Lãnh đạo, mấy ai quan tâm đến lương!

author 07:53 09/08/2013

"Nhiều lãnh đạo không quan tâm đến đời sống của cán bộ công nhân viên, họ cũng chẳng quan tâm đến tiền lương của chính họ, bởi "lậu" của họ quá nhiều rồi".

TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại đã chia sẻ như vậy với phóng viên.

Không gì người ta không xà xẻo cả!

Kiểm toán Nhà nước vừa công bố Báo cáo Kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách năm 2011. Theo đó, có 13/28 địa phương được kiểm toán sử dụng gần 3.400 tỷ đồng - nguồn cải cách tiền lương để chi thường xuyên, chi giải phóng mặt bằng, tạm ứng cho các nhiệm vụ phát sinh tại địa phương... Ông nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Cái sai ở đây đã rõ quá rồi, có gì để mà nói nữa. Cải cách tiền lương là chủ trương lớn của nhà nước. Ấy thế nhưng chính quyền chẳng coi luật hay nghị định, chỉ thị ra cái gì đâu. Họ không coi trọng việc chăm lo đời sống cán bộ công nhân viên. Họ có sự thôi thúc của những lợi ích khác lớn hơn so với lợi ích của cán bộ công nhân viên.

Cán bộ mà thực thi luật không nghiêm thì sao quản lý được dân?

Thì đúng thế. Người ta không coi pháp luật ra gì cả. Luật ngân sách quy định chặt chẽ từng đồng một chứ không phải đùa vậy mà người ta tuỳ tiện thế...

Nhưng...

Tiền ngân sách là tiền thuế của dân, mồ hôi nước mắt của dân, mà lại coi thường như thế là không được.

Với một số tiền lớn, xảy ra trên quy mô rộng như vậy mà việc xử lý vi phạm dường như vẫn chưa tương xứng?

Đó là biểu hiện sự yếu kém của kỷ cương. Người dân chỉ cần sai có một li thôi cũng bị đưa ra toà án xử rồi mà lãnh đạo thì...

Theo ông thì tình trạng tương tự có xảy ra trong nhiều lĩnh vực không?

Cái đó thì báo chí nói mãi rồi, tôi đâu cần nói thêm nữa. Việc gì mà họ không xà xẻo, bóp méo đi. Tỉnh bóp méo kiểu tỉnh, huyện bóp méo kiểu huyện, xã bóp méo theo kiểu xã. Nào là thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, tiền trợ cấp người nghèo, bão lụt, người có công... Không gì người ta không xà xẻo cả!

Mấy ai quan tâm đến lương

Thực tế là nếu cải cách tiền lương thì bản thân người ra quyết định đó cũng được hưởng lợi vì lương của người đó tăng lên?

Ôi, họ đâu sống bằng lương. Nhiều quan chức phải đến khi về hưu mới biết lương cơ bản của mình là bao nhiêu. Chứ còn đương chức thì ai lại đi quan tâm đến tiền lương. Bởi phần "lậu" của họ đã quá nhiều rồi, quá đủ để họ sống rồi.

Thế nhưng người lao động sống bằng lương thì lại rất ngóng chờ điều đó?

Bi kịch là ở chỗ đó. Chỉ có một bộ phận nhỏ là không quan tâm đến tiền lương của chính mình nhưng họ lại là những người nắm quyền quyết định, đề ra các chính sách chung. Còn đa số người sống trông chờ vào tiền lương lại không có quyết định gì hết.

TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại


Chi sai ngân sách như cơm bữa

Theo ông việc chi sai tiền cải cách tiền lương phải xử lý thế nào?

Ở các nước khác thì phải cách chức ngay, vào tù ngay. Không sai gì nặng nề bằng việc sử dụng sai tiền ngân sách. Vậy mà ở ta thì cái sai đó như cơm bữa. Giờ mà cứ có lỗi là phải xử lý thì lấy ai mà làm việc?

Nhưng cứ như thế thì nó tái diễn tiếp tục?

Tất nhiên rồi, nó còn tái diễn đến khi nào luật pháp được thực thi nghiêm minh.

Vừa rồi tôi có đi làm giấy khai sinh cho con tôi bị chậm mấy ngày, bị phạt 150.000đ. Việc nhỏ như vậy mà bị phạt, tại sao người đứng đầu địa phương chi sai ngân sách mà không bị xử gì?

Tôi kể chuyện này. Tôi từng gặp một thẩm phán chánh án toà án nhân dân huyện ở một tỉnh miền Trung. Cô ấy nói rằng cô vừa xử vụ án dân kiện hành chính ông chủ tịch huyện vì ông ấy ban hành văn bản sai. Cô ấy xử cho dân thắng kiện, nhưng cô ấy không còn đường sống ở huyện nữa. Ông ấy chỉ thua một vụ kiện, còn vị thẩm phán thì thua cả một đời, buộc phải xin đi nơi khác làm việc.

Chỉ biết kêu chứ biết làm gì!

Nếu chính ông bị chậm lương do cái lỗi sử dụng sai ngân sách đó thì ông sẽ làm thế nào?

Thì tôi cũng biết làm gì khác ngoài kêu ca. Hỏi ầm lên là tại sao lại chậm lương thế. Còn cũng chả dại gì mà động vào các cơ quan lớn.

Nếu kêu trong trường hợp này thì nên kêu với bộ phận nào?

Lúc nào cũng bảo lên trung ương, nhưng kiện lên ông A thì họ chuyển sang ông B, cứ thế luân chuyển mãi. Cuối cùng giấy kiện lại vòng về nơi bị kiện là chuyện bình thường.

Theo ông thì việc người ta sử dụng sai ngân sách như thế thì người ta được lợi gì không?

Ôi..., không có lợi ích thì họ làm làm gì? Sự đời, người ta ngồi cái ghế ấy, ký chữ A, chữ B, kỷ luật người này, điều chuyển người kia, thăng chức người này, giáng cấp người kia... là đều có lợi ích cả.

Theo ông thì các cấp trên có biết việc ấy không?

Sao lại không biết. Trung ương là ai, trung ương thì cũng là những người từng làm việc ở tỉnh, ở huyện lên chứ ai.

Nếu thực tế nó như thế rồi thì việc thanh tra kiểm tra rồi phát hiện ra để làm cái gì?

Để chứng tỏ là vẫn đang làm việc, vẫn có hiệu quả trong công việc, chứng tỏ là có luật.

Thế thì khó mà tiến tới xã hội đẹp hơn?

Muốn có một xã hội đẹp thì không thể ngồi trông chờ và vẽ ra được. Đó là cuộc vật lộn sinh tồn, đấu tranh và phải trả giá. Phải chịu đau đớn để đổi mới, để thay đổi với mục tiêu duy nhất là vì lợi ích của nhân dân và của đất nước.

Xử lý cán bộ khó lắm

Theo ông thì trong việc này trách nhiệm cá nhân thuộc về ai?
Đã là người có chức có quyền trong địa phương đó là phải chịu trách nhiệm hết. Càng cấp cao thì lại càng phải chịu trách nhiệm cá nhân về hệ thống đó. Nhưng ở Việt Nam thì trách nhiệm cá nhân không quy kết được cho ai cả là vì chúng ta có nguyên tắc "lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách". Việc gì cũng là ý kiến của tập thể, cá nhân chỉ là phụ trách triển khai thôi! Mà  triển khai của cá nhân như thế nào thì lại là quyền của cá nhân ấy!

Theo ông thì tới đây, những người góp phần vào việc chi sai đó có bị giảm phiếu tín nhiệm không?
Đừng hy vọng vào chuyện đó. Ở Việt Nam chưa có thói quen kỷ luật người làm sai chính sách. Họ đủ tài để giải thích việc làm đó là vì công việc chung!

Quyết định cá nhân trong gia đình mà sai thì chỉ ảnh hưởng đến 1 gia đình, nhưng quyết định của chủ tịch tỉnh chẳng hạn mà sai thì sẽ ảnh hưởng cuộc sống hàng triệu người?

Thế nhưng rồi anh sẽ thấy, chả ai bị kỷ luật cả. Một chính sách rất nhỏ như quy định đội mũ bảo hiểm rởm thì bị phạt, tác động đến hàng chục triệu người đấy, thế thì có phạt ai được không. Mà đó là những chính sách rất nhỏ, còn những chính sách lớn thì không đo đếm được, có nhiều cách để giải thích là chính sách đúng, cùng lắm thì xin rút kinh nghiệm.

Theo ông những người sai phạm có nên tự kiểm điểm?

Nguyên tắc thì nên rồi, nhưng thực tiễn thì chẳng có vấn đề gì xảy ra cả. Xin cảm ơn ông!

Kiểm toán Nhà nước công bố ngày 25/7 trong kết quả kiểm toán năm 2012 về niên độ ngân sách năm 2011. Theo đó, có tới 13/28 địa phương còn sử dụng nguồn tiền cải cách lương để chi thường xuyên, tạm ứng cho những nhiệm vụ phát sinh của địa bàn hay thậm chí để... giải phóng mặt bằng. Trong số này, Quảng Ninh có số tiền chi sai lên tới trên 876 tỷ đồng. Bình Thuận cũng là địa phương có số sử dụng chưa đúng quy định lên tới hơn 316 tỷ đồng. Ngoài ra, một số địa phương được Kiểm toán Nhà nước nêu tên gồm có Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Trà Vinh... Thậm chí, theo báo cáo của ngành kiểm toán, một số địa phương còn có tình trạng báo cáo sai nguồn cải cách tiền lương được để lại từ nguồn thu học phí, viện phí và thu sự nghiệp khác. Điều này dẫn tới việc Bộ Tài chính cấp thừa nguồn cải cách tiền lương cho một số địa phương với tổng số tiền là 114 tỷ đồng.


Theo Kiến Thức

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang