Lãnh đạo chất lượng: Góc nhìn của người trong cuộc

author 10:08 13/05/2014

(VietQ.vn) - Sau gần 20 năm triển khai ISO 9000 tính đến nay đã có hàng ngàn cán bộ đại diện Lãnh đạo chất lượng (Quality Management Representative - QMR) được đào tạo góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế doanh nghiệp cũng nhưng nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Các lãnh đạo chất lượng đã góp phần thúc đẩy, nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp

Sự khác nhau giữa lãnh đạo chất lượng và quản lý chất lượng

Rất nhiều cơ quan áp dụng ISO 9000 nhưng không phân biệt được sự khác nhau giữa lãnh đạo chất và quản lý chất lượng như thế nào.  Việc trực tiếp theo dõi giám sát sự vận hành hệ thống quản lý chất lượng tại tổ chức, nhằm đạt được các mục tiêu chất lượng thường được các doanh nghiệp Việt Nam giao cho người quản lý chất lượng chuyên trách là Trưởng phòng Quản lý/Đảm bảo Chất lượng hoặc kiêm nhiệm bởi các phòng khác. Thực tế sự chậm đổi mới về chất lượng trong các tổ chức ở Việt Nam có một phần nguyên nhân do chất lượng thấp của người lãnh đạo chất lượng và sự chồng chéo trong công việc giữa người lãnh đạo và người quản lý chất lượng. Vậy sự khác biệt giữa lãnh đạo và quản lý chất lượng và vai trò của nhà lãnh đạo chất lượng và người quản lý chất lượng là gì. Có thể nói một cách tóm tắt như sau:
- Lãnh đạo chất lượng có vai trò xác lập các định hướng, tầm nhìn, và mục tiêu chất lượng cho tổ chức, định hướng cho việc đổi mới đột phá, xây dựng các giá trị của nền văn hóa chất lượng- Người quản lý chất lượng có vai trò kiểm soát, điều phối các quá trình và nguồn lực theo định hướng đã chọn, nhằm đạt được các mục tiêu chất lượng.

Theo nhận xét của các Tổ chức Chứng nhận qua kết quả các cuộc đánh giá Chứng nhận và đánh giá giám sát, hầu hết cán bộ QMR của các DN đều gặp khó khăn trong việc thực hiện vai trò của mình và do đó cũng làm ảnh hưởng đến hiệu quả của hệ thống ISO 9000. Bên cạnh yêu cầu "báo cáo tới lãnh đạo cao nhất về kết quả của hệ thống", Tiêu chuẩn ISO 9001:2000 chỉ đưa ra yêu cầu đối với cán bộ QMR là: "đảm bảo...", "đảm bảo thúc đẩy hệ thống..." nhưng không chỉ ra rằng cán bộ QMR phải "đảm bảo" như thế nào?

Phần lớn các DN áp dụng ISO 9000 đều giao phó Hệ thống cho cán bộ QMR với hi vọng đạt được hiệu lực và hiệu quả của hệ thống mà không có cơ sở để chắc rằng cán bộ này có thể điều hành hệ thống một cách hiệu quả. Rất nhiều DN lại không đánh giá đúng vai trò, giá trị của QMR đối với sự thành công của hệ thống. Họ cho rằng bổ nhiệm cán bộ QMR để đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn và để có người "gánh" hệ thống chuẩn bị cho các cuộc đánh giá của cơ quan chứng nhận. Bởi vậy, họ không quan tâm đến kiến thức, kỹ năng cần thiết cho cán bộ QMR để có thể quản lý hệ thống đạt hiệu quả cũng như thiếu đầu tư, trang bị kiến thức kinh nghiệm cho cán bộ này.

Lãnh đạo và quản lý chất lượng dưới góc nhìn của người trong cuộc

Chia sẻ của bà Hồ Minh Hương, có thâm niên phụ trách hoạt động chất lượng của Ngân hàng Thương Mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cho thấy công việc của Trưởng phòng quản lý chất lượng của một trong năm ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam không chỉ bao gồm tổ chức hoạt động kiểm tra giám sát mà còn dành một phần đáng kể cho việc lập kế hoạch chất lượng bao gồm xây dựng mục tiêu chất lượng, lên phương án nhân sự, kế hoạch triển khai theo dõi và giám sát, tổ chức đào tạo về chất lượng, thiết kế các dự án cải tiến chất lượng sản phẩm. Nói một cách khác, Trưởng phòng quản lý chất lượng đóng vai trò như một nhà thiết kế hoạt động chất lượng của tổ chức.

Trong khi đó, vai trò của QMR thực tế lại tỏ ra tương đối mờ nhạt, chủ yếu là phê duyệt về mặt hình thức theo thủ tục hành chính các kế hoạch và văn bản liên quan. Nói một cách tóm tắt là: không tham gia trực tiếp vào việc điều hành các hoạt động chất lượng, vai trò lãnh đạo về chất lượng của QMR thông qua việc xây dựng chính sách và chiến lược chất lượng cũng không được thể hiện rõ nét. Vai trò của QMR chỉ có ý nghĩa thủ tục, chủ yếu là cầu nối giữa Ban lãnh đạo và Trưởng phòng quản lý chất lượng.

Trưởng phòng quản lý chất lượng của một công ty cho biết: Vai trò của QMR phụ thuộc vào sự am hiểu hệ thống và năng lực của thành viên ban lãnh đạo được bổ nhiệm làm QMR. Sự mới mẻ của ISO 9000, cộng với việc thiếu am hiểu về tổ chức hoạt động chất lượng tại các phân xưởng sản xuất đã làm cho một số QMR khó nắm bắt vấn đề và tổ chức hoạt động chất lượng một cách có hiệu quả dẫn đến tình trạng chậm có cải tiến đột phá về chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Có thể nói để có được các chuyển biến cơ bản về chất lượng của Vinakip, bên cạnh sự quan tâm của Giám đốc và sự tham gia tận tụy tích cực của toàn thể CBCNV, có một phần đáng kể là do sự bổ nhiệm "đúng người đúng việc".

Ở các nước có phong trào ISO 9000 phát triển mạnh, QMR còn được gọi là Giám đốc Chất lượng. Lãnh đạo cấp cao ở đây ý thức rất rõ vai trò của cán bộ QMR với sự thành công của hệ thống ISO 9000. Họ hiểu rằng: ngoài việc nắm bắt tổng thể các quá trình trong hệ thống và các vấn đề chất lượng trong DN, cán bộ QMR cần nắm rõ các phương pháp, công cụ hỗ trợ cũng như biết lựa chọn và sử dụng các giải pháp, công cụ thích hợp trong điều kiện cụ thể của DN mình. Bên cạnh đó, cán bộ QMR cũng cần có các kỹ năng xã hội khác như: trình bày, truyền đạt, thuyết phục, khích lệ để tập hợp mọi người tham gia cải tiến hệ thống chất lượng. Họ cũng cần có năng lực tổ chức, chỉ đạo các hoạt động triển khai, các cuộc đánh giá và có lối tư duy theo hệ thống vì "tiếp cận theo hệ thống" là một nguyên tắc quan trọng xuyên suốt Bộ Tiêu chuẩn ISO 9000.
Câu hỏi đặt ra cho các DN áp dụng ISO 9000 là: làm thế nào để có cán bộ QMR tốt, làm thế nào để có thể thu nhận tối đa sự đóng góp của QMR cho hoạt động cải thiện hệ thống ISO 9000. Đánh giá đúng tầm quan trọng của cán bộ QMR và trao quyền chủ động một cách hợp lý cho họ là điều kiện tiên quyết để có được một cán bộ QMR đạt yêu cầu. Năng lực, kỹ năng, kinh nghiệm, năng khiếu, tư duy và động cơ làm việc là những tiêu chí chủ yếu để có thể lựa chọn được một cán bộ QMR thoả mãn yêu cầu quản lý. Và để đáp ứng tinh thần cải tiến liên tục của bộ Tiêu chuẩn ISO 9000, việc đào tạo, tổ chức học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm là điều kiện không thể thiếu trong việc nâng cao năng lực, kiến thức cho cán bộ QMR để điều hành hệ thống đạt hiệu quả.

Trong khi tỷ lệ các DN áp dụng ISO 9000 mới chỉ chiếm 1% trong tổng số các DN VN thì việc triển khai áp dụng rộng rãi ISO trên toàn quốc sẽ mở ra một cơ hội nghề nghiệp lớn cho các cán bộ trong DN cũng như các sinh viên mới tốt nghiệp đại học. Việc trở thành QMR về Chất lượng trong xu thế ISO trên toàn cầu quả thực là một ước mơ trong tầm tay đối với rất nhiều người.

Văn Khoa

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang