãnh đạo trung tâm con người và thiên nhiên, lãnh đạo tổ chức bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế cũng cho rằng chất lượng rừng và đa dạng sinh học thuộc hệ thống rừng đặc dụng trên cả nước được cảnh báo đang suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là các điểm nóng phá rừng ở nhiều vườn quốc gia thuộc khu vực miền núi phía bắc, Bắc trung bộ, Nam trung bộ và Tây nguyên. Lãnh đạo các đơn vị này đều cho rằng, nếu không ngăn chặn được sẽ làm tăng thêm nghi ngờ về khả năng tồn tại của hệ thống này trong tương lai.
 
Thủ đoạn tinh vi
 
Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Cạn, thừa nhận từ năm 2010 đến nay, Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đã xử lý dỡ bỏ 464 lán trại, tiêu hủy 571 máy móc các loại, chặt đứt hơn 60.000m vòi dẫn nước, giải tỏa, trục xuất khoảng 600 lượt người ra khỏi khu vực khai thác ở rừng. 
 
"Từ tháng 7/2010 đến nay, Hạt kiểm lâm khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đã lập biên bản 239 vụ vi phạm luật bảo vệ rừng, thu giữ nhiều tang vật, ô tô, xe máy, cưa, súng, dao... của các đối tượng lâm tặc. Từ năm 2011 đến nay đã khởi tố hình sự 6 vụ, trong đó phạt tù 5 bị cáo", ông Dũng nói. 
Chặt phá rừng
Chặt phá rừng
 
Ông Vũ Ngọc Tạo - Phó giám đốc Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải, cho biết khu bảo tồn đang phải đối mặt với các mối đe dọa như nạn săn bắn và đặt bẫy động vật hoang dã của người dân địa phương. "Qua kiểm tra, được biết ngoài dân địa phương còn có người từ các huyện Mường La (Sơn La), Than Uyên (Lai Châu) cũng đến khu bảo tồn săn và đặt bẫy động vật để mua bán", ông Tạo nói.
 
Ngoài ra, các mối đe dọa như khai thác lâm sản trái phép, phá rừng trồng thảo quả, cháy rừng, chăn thả gia súc tự do, hệ thống đường liên tỉnh của quốc gia và hoạt động xây dựng thủy điện cũng góp phần làm thu hẹp diện tích rừng ở địa phương.
 
Thống kê của C49 cho thấy, từ năm 2006 đến 2010 cả nước xảy ra 203 vụ việc chống người thi hành công vụ nghiêm trọng, làm chết 10 người, gây thương tích cho nhiều người. Riêng năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012 đã xảy ra 122 vụ, có 95 vụ nghiêm trọng gây thương tích cho 68 người. Thống kê cũng cho thấy, năm 2011 và 4 tháng đầu năm, cả nước phát hiện và xử lý 35.372 vụ vi phạm các quy định pháp luật về bảo vệ rừng.
 
"Bọn chúng lợi dụng những kẽ hở, các quy định trong công tác quản lý và năng lực đấu tranh của cơ quan chức năng để khai thác gỗ trái phép, lấn chiếm, hủy hoại rừng, săn bắt, mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái phép. Tình hình ngày càng diễn biến phức tạp với thủ đoạn phương thức manh động hơn", Thượng Tá Hồng nhấn mạnh. 
 
Cũng theo Thượng tá Hồng, trong các vụ việc phá rừng, thời gian hoạt động thường diễn ra về đêm, lâm tặc chọn những địa bàn vùng sâu, xa; có sự phân công trách nhiệm, vai trò của từng tên trong ổ nhóm và đối tượng cầm đầu ít xuất hiện. Lâm tặc thường sử dụng những người thông thạo địa hình, biết chọn khu vực để khai thác gỗ quý hiếm.
 
"Bọn chúng còn giả danh biển kiểm sát quân đội, xe chuyên dụng, làm biển kiểm soát giả để phục vụ vận chuyện và có sự bảo kê của 1 số lực lượng chức năng, kiểm soát khi vận chuyển trên đường đi tiêu thụ", Thượng tá Hồng chỉ rõ. 
 
Cũng theo đại diện lãnh đạo các khu bảo tồn, rừng thiên nhiên quốc gia, các sở ban ngành và lực lượng chức năng cần phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm lâm tặc để bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng trong thời gian tới. 
 
Mai Tuân  - Minh Trang
 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang