Lao động nước ta chỉ 'vàng' về lượng chứ chưa 'vàng' về chất?

author 18:41 01/11/2018

(VietQ.vn) - TS. Nguyễn Văn Thuật cho biết, 77% lực lượng lao động của nước ta không có chuyên môn kĩ thuật. Vậy có thể khai thông nút thắt này trong "một sớm một chiều"?

Liên quan đến vấn đề "Vị thế và cầu lao động giản đơn ở nước ta trong thời đại CMCN 4.0", TS. Nguyễn Văn Thuật - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có cuộc trao đổi tại Diễn đàn khoa học "Việc làm, tiền lương và NSLĐ Việt Nam trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0".

 TS. Nguyễn Văn Thuật chia sẻ về vấn đề vị thế và cầu lao động nước ta trong cuộc CMCN 4.0. Ảnh: NCIF

Gần 77% lực lượng lao động của cả nước không có trình độ chuyên môn kỹ thuật

TS. Nguyễn Văn Thuật cho biết, nước ta là quốc gia đang hội nhập quốc tế sâu rộng và nền kinh tế có độ mở cao, nhưng "lao động trong nền kinh tế nước ta chỉ “vàng” về số lượng, chứ chưa “vàng” về chất lượng", bởi có gần 77% (hơn 43 triệu lao động) lực lượng lao động của cả nước không có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Đây là một nút thắt lớn trong trục phát triển kinh tế - xã hội của nước ta và được cho là không dễ khai thông trong “một sớm một chiều” bởi một lực lượng lao động giản đơn vẫn còn quá đông như đã nêu và chưa có dấu hiệu giảm nhanh trong suốt hàng thập kỷ qua. Có thể phác họa bức tranh về thực trạng của loại hình lao động này trên 2 bình diện sau đây:

Về số lượng

Với hơn 43 triệu lao động giản đơn hiện nay, phần lớn không phải là lao động làm công ăn lương trong khu vực chính thức, mà chủ yếu là những lao động nông nghiệp, lao động tự do, lao động trong khu vực phi chính thức. Có nhiều con số, tiêu chí để minh chứng cho vấn đề này, chẳng hạn như: lực lượng lao động hiện nay của nước ta ước tính hơn 56 triệu người, trong đó có hơn 23 triệu người là lao động làm công ăn lương trong khu vực chính thức, trong số hơn 23 triệu lao động này thì phần lớn là lao động đã qua đào tạo.

Số liệu thống kê cho thấy, số lao động giản đơn hàng năm của nước ta gần như không giảm (ở các năm 2015-2017) hoặc giảm còn rất chậm, giảm không đáng kể trong giai đoạn 2012-2017. Đây thực sự là báo động “đỏ” đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong bối cảnh CMCN 4.0 có tác động ngày càng mạnh đến nền kinh tế nước nhà nếu chúng ta không có giải pháp phù hợp và đột phá để giảm nhanh số lao động giản đơn theo hướng tăng lao động có trình độ, tay nghề phù hợp với nhu cầu xã hội. Minh chứng cho điều này là lực lượng lao động nói chung của cả nước vẫn tăng nhanh, trong khi lao động giản đơn giảm chậm hoặc chững lại. Cụ thể, lực lượng lao động của nước ta năm 2017 đã tăng thêm 2,9 triệu người so với năm 2012, trong khi lao động giản đơn chỉ giảm được 0,5 triệu người năm 2017 so với năm 2012.

Xét về cơ cấu lao động giản đơn theo khu vực thành thị/nông thôn năm 2017 cho thấy, lao động giản đơn ở nông thôn cao gấp 3 lần so với thành thị (75% đối với nông thôn, 25% đối với thành thị). Đây được cho là một lực cản lớn đối với việc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở nước ta. Xét theo giới tính thì có sự khá cân đối giữa nam và nữ (50,3% với nam, nữ 49,7%).

Mặc dù hơn 98% lao động giản đơn có việc làm (42,4 triệu người) nhưng loại hình lao động này được cho là có số lượng lao động thiếu việc làm nhiều nhất và chủ yếu thực hiện những công việc không ổn định, công việc có thu nhập thấp. Đặc biệt là lao động ở nông thôn và lao động nông thôn di cư ra đô thị. 

Về tố chất và kỹ năng mềm

Về tố chất, tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, “hay lam hay làm” trong lao động sản xuất là tố chất, đức tính của người Việt Nam nói chung, người lao động nước ta nói riêng. Do đó, nếu lao động giản đơn được đào tạo chuyên môn kỹ thuật hay giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu xã hội để chuyển sang vị thế lao động cao hơn thì nền kinh tế của nước ta đã có sự phát triển nhanh và bền vững hơn.

Tuy nhiên, công tác đào tạo và giáo dục nghề nghiệp cho loại hình lao động này của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế do cả yếu tố chủ quan lẫn khách quan nên tố chất của người Việt nói chung vẫn còn chưa được tận dụng và phát huy triệt để. Con số hơn 43 triệu lao động giản đơn, chiếm gần 77% lực lượng lao động của cả nước là minh chứng rõ nhất về vấn đề này.

Về kỹ năng mềm, bên cạnh tố chất của người lao động còn chưa được tận dụng và phát huy như đã nêu trên, điều đáng lo ngại nữa đối với lao động giản đơn chính là kỹ năng mềm còn rất yếu. Như vậy, lao động giản đơn của nước ta đang đứng trước vấn đề kép: vừa yếu kỹ năng cứng (không có chuyên môn kỹ thuật), vừa yếu kỹ năng mềm (thiếu kỹ năng giao tiếp, làm việc theo nhóm, quản lý thời gian và làm người khác hài lòng,...).

Khảo sát mới đây của Viện Khoa học Lao động và Xã hội về “Nhu cầu về kỹ năng trong kỷ nguyên công nghệ mới” tại doanh nghiệp đã cho thấy, việc thiếu kỹ năng mềm ở người lao động đang ở mức nghiêm trọng hơn thiếu kỹ năng cứng, bởi các kỹ năng kỹ thuật có thể được đào tạo tại doanh nghiệp nhưng kỹ năng mềm cần cả một quá trình mới đạt được.

Công nghệ dần dần thay thế sức lao động

Xét về vị thế của lao động giản đơn, để đảm bảo phục vụ những nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội, lao động giản đơn trong một số ngành, lĩnh vực dịch vụ luôn giữ vị thế và vai trò khá quan trọng trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào của kinh tế thị trường ở mỗi quốc gia. Thời đại CMCN 4.0 là một giai đoạn mới của tiến trình phát triển kinh tế thị trường.

Nghiên cứu cho thấy, trong thời đại này, dù robot, nhà máy thông minh hay dây chuyền sản xuất hiện đại hoàn toàn có thể thay thế, làm tốt hơn người lao động ở một số công việc nhất định. Nhưng điều này sẽ không thể diễn ra theo hướng một chiều là việc làm truyền thống trong một số ngành nghề giảm đi, thậm chí sẽ mất đi, mà bên cạnh đó là xu hướng việc làm mới cũng được tạo ra cho người lao động nói chung, lao động giản đơn làm việc trong một số ngành, lĩnh vực dịch vụ phục vụ những nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội ngày càng đa dạng ở các đô thị nước ta nói riêng, như lao động phục vụ trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn; lao động giúp việc gia đình; lao động làm việc thông qua công nghệ kết nối cung cầu như của Grab và Go-Viet,...

Do vậy, vị thế và vai trò của lao động giản đơn trong một số ngành, lĩnh vực như đã nêu trên được cho là ngày càng nâng tầm trong thời kỳ đầu của CMCN 4.0 ở nước ta.

Xét về cầu lao động giản đơn, thực tế và dự báo cho thấy, CMCN 4.0 đã có tác động nhất định và tác động ngày càng nhanh đến các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, chính trị tại nước ta, trong đó lĩnh vực lao động, việc làm được cho là ngày càng bị tác động mạnh bởi công nghệ hiện đại đang có sự phát triển vượt bậc. Các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp không thể không quan tâm ứng dụng vào sản xuất để đạt được năng suất cao hơn trong phát triển. Do đó, điều này đang bắt đầu làm thay đổi môi trường làm việc nói chung, môi trường sản xuất nói riêng và được cho là sẽ có tác động mạnh đến cơ cấu, vị trí việc làm của lao động làm công ăn lương ở nước ta. Cụ thể là robot dần dần thay thế nhân lực trong nhà máy, trí tuệ nhân tạo dần dần thay thế nhân viên văn phòng trong một số lĩnh vực nhất định,...

Trong khi lực lượng lao động giản đơn của nước ta hiện nay vẫn còn rất lớn và phần lớn là lao động nông nghiệp, lao động tự do, lao động trong khu vực phi kết cấu. Điều này chứng minh rằng cầu loại hình lao động này đã khá ít trong khu vực chính thức, nay sẽ càng ít hơn bởi các doanh nghiệp, nhà máy đều phải chú ý đến xu hướng áp dụng tự động hóa nói riêng, công nghệ hiện đại đa tiện ích nói chung để nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của mình, điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân lực không phù hợp. Điển hình như doanh nghiệp trong ngành dệt may, điện tử và lắp ráp xe hơi, xe gắn máy ở nước ta hay như taxi truyền thống đang phải đối mặt với việc bị giảm mạnh doanh thu và qua đó giảm lao động bởi sự ra đời và phát triển của Grab và Go-viet,...

Từ những điều nêu trên có thể thấy, dù vị thế của lao động giản đơn trong một số ngành, lĩnh vực dịch vụ được nâng tầm nhưng nhu cầu nhân lực giản đơn nói chung trong doanh nghiệp, nhà máy ở nước ta sẽ ngày càng giảm mạnh bởi giới chủ các công ty, nhà máy đang dịch chuyển từ tận dụng lao động giản đơn, giá rẻ sang tận dụng máy móc hiện đại. Nói cách khác, các thiết bị tự động hóa xuất hiện ngày càng nhiều tại các doanh nghiệp, nhà máy đồng nghĩa với việc làm của người lao động sẽ ít đi.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế, cộng đồng ASEAN đang trong giai đoạn chuyển đổi; công nghệ dần dần thay thế sức lao động. Hai ngành sẽ chịu tác động nhiều nhất trước xu hướng tự động hóa là dệt may, da giày và điện tử. Trong đó, dự báo khoảng 86% người lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc cao vì đây là ngành có đặc điểm chủ yếu là sử dụng lao động giản đơn, có kỹ năng tay nghề thấp và 3/4 lao động làm công ăn lương trong ngành sản phẩm điện - điện tử có thể sẽ bị thay thế bởi robot,...

Như vậy, dù vị thế của lao động giản đơn trong một số ngành, lĩnh vực dịch vụ ở nước ta ngày càng được khẳng định về chất bởi nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội ngày càng phong phú và đa dạng, nhưng xu hướng phát triển của cuộc CMCN 4.0 đòi hỏi cấp bách nước ta ngày càng phải giảm nhanh số lao động giản đơn theo hướng tinh gọn lại để gia tăng nhanh lao động có trình độ, tay nghề phù hợp với nhu cầu xã hội. Đây là yêu cầu khách quan, cấp bách và cũng là cơ hội tốt để nước ta giảm nguồn cung lao động lớn về lượng, thấp về chất bằng cách đào tạo, bồi dưỡng có chọn lọc nguồn nhân lực này. Cụ thể là đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, tay nghề, kỹ năng cho lao động giản đơn vừa để đáp ứng tốt nhu cầu thiết yếu trong đời sống xã hội, vừa là cơ sở để mỗi lao động tự khẳng định mình để có thể gia nhập vào vị thế của loại hình lao động cao hơn mà sự phát triển đang cần, vừa để thúc đẩy bình đẳng xã hội, vừa để tận dụng tối đa cơ hội mà CMCN 4.0 tạo ra. Nếu không, nước ta sẽ đối diện với nguy cơ về một bức tranh lao động tự do, lao động trong khu vực phi kết cấu ngày càng phình ra trong nền kinh tế với nhiều tiềm ẩn khó lường do thích nghi thụ động vào sân chơi của CMCN 4.0.
Phương Mai
 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang