Lãng phí điện ở Việt Nam gấp 6 lần thế giới

author 06:10 30/09/2013

(VietQ.vn) - Dù có các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) nhưng mức lãng phí điện ở Việt Nam thống kê được lên tới 6 lần so với thế giới.

Theo ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm TKNL TP. Hồ Chí Minh (ECC), chúng ta đang tồn tại mâu thuẫn, trong lúc nhu cầu điện tăng trưởng trung bình 10-15%/năm thì mức lãng phí điện cũng vô cùng lớn.

Hiệu suất sản xuất điện thấp (ngoại trừ một số nhà máy điện đầu tư mới đây), tổn thất truyền tải và cuối cùng là việc sử dụng không hiệu quả lớn gấp nhiều lần con số nhu cầu. Trong khi đó, đầu tư cho mục tiêu tiết giảm sự lãng phí còn hạn chế quá.

Lang phi dien nang o Viet Nam qua lon

Cần có cơ chế sử dụng điện công cộng hợp lý. Ảnh minh họa

“Xét về vĩ mô, để sử dụng hiệu quả năng lượng, phải bắt đầu từ quy hoạch cơ cấu kinh tế”, ông Tước cho biết.

Theo ông Tước, Việt Nam đang đứng trước 2 vấn đề làm gia tăng nhu cầu năng lượng. Một là, quá trình chuyển đổi từ kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp và sự gia tăng nhu cầu năng lượng khi đời sống được cải thiện, nhu cầu thiết bị điện gia dụng và hạ tầng gia tăng mạnh mẽ. Cơ cấu kinh tế của chúng ta cũng có vấn đề khi chủ yếu gia công và sử dụng nhiều tài nguyên.

Hai là, khi phân tích nguyên nhân lãng phí năng lượng, kết quả cho thấy, mức lãng phí của VN cao từ 1,5 - 6 lần so với thế giới chủ yếu do công nghệ lạc hậu và trình độ tổ chức sản xuất. lãng phí của chúng ta bắt đầu từ thiết kế cho đến lựa chọn công nghệ cho đến vận hành.

Các tổng hợp của Bộ Công thương, Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và của Trung tâm TKNL TP.HCM (ECC) cho thấy, mức lãng phí của chúng ta rất cao, từ 10-50% theo từng ngành. Trong đó, tiềm năng tiết kiệm có tính kinh tế cũng rất cao.

Tại Nhật Bản, người Nhật phải chi tiền với thời gian hoàn vốn trên 7 năm chỉ để cắt giảm 1% mức tiêu hao năng lượng. Ở Việt Nam, phổ biến doanh nghiệp có thể tiết kiệm mức 5-15% trong 3 năm.

Cũng theo ông Tước, nếu tính hệ số đàn hồi có thể hiểu là tính cho năng lượng chung chứ không phải chỉ của điện. Thông thường điện tăng cao hơn xăng dầu. Riêng Trung Quốc cơ cấu cung ứng năng lượng có đến 60% từ than, nên khó so sánh với Việt Nam.

Tuy nhiên, có thể thấy thực tế, hệ số đàn hồi của Việt Nam vẫn cao hơn Thái Lan. Vấn đề là cường độ năng lượng vẫn tiếp tục gia tăng. Sự gia tăng này như tôi nói ở trên do chuyển đổi kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và nhu cầu tiêu dùng hộ gia đình.

Vấn đề là nếu có định hướng phát triển công nghiệp hợp lý, lựa chọn thu hút FDI phù hợp thì sẽ giảm nhu cầu cung ứng năng lượng. Ngay cả hộ gia đình, nếu chính sách tem năng lượng thực hiện hiệu quả cũng sẽ giảm được tiêu thụ điện.

Các tính toán đã chỉ rõ, một đồng đầu tư cho TKNL sẽ bằng 3 đồng đầu tư cho tạo nguồn cung điện. Thực tế cho thấy tiềm năng TKNL của Việt Nam vẫn còn lớn. Do vậy, việc điều chỉnh cơ cấu sản xuất theo hướng ít sử dụng tài nguyên năng lượng hoàn toàn có thể thực hiện nếu chúng ta coi trọng giải pháp TKNL như một giải pháp tương đương đầu tư cung cấp điện.

Điều này có nghĩa kết hợp giữa chính sách vĩ mô và chính sách cụ thể, chúng ta có thể cân đối giữa cung và cầu mà không bị áp lực quá mức trong việc đầu tư thêm các nhà máy sản xuất điện.

Nguyễn Nam (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang