Lập thêm công ty quản lý tài sản công: “đẻ mâm, đẻ bát”?

author 09:09 16/12/2013

(VietQ.vn) - Thêm một tổ chức quản lý tài sản công liệu có giải quyết được thực trạng thâm hụt ngân sách, nợ công tăng? Hay chỉ là đẻ thêm một bộ máy cồng kềnh nữa?

Ý tưởng thành lập công ty quản lý tài sản công, của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) mới đưa ra nhưng đã có nhiều ý kiến khác nhau từ chuyên gia kinh tế.

Mô hình tốt mới hiệu quả

Đại diện VAFI cho biết, Hiệp hội này sẽ gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và cơ quan chức năng về ý tưởng thành lập công ty quản lý tài sản công trong thời gian tới.

Theo đó, việc mua sắm trang thiết bị lớn và thông dụng của cơ quan hành chính nhà nước như xây dựng cơ bản, ô tô, máy vi tính… sẽ được tập trung vào một đầu mối là Công ty Quản lý tài sản công.

Với mô hình này, việc mua sắm  tài sản công sẽ được tập trung với khối lượng lớn, nhờ đó sẽ tiết giảm được chi phí do giá mua khối lượng lớn bao giờ cũng thấp hơn nhiều so với mua phân tán như hiện nay.

Ngoài ra, việc mua sắm tài sản công theo mô hình này cũng sẽ giúp cho việc kiểm soát giá cả và chất lượng được tập trung hơn so với việc để các đơn vị tự mua sắm như hiện nay.

Đồng tình với ý tưởng trên, TS Lê Thẩm Dương (ĐH. Ngân hàng TP.HCM), cho rằng không phải vô cớ mà đề xuất trên được đưa ra trong tình hình tái cơ cấu giải quyết nợ công hiện nay. Liên hệ với sự kiện thành lập Công ty quản lý tài sản các Tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) với mục đích xử lý nợ xấu, TS Dương phân tích: Việc xử lý nợ xấu cũng đã được phân nhiệm về các cơ quan chức năng tuy nhiên chúng ta vẫn phải thành lập công ty VAMC…

“Với mô hình công ty, hoạt động quản lý tài sản công sẽ hướng tới chuyên môn hóa, độc lập, khách quan, vì lợi ích của quốc gia chứ không phải lợi ích nhóm nào hết. Quan trọng là phải lựa chọn được mô hình tốt nhất để hoạt động công ty hiệu quả”, TS Dương nói.

thêm một công ty quản lý tài sản công chỉ thêm cồng kềnh“Đẻ bát, đẻ mâm” không giải quyết vấn đề

Theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, việc lập công ty quản lý tài sản công không thể giải quyết vấn đề thâm hụt ngân sách, tăng nợ công hiện nay.

“Một khi vấn đề đầu tư công, mua sắm tài sản công chưa được quy định thành điều luật cụ thể thì dù với hình thức mua sắm tập trung tại một đầu mối hay phân tán cho các đơn vị thì cũng không thể giải quyết vấn đề”, bà Lan nói.

Bà Lan cho rằng, hiện nay đầu tư, chi tiêu công có khối lượng lớn, dàn trải, lại thiếu sự kiểm soát chặt chẽ khiến cho hiệu quả thấp, thâm hụt ngân sách và nợ công tăng. Hệ quả là lòng tin vào việc quản lý và sử dụng tài sản, tài chính công bị suy giảm do tình trạng trên kéo dài mà không được khắc phục và càng bị xói mòn do sự kém minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình, thiếu thông tin đáng tin cậy từ phía Nhà nước, các tổ chức giám sát về vấn đề này. 

“Một khi luật về đầu tư công, luật về đấu thầu chưa được thiết lập thì chưa nên đẻ ra thêm bất kỳ tổ chức nào quản lý về tài sản công”, bà Lan nói.

“Trong bối cảnh tình hình tham nhũng chưa được cải thiện, cơ quan công quyền chưa bỏ được tư duy thích sắm đồ công thì hình thức đấu thầu vẫn là hợp lý nhất trong đầu tư, mua sắm tài sản công.”, bà Lan phân tích.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng trong tình trạng bội chi ngân sách hiện nay, việc bộ máy công quyền “đẻ” thêm những thành viên khác là không nên, nhất là khi chưa xác định được hiệu quả thực tế như thế nào.

“Với việc thành lập Công ty quản lý tài sản công thì thử hỏi Cục quản lý công sản của Bộ Tài Chính còn tồn tại để làm gì? Đó là chưa kể đã có sự phân cấp quản lý lĩnh vực này từ Trung Ương tới địa phương, mỗi cấp lại có một cơ quan chức năng chuyên về quản lý tài sản công”, ông Long nói.

Đặt giả thiết nếu ý tưởng thành lập công ty quản lý tài sản công được chấp thuận, ông Long cũng nghi ngờ về hiệu quả của mô hình hoạt động của công ty này. “Khối lượng tài sản công của cả nước lớn như thế mà giao cho một công ty quản lý liệu có đảm bảo hiệu quả? Mô hình hoạt động như thế nào? Liệu có dẫn tới tình cảnh đầu voi đuôi chuột”, ông Long phân tích.

Theo ông Long, không thể lấy lý do cơ quan quản lý nhà nước chưa đủ năng lực mà lại xin “đẻ mâm, đẻ bát” để bộ máy công quyền ngày một phình ra, hiệu quả thì chưa thấy mà chỉ thấy ngân sách bị tiêu tốn.

“Muốn cải thiện tình hình quản lý nợ công, nhà nước phải cụ thể hóa bằng các văn bản pháp luật, tập trung rà soát, siết chặt quản lý bằng các chế tài nghiêm minh. Ngoài ra, việc phân cấp rõ ràng chức năng quản lý tài sản công cũng phải được xem xét và thiết lập lại...”, ông Long cho biết.

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang