Làm thế nào để trẻ sơ sinh tránh mắc sởi

author 14:20 18/04/2014

(VietQ.vn) - Bậc phụ huynh có con dưới 9 tháng tuổi, chưa tới tuổi tiêm vắc xin phòng sởi, đang tỏ ra hết sức lo lắng không biết làm thế nào để phòng tránh bệnh cho con?

Sự kiện: Chăm sóc trẻ


Đây cũng là nội dung được quan tâm nhiều nhất tại cuộc giao lưu trực tuyến sáng 18/4 do báo Vnexpress tổ chức.

Các dấu hiệu sớm chứng tỏ bé mắc sởi

Một độc giả đặt câu hỏi: Thưa bác sĩ, cách nhận biết bé mắc bệnh sởi là gì. Gia đình khó nhận biết khi bé sốt: sốt siêu vi, sốt xuất huyết, sốt do viêm amidan, sốt do chân tay miệng, sốt do sởi?

Theo PGS Bùi Vũ Huy, trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ, cách tốt nhất khi trẻ có biểu hiện bệnh như sốt, ho hoặc có dấu hiệu bất thường khác, nên đưa các cháu đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ khám và tư vấn đầy đủ.

Trẻ chưa được tiêm phòng, khi có biểu hiện ho sốt cần được đưa ngay tới trung tâm y tế gần nhất để bác sĩ thăm khám

Riêng đối với bệnh sởi, bác sĩ Huy gợi ý vài dấu hiệu chính dễ nhận biết như: thường xuất hiện ở các cháu chưa được tiêm phòng sởi; trẻ có sốt cao, 39-40 độ, kèm theo mắt kèm nhèm, ho nhiều, ho khan, chảy nước mũi, thậm chí có tiêu chảy phân lỏng 1-2 lần trong ngày; đến ngày thứ 3 của sốt sẽ thấy ban sởi mọc, thông thường bắt đầu ở vùng sau tai, trán, mặt, lan dần xuống cổ, thân mình và chân tay.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm tham gia điều trị dịch sởi, Bản thân tôi đã tham gia điều trị nhiều dịch sởi, PGS Vũ Quốc Huy đưa ra nhận xét: Khác biệt nhất của mùa dịch năm nay là  nhiều cháu nhỏ dưới 9 tháng tuổi bị mắc sởi, đây là vấn đề cần phải suy nghĩ. Có thể do các bà mẹ trước đây chưa từng tiêm phòng sởi một cách đầy đủ, vì vậy không có kháng thể truyền cho con.

Theo đó để phát hiện, phân biệt sớm bệnh sởi đối với bất kể ai chưa từng tiêm phòng sởi hoặc chưa bị sởi có tiếp xúc với người bị sởi, và có biểu hiện sốt, cần đến khám ngay tại cơ sở y tế.

Tuy nhiên, để tránh bé bị lây những mầm bệnh kahcs tại bệnh viện lớn, PGS  Bùi Vũ Huy đưa lời khuyên tới bậc phụ huynh bước đầu,  nên đưa con đến khám tại cơ sở y tế gần nhất, đừng nên đến chỗ tập trung quá đông bệnh nhân để tránh lây bệnh. Cần xin ý kiến đầy đủ về cách chăm sóc cháu tại nhà, sau đó có thể chăm sóc con tại nhà theo đúng hướng dẫn của các bác sĩ.

Theo đó, khi chăm sóc trẻ bị sởi, phụ huynh cần chú ý:  Khi trẻ sốt cần dùng thuốc hạ nhiệt, nên dùng thuốc đặt hậu môn vì loại thuốc này tan dần trong 6 tiếng giúp duy trì nhiệt độ luôn luôn dưới 38,5 độ, phòng nguy cơ co giật cho các cháu. Chú ý vệ sinh, bao gồm vệ sinh răng miệng, vệ sinh mắt, mũi, vệ sinh da. Chị có thể tắm cho cháu bằng nước ấm và xà phòng, nhưng nên tắm nhanh ở nơi kín gió. Chú ý đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ.

Khi trẻ có các dấu hiệu bất thường, ví dụ như: đã hết sốt tự nhiên xuất hiện sốt lại, ho nhiều hơn và có đờm, trẻ có biểu hiện chói mắt hoặc có biểu hiện đi ngoài hoặc có các biểu hiện bất thường khác... thì cần đưa đi khám lại ngay, để bác sĩ sẽ xem xét và quyết định trẻ có cần nhập viện điều trị.

Trẻ dưới 9 tháng tuổi phải đề phòng như thế nào?

Nhiều độc giả lo lắng khi con mình còn nhỏ, chưa tới tháng phải tiêm vắc xin phòng sởi, phải làm sao để phòng tránh bệnh?

Điểm bất thường trong mùa dịch sởi lần này, nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi cũng nhiễm bệnh

Để trấn an tâm lý, TS.PGS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Cục Y tế dự phòng, cho biết hiện nay việc tiêm sởi cho trẻ theo lịch tiêm chủng mũi 1 vào lúc trẻ 9 tháng, và mũi 2 là lúc trẻ 18 tháng. Trẻ dưới 9 tháng tuổi có thể vẫn còn có miễn dịch từ mẹ truyền sang, trong trường hợp mẹ đã có miễn dịch với bệnh sởi do đã được tiêm văcxin phòng sởi hoặc đã mắc sởi.

Tuy nhiên, cũng có những trẻ khi sinh ra không có đủ miễn dịch nên có thể mắc sởi dưới 9 tháng. Vì vậy tốt nhất trong thời gian chưa đến lịch tiêm, phụ huynh không để con tiếp xúc với nguồn lây, tức là không tiếp xúc với bệnh nhân sởi.

Về cách phòng tránh sởi cho trẻ em dưới 9 tháng, có thông tin cho rằng tắm hạt mùi sẽ giúp trẻ phòng tránh bệnh sởi.

Theo ông Trần Đắc Phu, với những trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến tuổi tiêm văcxin thì các bà mẹ nên thực hiện các biện pháp sau đây: Không nên cho trẻ đến những chỗ tập trung đông người khi không cần thiết. Không cho trẻ tiếp xúc với trẻ ốm nói chung, đặc biệt không cho trẻ tiếp xúc với bệnh nhân sởi hoặc nghi mắc sởi. Không cho trẻ đến nơi đang có dịch, những nơi có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh như bệnh viện, phòng khám - nơi đang tiếp nhận và điều trị bệnh nhân sởi.

Người chăm sóc trẻ cũng không nên tiếp xúc với trẻ đang bị bệnh sởi hoặc nghi sởi. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sau đó cần thay quần áo tắm rửa sạch sẽ trước khi chăm sóc trẻ. Người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng trước khi bế ẵm, chăm sóc trẻ. Đảm bảo vệ sinh và chăm sóc dinh dưỡng tốt cho trẻ. Khi trẻ đủ 9 tháng, cần cho đi tiêm văcxin sởi đúng lịch.

“Hiện nay không có bằng chứng khoa học nào về việc tắm hạt mùi có tác dụng phòng tránh bệnh sởi”, ông Phu cho biết.

Có nên tắm khi trẻ bị sởi đang phát ban?

BS Bùi Vũ Huy cho rằng đây là câu hỏi mà ông phải đương đầu từ ba chục năm nay. Theo kinh nghiệm chăm sóc và điều trị các cháu bị bệnh sởi của mình, BS Huy nhận thấy rằng những trường hợp không được tắm rửa vệ sinh thường hay có biến chứng hơn và bệnh kéo dài hơn. Phụ huynh cần lưu ý rằng khi các cháu sốt cao hay ra mồ hôi sẽ gây tắc lỗ chân lông, vì vậy hay gây viêm nhiễm ngoài da hoặc do không vệ sinh mắt dẫn đến viêm loét giác mạc, hoặc không vệ sinh răng miệng dẫn đến viêm loét miệng, nấm miệng, thậm chí là cam tẩu mã. Vì vậy các cụ vẫn thường gọi là sởi chạy hậu. Nên tắm cho trẻ bằng nước ấm và xà phòng, ở nơi kín gió và không nên tắm lâu.

Hạ Lan

 

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang