Lao động hợp đồng làm thay công chức: Vì đâu?

author 07:02 20/08/2014

(VietQ.vn) - Do đơn vị quá tải với công việc được giao song cũng có thể số công chức đã tuyển không làm được việc nên buộc phải ký thêm lao động hợp đồng để thế chỗ.

Ông Phan Đăng Long, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, chia sẻ sau kết luận kiểm tra mới đây của Sở Nội Vụ  cho thấy hiện có hàng nghìn lao động hợp đồng đang làm công tác chuyên môn thay cho công chức.

Công chức không làm được việc nên phải tuyển lao động hợp đồng thế chỗ

Theo ông Long, việc tuyển hợp đồng lao động tại các cơ quan công vụ không còn là chuyện xa lạ. Vấn đề chúng ta đang cần cơ chế chính sách sách hợp lý để ban hành chung trong cả nước về điều kiện sử dụng lao động hợp đồng như thế nào.

“Theo tôi được biết, hiện rất nhiều nước đã không còn sử dụng chế độ biên chế mà thay vào đó khu vực hành chính công đều tuyển người dưới dạng hợp đồng. Ví như tôi đáp ứng được công việc thì ký hợp đồng tiếp còn không đủ năng lực thì sẽ chấm dứt hợp đồng cho thôi việc. Song dù tuyển hợp đồng, nhà nước cũng phải đảm bảo chi trả đầy đủ chế độ tiền lương, bảo hiểm  cho lao động”, ông Long nói.

Lý giải chuyện nhiều ban ngành, quận huyện ồ ạt tuyển lao động hpj đồng đảm đương công việc chuyên môn thay cho công chức, ông Long đưa ra 2 trường hợp: Theo đó có thể do đơn vị hiện thiếu biên chế nhưng thi tuyển lại không được, trong khi chưa tuyển được thì phải tuyển thêm lao động hợp đồng để đảm bảo khối lượng công việc được giao.  Tuy nhiên, đối với những nơi đã đủ biên chế song vẫn tuyển thêm lao động hợp động thì cũng có nghĩa “số đủ” này chưa đáp ứng được công việc.

“Đã có người nói hiện bộ máy công vụ có khoảng 30% công chức không làm được việc, tuy nhiên đã vào biên chế thì không tìm cách nào để đuổi được người ta! Mà đã không đảm nhận được thì buộc người đứng đầu phải tuyển thêm lao động hợp đồng để làm việc thế chỗ thôi”, vị Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy nói.

Theo thống kê của Sở Nội vụ Hà Nội, trong các sở ngành, quận huyện của thành phố có trên trên 10.000 lao động hợp đồng. Các sở sử dụng nhiều lao động hợp đồng nhất là Tài nguyên - Môi trường, Quy hoạch - Kiến trúc, Giao thông vận tải, Xây dựng. Ở cấp quận, huyện trong đó có Thạch Thất sử dụng 112 lao động hợp đồng, Hai Bà Trưng 83 lao động hợp đồng, Mỹ Đức 59 lao động hợp đồng, Thanh Xuân và Hoàn Kiếm cũng có trên 50 lao động hợp đồng.

Thực trạng cho thấy nhiều đơn vị không hoàn thành kế hoạch biên chế được giao, số lượng cán bộ công chức hiện còn thấp hơn chỉ tiêu nhưng lại sử dụng lao động hợp đồng tạm thời thay cho số công chức còn thiếu.

Trong khi đó nhiều đơn vị còn thiếu công chức so với chỉ tiêu biên chế được giao nhưng chưa đăng ký tuyển dụng hết số biên chế thiếu tại các kỳ tuyển dụng hàng năm. Tuy nhiên, lại có những lao động hợp đồng tạm thời không nộp hồ sơ đăng ký tuyển dụng hoặc dự tuyển nhưng không trúng tuyển lại vẫn làm việc theo hợp đồng lao động.

Một số đơn vị sử dụng số lao động hợp đồng vượt quá chỉ tiêu biên chế được giao. Bên cạnh đó một số đơn vị sử dụng lao động không đúng với hình thức hợp động lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn thay cho công chức.

 

 

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang