Lãng phí ở cung văn hóa thể thao thanh niên

author 06:53 26/02/2013

(VietQ.vn) - Trong khi ở Hà Nội đang còn thiếu những điểm sinh hoạt văn hóa lành mạnh, bổ ích cho thanh, thiếu niên thì hiện tại, một phần Cung Văn hóa thể thao thanh niên Hà Nội (Cung VHTTTN, ở số 1 Tăng Bạt Hổ) lại đang sử dụng thiếu hiệu quả, sai mục đích gây lãng phí, khiến dư luận địa phương bức xúc.

Người dân bức xúc

Theo phản ánh của nhiều người dân Thủ đô, nhiều năm nay bể bơi dành cho thiếu nhi của Cung VHTTTN không hoạt động. Không những trẻ em ở Hà Nội thiếu đi chỗ sinh hoạt thể chất, hoạt động dịch vụ tại bể bơi này còn đang khiến dư luận bức xúc vì sự nhếch nhác, mất mỹ quan. Nằm ở vị trí đắc địa với 2 mặt tiền là phố Nguyễn Công Trứ và Tăng Bạt Hổ nhưng hiện tại, khu vực bể bơi này lại là nơi trông giữ, rửa xe ô tô ngày đêm.  
 
Ngay sát với bể bơi là khu nhà 2 tầng trước đây dành cho các cháu đến bơi thay quần áo, nay đã trở thành phòng tập của các câu lạc bộ thẩm mỹ, yoga, võ thuật… Vỉa hè phía bên ngoài bể bơi cũng trở thành nơi kinh doanh chim cảnh và một số nhà hàng chiếm dụng làm nơi bán hàng, bãi đỗ ô tô, xe máy của khách, khiến cho khu vực này trở nên rất lộn xộn. 
Một góc cung văn hóa thể thao thanh niên
Một góc cung văn hóa thể thao thanh niên
 
Có mặt tại bể bơi thiếu nhi Tăng Bạt Hổ có thể thấy nhiều hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng. Bao quanh bể bơi, dịch vụ rửa xe, trông giữ xe ô tô quây kín, chiếm hết khoảng không gian còn lại. Ngay cạnh đó là khu nhà 2 tầng cũ lối đi vào gạch bong tróc, lồi lõm…
 
Anh Lê Duy Phong (ở phố Hàng Chuối) cho biết: Trước đây, bể bơi thiếu nhi là địa điểm thu hút rất đông các em nhỏ tới bơi lội vào những ngày hè.
 
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà gần 5 năm nay, bể bơi đóng cửa. Thay vào đó, mảnh đất vàng này lại để làm nơi trông, rửa xe ô tô trông vô cùng nhếch nhác. Nghe nói tại đây sẽ triển khai dự án xây dựng thành khu vui chơi phục vụ nhu cầu giải trí của người dân Thủ đô, nhưng tới giờ người dân chưa nhận được bất cứ thông báo nào liên quan đến dự án này, chỉ thấy nơi đây ngày càng xuống cấp, việc sử dụng đất thiếu hiệu quả, lãng phí.
 
Do dự án… “treo”
 
Qua tìm hiểu, từ năm 2007, Thành đoàn Hà Nội đã tiếp nhận bể bơi số 3 Tăng Bạt Hổ từ Sở Thể dục - Thể thao Hà Nội. Do được xây dựng từ những năm 60 nên bể xuống cấp nghiêm trọng, đáy bể bị gãy, thành bể nứt và không có hệ thống tuần hoàn nước.
 
Vì vậy bể bơi không hoạt động được. Từ khi được giao nhiệm vụ quản lý, Cung VHTTTN đã triển khai các câu lạc bộ thể thao hoạt động trên địa bàn này nhưng vì điều kiện cơ sở vật chất và thiết bị kém không đáp ứng được yêu cầu. Dư luận xã hội bức xúc về thiết chế văn hóa bị bỏ không, lãng phí. Lãnh đạo Cung VHTTTN đã có văn bản đề nghị với các cơ quan chức năng đầu tư kinh phí để sửa chữa bể nhưng không được chấp thuận.
 
Để tránh lãng phí, bỏ hoang tài sản nhà nước, Cung VHTTTN đã tạm thời tận dụng bể bơi đã bị hỏng tại số 3 Tăng Bạt Hổ làm sân tập karate, taekwondo, yoga, thẩm mỹ… Tại khu vực hai bên đầu bể bơi cho thuê dịch vụ trông giữ, rửa xe.
 
Theo ông Nguyễn Xuân Trường, Phó giám đốc Cung VHTTTN: Năm 2010 Cung VHTTTN đã tổ chức thi thiết kế dự án nâng cấp, xây dựng Cung VHTTTN thành Cung VHTT liên hợp và đã chọn ra được 1 thiết kế xuất sắc nhất. Chúng tôi đã họp Ban QLDA để thống nhất phương án trình thành phố phê duyệt. Dự kiến tổng kinh phí đầu tư cho dự án này là 500 tỷ đồng, xây dựng trong 3 năm. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, tới thời điểm này dự án vẫn chưa được triển khai. Điều này dẫn tới việc để khu vực bể bơi thiếu nhi lãng phí. Để chống lấn chiếm đất đai, đảm bảo an ninh trật tự, chống các tệ nạn xã hội trong khi dự án chưa được triển khai chúng tôi đã tận dụng để cho thuê làm bãi trông giữ, rửa xe ô tô tăng thêm nguồn thu ngân sách. Chúng tôi đề nghị thành phố cho dừng dự án trong thời gian 4 năm (từ 2013 – 2016) và cho phép chúng tôi cải tạo mặt bằng bể bơi thiếu nhi để xây dựng 2 sân bóng mini tạo sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu nhi thủ đô trong thời gian chờ dự án xây dựng cung văn hóa mới. Kinh phí đầu tư cho sân bóng bằng vốn tự có và xã hội hóa…
 
Để tránh bức xúc trong dư luận, đề nghị UBND TP Hà Nội chấn chỉnh lại các hoạt động đang diễn ra tại Cung VHTTTN đồng thời công khai kế hoạch, tiến độ của dự án xây dựng Cung Văn hóa thể thao liên hợp tới người dân. 
 
Nhà văn hóa Thanh niên Hà Nội ra đời năm 1986. Dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền TP Hà Nội và dìu dắt của Thành đoàn Hà Nội, Nhà văn hóa trở thành một trong 6 Nhà văn hóa có uy tín và hoạt động hiệu quả trong cả nước. Năm 1992, UBND TP Hà Nội quyết định nâng cấp từ Nhà văn hóa Thanh niên Hà Nội trở thành Cung Văn hóa Thể thao Thanh niên Hà Nội. Nơi đây trở thành ngôi nhà chung, địa chỉ hấp dẫn tuổi trẻ tham gia sinh hoạt văn hóa, thể thao và hoạt động xã hội.

Tuyết Sơn

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang