Lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng không bị xử lý trách nhiệm?

author 08:47 06/02/2015

NHNN mua lại VNCB thì những nhà đầu tư coi như mất trắng. Điều hành cẩu thả và thiếu hiệu quả như vậy, bộ máy quản lý của VNCB sẽ không phải chịu trách nhiệm nào?

Mọi trách nhiệm chuyển sang chủ mới

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cho biết, sau khi mua lại Ngân hàng Xây Dựng (VNCB), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ thanh lý những tài sản còn để thanh toán các khoản nợ cho khách hàng. Còn lại thiệt hại bao nhiêu thì các cổ đông và người vay phải chia nhau để trả.

“Đó là trách nhiệm vật chất với xã hội. Nhà nước không thể bỏ tiền vào đây để chi trả thay cho những khoản nợ này” – ông Kiêm nói.

Về tiền gửi tiết kiệm của người dân, ông Kiêm cho biết, khi gửi tiền đã có luật bảo hiểm quy định. Bất cứ trường hợp nào gửi tiền vào ngân hàng, Nhà nước đều có trách nhiệm với tiền gửi của dân và phải thanh toán cho họ.

Ngân hàng Xây dựng được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng thì cổ phiếu sẽ không còn giá trị, tài sản của các cổ đông ở đây không còn gì.

Một chuyên gia nhiều năm giữ vị trí chủ chốt tại một ngân hàng thương mại cũng nhận định, việc Ngân hàng Nhà nước mua lại ngân hàng cổ phần như Ngân hàng Xây dựng vừa qua là điều ít xảy ra nhưng không phải là chưa từng có.

Điều này từng diễn ra ở một số nước. Điển hình là ở Ấn Độ cách đây vài chục năm. Khi đó, Ngân hàng Trung ương đã mua lại một số ngân hàng thương mại cổ phần và biến thành ngân hàng có vồn điều lệ 100% của nhà nước. Họ cho sáp nhập một số ngân hàng với nhau để loại trừ những ngân hàng quá yếu về năng lực tài chính.

Trên thế giới, quốc hữu hóa ngân hàng diễn ra trong bối cảnh nhà nước muốn làm gọn lại chính sách tiền tệ, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng.

“Tất nhiên, ngân hàng nhà nước mua lại một ngân hàng thương mại rất hiếm khi xảy ra” – Một chuyên gia kinh tế nói.

Vị CEO ngân hàng phân tích: Lúc này, mội đồng quản trị của ngân hàng cũ sẽ bị giải tán. Chủ đầu tư mới sẽ lập hội đồng quản trị mới. Trong trường hợp này, ngân hàng nhà nước sẽ là chủ nhân duy nhất của Ngân hàng Xây dựng, có hội đồng thành viên mới và trở thành công ty TNHH một thành viên. Hội đồng thành viên mới vẫn có thể xem xét giữ lại người nào đó trong hội đồng thành viên.

Trách nhiệm dân sự cũng như các khoản nợ từ những giao dịch trước của ngân hàng cũ được chuyển qua cho chủ mới. Chủ mới phải chịu trách nhiệm về tiền gửi của người dân cũng như các khoản nợ liên quan, thuế của Chính phủ, tiền lương người lao động, tiền nợ của những nhà cung cấp dịch vụ. Tất cả tài sản của ngân hàng cũ cũng được chuyển qua ngân hàng mới như: tiền mặt, bất động sản, các khoản đầu tư,...

Những cổ đông của ngân hàng cũ bị mất hết quyền sở hữu cổ phần của mình. Nếu những cổ đông này vẫn vay của ngân hàng cũ thì họ phải chịu trách nhiệm trả khoản nợ này cho ngân hàng mới. Những người vay tiền của ngân hàng cũ cũng trở thành con nợ của ngân hàng mới.

Bộ máy cũ rũ bỏ trách nhiệm?

Nếu ban lãnh đạo cũ gây ra những sai phạm trong ngân hàng cũ, vị chuyên gia cho biết, có 2 loại trách nhiệm đối với họ. Trách nhiệm thương mại và trách nhiệm hình sự.

Với những tổn hại cho ngân hàng cũ liên quan đến trách nhiệm hình sự, họ sẽ tiếp tục bị cơ quan công an, tư pháp, tòa án điều tra, xử lý. Họ phải chịu trách nhiệm hình sự dù ở bất kỳ đâu.

Về trách nhiệm thương mại, nếu ban quản trị cũ gây ra nợ xấu, thiệt hại cho ngân hàng, điều đó nằm trong giá trị cổ phiếu. Khi này, giá trị cổ phiếu giảm, người đầu tư mới chấp nhận mua cổ phiếu ở một mức giá nào đó thì trách nhiệm thương mại của ban lãnh đạo cũ sẽ chấm dứt tại thời điểm cổ phiếu được chuyển nhượng. Cá nhân những người nằm trong ban điều hành ngân hàng cũ vẫn nợ tiền ngân hàng cũ thì nợ đó sẽ chuyển qua ngân hàng mới.

Như vậy, trách nhiệm thương mại có thể được chấp dứt khi nhà đầu tư mới chấp nhận mua cổ phiếu. Riêng trách nhiệm hình sự, những người gây ra sai phạm ở ngân hàng cũ không thể rũ bỏ.

Theo luật sư Trịnh Anh Dũng (Trưởng Văn phòng luật sư Trịnh – Hà Nội), khi ngân hàng được mua với giá không đồng, có nghĩa là nó đã rơi vào tình trạng phá sản. Đúng ra, theo luật, trong trường hợp này, ngân hàng này đã tuyên bố phá sản. Các cổ đông mặc nhiên đã mất hết vốn. Khách hàng gửi tiền vào Ngân hàng Xây Dựng đương nhiên bị mất tiền. Khách hàng chỉ được thụ hưởng tiền bảo hiểm, mức cao nhất là mỗi người được 50 triệu.

Tuy nhiên việc Ngân hàng Nhà nước mua lại Ngân hàng Xây Dựng là để giữ sự cân đối cho hệ thống ngân hàng. Bởi nếu để một ngân hàng sụp đổ có thể gây hiệu ứng dây chuyền.

Đối với cổ đông, họ không còn nghĩa vụ quyền lợi nào tại ngân hàng. Coi như họ là người đầu tư mất trắng. Chỉ những người điều hành, liên quan đến sai phạm để xảy ra thiệt hại mới bị xem xét tiếp tục xử lý.

Theo Khampha

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang