"Phất" nhờ Phật thủ

author 13:01 12/01/2014

(VietQ.vn) - Đắc Sở (Hoài Đức, Hà Nội) được nhiều người gọi với cái tên “làng phật thủ” bởi hầu hết người dân nơi đây đều trồng loại cây độc đáo này. Những ngày giáp Tết, nhiều thương lái đã tới các vườn phật thủ ở Đắc Sở để chọn mua những trái phật thủ “nước đầu”. Một số đại gia không tiếc tay chi tiền triệu để mua trái phật thủ có dáng độc lạ hoặc mua nguyên cả cây về làm cảnh chơi Tết.

Nườm nượp thương lái đổ về mua buôn

Là một trong những người đầu tiên mang trái phật thủ từ Cao Bằng, Tuyên Quang về trồng trên đất Đắc Sở, anh Nguyễn Quang Thạch (đội 1) hiện đang là chủ nhân của hai vườn phật thủ rộng gần 2 mẫu. Trong đó, vườn phật thủ rộng 8 sào đang vào vụ thu hoạch Tết, ngày nào cũng nườm nượp khách gần xa tới đặt mua.

Anh Thạch cho biết, phật thủ được trồng từ cành chiết, sau 2 – 3 năm trồng mới bói quả.  Chăm sóc cây phật thủ cũng như cây bưởi, cây cam song cần chú ý trồng ở nhưng nơi cao ráo, thoát nước, không được để ngập úng. Cây phật thủ thường bị bệnh xì mủ ở gốc cây, nếu không phát hiện kịp thời, cây sẽ thối vỏ rồi chết. Trước đây, khi phật thủ mới về Đắc Sở, chỉ có vài ba hộ thử nghiệm loại cây mới này. Khi đó thú chơi phật thủ cũng chưa rầm rộ như hiện nay song ngay từ ngày ấy thu hoạch bao nhiêu trái đều bán “sạch veo”.

Phật thủ trở thành loại cây làm giàu của người dân Đắc Sở

Càng về sau, phật thủ với ý nghĩa tâm linh và sử dụng được lâu ngày (1 trái phật thủ có tuổi thọ tối đa từ 6 – 8 tháng) nên được người dân ưa chuộng, giá phật thủ cao, người trồng thu lãi lớn. Nắm bắt được xu hướng mới, các hộ dân tại Đắc Sở đã đầu tư để phát triển mạnh loại cây này. Sử dụng hết quỹ đất tại địa phương, người dân Đắc Sở còn thuê thêm đất của những xã lân cận như Yên Sở, Tiên Yên để trồng phật thủ. Những lần được mùa liên tiếp đã khiến vùng đất này “lột xác”, nhiều hộ gia đình sở hữu các vườn phật thủ giá tiền tỷ.

“Quả phật thủ có nhiều tầng, nhiều ngón xòe ra được ví như bàn tay Phật che chở, mang an lành, sung túc đến cho gia chủ. Vì thế nên phật thủ không chỉ được bán trong dịp Tết mà được bán quanh năm phục vụ cho nhu cầu lễ bái hoặc các tuần Rằm, mùng Một, dịp Tết thì khách tới mua đông hơn thôi”, anh Thạch chia sẻ. Hiện vườn phật thủ của gia đình anh Thạch có 160 gốc, một cây thường cho 30 – 40 quả, đặc biệt có gốc rất sai, số lượng quả có thể lên tới 160 – 180 quả/cây.

Quả phật thủ này có giá tiền triệu

Có vườn phật thủ ở Đắc Sở được lái buôn “mua đứt” luôn với giá 600 – 800 triệu đồng/vườn, đa số các vườn để bán buôn bán lẻ cho thương lái và khách hàng gần xa. Tùy độ to nhỏ, mẫu mã, độ chín và số ngón, số tầng mà trái phật thủ có giá khác nhau. Anh Thạch cho biết, giá bán buôn cho tiểu thương dịp Tết này dao động từ 50.000 – 100.000 đồng/quả. Những khách hàng chọn mua phật thủ “nước đầu” hoặc chọn lọc kỹ càng thì giá sẽ nhỉnh hơn. Với các quả to, dáng độc lạ giá có thể lên tới 4 – 5 triệu đồng.

Ngoài bán quả, anh Thạch còn bán cây phật thủ cho khách hàng có nhu cầu chơi cây cảnh. “Gốc phật thủ cảnh chia làm nhiều loại, có cây chỉ 2 – 3 triệu đồng nhưng cũng có cây 20 – 30 triệu đồng”, anh nói. Khi khách đặt mua, cây phật thủ ấy sẽ được đánh dấu bằng các đoạn dây nilon nhỏ buộc ở dưới gốc.

Phật thủ cảnh sẽ được bọc giấy báo cẩn thận trước khi vận chuyển cho khách hàng

Các quả phật thủ trên cây phật thủ cảnh sẽ được chủ vườn bọc giấy cẩn thận để tránh rụng, rơi gẫy các ngón rồi đánh gốc và vận chuyển tới nơi mà khách yêu cầu. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 10 vị khách đặt mua gốc phật thủ nhà anh Thạch để về làm cây cảnh chơi Tết.

Kinh tế khó khăn không ảnh hưởng đến thu nhập của chủ vườn

Anh Nguyễn Bá Tuất, chủ một vườn phật thủ rộng 5 sào với 100 gốc thì chia sẻ, trước đây anh trồng cam, về sau thấy cây phật thủ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nên anh chuyển sang loại cây này. Từ cuối tháng 11 âm lịch hàng năm, vườn cây của anh sẽ đón lượng khách lớn, đa phần là thương lái tới chọn mua phật thủ bán Tết. Hiện giá đổ buôn tại vườn của anh rơi vào khoảng 70 – 80.000 đồng/quả.

Nhận định về xu hướng chơi phật thủ của khách hàng, anh nói: “Quả phật thủ chín có màu đẹp hơn và mùi thơm hơn song đa số khách lại thích những quả ương, màu vàng chanh. Có lẽ do mọi người nghĩ quả chín thì không để được lâu”.

Những quả phật thủ "nước đầu" đã được khách đặt mua và đánh dấu bằng sợi nilon đỏ

Chị Tuyết, một thương lái cũng là người dân Đắc Sở đang chọn mua phật thủ tại vườn của anh Thạch cho biết, khoảng 3 năm gần đây, phật thủ được người dùng ưa chuộng, hàng nhập về dễ bán nên bên cạnh các loại hoa quả truyền thống, chị thường xuyên có mặt tại các vườn phật thủ để nhập hàng, chuyển về chợ ở các khu trung tâm Hà Nội bán. Ngày Tết, nhu cầu khách hàng cao hơn nên chị cũng nhập phật thủ với số lượng lớn hơn. Các quả phật thủ được chọn sẽ được chị đánh dấu bằng sợi dây nilon màu đỏ đậm phía trên cuống.

Các chủ vườn ở Đắc Sở cho biết, các gia đình có điều kiện kinh tế mới chơi cây phật thủ cảnh giá hàng chục triệu đồng. Các quả phật thủ giá 2 – 3 triệu đồng thường được khách mua làm quà biếu sếp. Không chỉ cung ứng phật thủ cho các tỉnh miền Bắc, nhiều chủ vườn Đắc Sở còn kinh doanh online, nhận đặt và giao hàng cho khách hàng ở tận Tp.HCM, Đà Lạt. “Trong đó họ mới chơi loại quả này nên thường chỉ chọn mua những loại phật thủ giá thấp. Tùy vào số lượng phật thủ họ đặt mà nhà vườn sẽ chủ động vận chuyển bằng các phương tiện khác nhau sao cho hợp lòng người bán vừa lòng người mua”, anh Thạch cho biết.

Năm ngoái, vườn phật thủ của anh đã mang loại khoản thu 800 triệu đồng. Năm nay, giá phật thủ ổn định song không được mùa như năm trước. Tuy nhiên với lượng khách mua buôn số lượng lớn cùng nhiều đơn đặt hàng cây cảnh, anh Thạch tự tin vườn cây vẫn đem lại khoản thu nhập khủng không thua kém gì các năm trước. “Các ngành kinh tế đều khó khăn nhưng làng phật thủ quê tôi thì vẫn phất lắm”, anh vui vẻ.

Thanh Thu

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang