Tăng giá vé xe buýt để khuyến khích người dùng?

author 06:42 25/11/2013

Sở GTVT Hà Nội vừa đưa ra đề xuất dự kiến phương án điều chỉnh tăng giá vé xe buýt, trong đó mức tăng cao nhất lên tới 43%.

Bên cạnh những ý kiến cho rằng việc tăng là cần thiết, có quan điểm cho rằng tăng như vậy là chưa phù hợp, và cơ quan chức năng cần phải xem xét lại lộ trình.

Lý do tăng giá chưa thuyết phục…

Theo đề xuất của Sở GTVT Hà Nội, đối với vé lượt cự ly tuyến dưới hoặc bằng 25km giá vé hiện tại là 5.000 đồng điều chỉnh tăng lên 7.000 đồng, tăng 40%. Cự ly tuyến từ 25 - 30km tăng từ 6.000 đồng lên 7.000 đồng, tăng 16%. Cự ly tuyến trên 30km tăng từ 7.000 đồng lên 8.000 đồng, tăng 14%.

Đối với vé tháng, đối tượng ưu tiên là học g, tăng 11%. Đối tượng không ưu tiên đi 1 tuyến, giá vé tăng từ 90.000 đồng lên 100.000 đồng/tháng, tăng 11% . Liên tuyến từ 140.000 đồng - 200.000 đồng/tháng, tăng 43%.

Nếu được chấp thuận, phương án điều chỉnh giá vé nói trên sẽ được áp dụng từ ngày 1 - 1 - 2014.

Trước đó, ngày 1 - 10 - 2012, giá vé xe buýt cũng đã tăng từ 3.000 đồng/lượt lên 5.000 đồng/lượt/tuyến và mức tăng giá vé liên tuyến không ưu tiên cũng tăng mạnh, từ 80.000 đồng/tháng lên 140.000 đồng/tháng.

“Lý giải” về nguyên nhân tăng giá, Sở GTVT cho rằng, việc tăng giá cũng nhằm giảm gánh nặng trợ giá cho ngân sách TP. Được biết, hàng năm ngân sách TP Hà Nội trợ giá cho vận tải hành khách công cộng một khoản rất lớn: Năm 2010 là 621 tỷ đồng, năm 2011 là 1.332 tỷ đồng, năm 2012 là 1.020 tỷ đồng và dự kiến năm 2013 tăng lên 1.134 tỷ đồng.



Song đề xuất tăng giá vé xe buýt như trên đang vấp phải những ý kiến không đồng thuận. Nhiều ý kiến cho rằng, lý do tăng giá xe buýt mà cơ quan chức năng đưa ra, trong giai đoạn hiện nay là chưa thuyết phục. Bởi lẽ, nhìn chung ở bất kỳ quốc gia nào phương tiện giao thông công cộng đều được Nhà nước trợ giá.

Tại Việt Nam, việc trợ giá, bù lỗ cho loại hình vận tải công cộng xuất phát từ mục đích an sinh xã hội. Góp phần xây dựng văn hóa giao thông; giảm thiểu ùn tắc và TNGT trong TP; thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội… Việc trợ giá như vậy, tùy theo khả năng tài chính của Nhà nước nói chung và địa phương nói riêng.

Mặc dù tiền trợ giá, bù lỗ đều là tiền thuế của người dân đóng góp nhưng không nhất thiết cứ phải thu được thuế mới phát triển giao thông công cộng, mà việc đó phụ thuộc vào tiềm lực kinh tế của Nhà nước ở từng giai đoạn, từng thời kỳ. Thực tế đã chứng minh, không thiếu những công trình giao thông kỳ vĩ, hay chế độ an sinh xã hội tốt được triển khai thực thi trong những điều kiện đất nước khó khăn. Cũng giống như việc doanh nghiệp muốn mở rộng đầu tư sản xuất thì không phải là ngồi “chờ” thu được tiền từ khách hàng, mới có thể triển khai.

Thời điểm nào thì hợp lý?

Những năm gần đây, TP Hà Nội và TP HCM mở rộng địa giới, nên nhu cầu phát triển xe buýt trở nên cấp thiết. Nhu cầu đi lại của người dân không ngừng tăng nên, việc phát triển xe buýt phù hợp với nguyện vọng của người dân, góp phần hạn chế việc sử dụng phương tiện cá nhân.

Tuy nhiên, việc phát triển xe buýt cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó chủ yếu là vấn đề tăng áp lực cho ngân sách TP.  Mặt khác, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào xe buýt ở Hà Nội cũng chậm hơn ở TP HCM, nên áp lực và gánh nặng cho ngân sách Nhà nước lại càng lớn. Hơn nữa, việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc vận hành xe buýt cũng rất chậm nên chưa giảm được nhân lực lao động và không tiết kiệm được quỹ lương…  Trong một bối cảnh nguồn thu ngân sách hạn hẹp, nhiều doanh nghiệp đóng cửa, hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh, thậm chí nợ thuế, trốn thuế… Nhiều chuyên gia kinh tế cũng nhận định, khả năng năm nay Hà Nội không đạt kế hoạch thu, trong vòng 2 năm tới tình hình này cũng khó được cải thiện. Trong khi đó, nhu cầu phát triển xe buýt đã trở nên cấp bách, đòi hỏi ngân sách rất lớn.  Xuất phát từ những “khó khăn” trên, Sở GTVT Hà Nội đã “buộc” phải đề xuất tăng giá cước xe buýt, nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách TP, cũng như phát triển loại hình vận tải công cộng. Trong đó có việc mở thêm tuyến, đầu tư thêm phương tiện thì việc tăng thêm 40% giá cước hiện tại, thì ngân sách TP thu cũng không đủ bù chi. Vì vậy việc tăng giá cước, cũng sẽ không hi vọng nhiều trong việc nâng cao chất lượng.

Nhiều người khi được hỏi cũng đồng ý với việc tăng giá vé xe buýt, nhưng điều kiện kèm theo là phải kết hợp với cải thiện chất lượng phục vụ. “Không khó để nhận thấy, xe buýt Hà Nội, dẫu có được cải thiện song vẫn còn cảnh chen chúc giờ cao điểm; phụ xe, lái xe ứng xử thiếu văn hóa với khách… Chất lượng cao thì tăng giá là chuyện bình thường. Nhưng với chất lượng bình thường thì giá cũng cần hợp lý” – anh Nguyễn Văn Thành, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, bày tỏ.

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cho rằng việc điều chỉnh tăng giá xe buýt trong điều kiện hiện tại là chưa phù hợp.  Trước “thực trạng” trên, TP Hà Nội nên xem xét bối cảnh kinh tế xã hội để có lộ trình thích hợp khi điều chỉnh giá cước xe buýt. Mặt khác, cũng cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân biết những “khó khăn” về tài chính, từ đó mới nhận được sự đồng thuận của nhân dân.

Theo PLXH

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang