Lập quy hoạch vùng ĐBSCL để huy động hiệu quả mọi nguồn lực

author 07:07 24/11/2020

(VietQ.vn) - Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (vùng ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch, nhằm sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho khu vực này.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, là vùng đồng bằng trù phú nhưng chưa bao giờ ĐBSCL đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Gần đây, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu đã gây sức ép lên hệ thống hạ tầng, các đô thị và không gian sống của người dân ĐBSCL, làm tăng nguy cơ thảm họa thiên nhiên tại khu vực này.

Hội nghị tham vấn “Dự thảo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” sẽ diễn ra vào ngày 26/11 tại Cần Thơ

Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên vùng và liên tỉnh trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển Vùng ĐBSCL đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước.

Quy hoạch này cũng đặt mục tiêu giải quyết các vấn đề mất cân đối chính trong phát triển vùng ĐBSCL, bao gồm: Việc cân đối an ninh lương thực và đất lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu; việc chuyển đổi kết cấu hạ tầng để phù hợp với chuyển đổi mô hình phát triển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, còn có 6 điểm chưa được thống nhất trong quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

6 vấn đề đó bao gồm: việc xác định vai trò, vị thế của vùng ĐBSCL; phương án phân tiểu vùng; về việc giảm đất trồng lúa; về phát triển thủy sản; về các trung tâm đầu mối; về định hướng phát triển đô thị.

Để xây dựng nội dung quy hoạch, Bộ KH&ĐT đã tổ chức 17 cuộc hội thảo, 12 cuộc họp chính thức với Bộ, ngành, địa phương trong vùng ĐBSCL và nhiều hội thảo, tọa đàm với các chuyên gia trong nước, quốc tế.  Trong đó có 3 hội thảo chuyên đề (Về tài nguyên nước; Phân vùng phát triển của ĐBSCL; Kết cấu hạ tầng ĐBSCL). Đây là những hội thảo khung định hướng chung phát triển ĐBSCL, để hình dung hướng đi và mục tiêu chiến lược của vùng ĐBSCL trong thời gian tới- Thứ trưởng cho biết thêm.

Hiện bản Dự thảo quy hoạch đã xong. Điều cơ bản là đảm bảo sự đồng thuận cao nhất từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là của 13 địa  phương trong vùng. Vì vậy, hội thảo mời lãnh đạo của 13 địa phương này tham dự. Ý kiến của các địa phương là hết sức quan trọng để Bộ và cơ quan tư vấn hoàn thiện dự thảo trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.”- Thứ trưởng khẳng định.

Quy hoạch vùng ĐBSCL là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch. Chính vì vậy, quá trình tham vấn ý kiến, đặc biệt là ý kiến của các địa phương trong vùng ĐBSCL là hết sức cần thiết và có ý nghĩa để bản quy hoạch phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân trong vùng, thực sự giúp tháo gỡ những vấn đề nút thắt phát triển, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình lập và triển thực hiện quy hoạch - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Để có cơ sở hoàn thiện dự thảo quy hoạch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, tổ chức thẩm định và phê duyệt trong tháng 12.2020, Bộ KHĐT tổ chức Hội nghị Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 26/11/2020 tại Cần Thơ do Bộ trưởng Bộ Kế hoach & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì.

 Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang