"Larry Summers" của Trung Quốc

author 14:39 14/11/2013

(VietQ.vn) - Liu He đã có tới 15 - 20 năm làm việc trong ngành tài chính. Ông có tố chất của một "kỹ sư kinh tế". Và, Trung Quốc cần tới những người như Liu He để có thể cải cách kinh tế thực sự.

 

Liu He, Larry Summers, kỹ sư kinh tế
Trung Quốc cần tới những người như Liu He để có thể cải cách kinh tế thực sự.

Trước thềm Hội nghị Trung ương 3 khóa 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhiều người cho rằng Trung Quốc sẽ thực hiện một kế hoạch cải cách sâu rộng. Liu He - chuyên gia kinh tế 62 tuổi đang giữ chức Phó giám đốc Ủy ban Cải cách và Phát triển nhà nước Trung Quốc (NDRC) - trở thành cái tên gắn liền với kế hoạch này.
Tờ Wall Street Journal gọi ông là "vị kiến trúc sư" của kế hoạch cải cách kinh tế. Có báo còn đưa tin khi cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Tom Donilon tới thăm Trung Quốc, Liu là một trong những quan chức cấp cao trợ giúp Chủ tịch Tập Cận Bình. "Ông ấy rất quan trọng đối với tôi", ông Lý đã nói như vậy về Liu He với Donilon.  
 
Trên thực tế, Liu được Chủ tịch Tập Cận Bình bổ nhiệm vào vị trí này từ tháng 3 năm ngoái và được cho là một thành viên quan trọng trong "vòng tròn quyền lực". Hai người đã có mối quan hệ từ thời thơ ấu, khi học cùng nhau ở bậc trung học. 
Tuy nhiên, Liu bắt đầu sự nghiệp của mình theo một cách không giống với các quan chức khác. Ông từng là một người lính và công nhân nhà máy. Cũng giống như ông Tập, Liu được gửi tới vùng nông thôn Manchuria trong suốt thời kỳ Cách mạng Văn hóa. 
Tuy nhiên, Liu đã vượt qua thử thách này và có được một sự nghiệp khá thành công. Là một chuyên gia kinh tế theo học chuyên ngành quản lý hành chính công ở Harvard, ông có phần lớn thời gian hoạt động ở các cơ quan chính phủ.
Làm việc ở các cơ quan này, Liu luôn là một người hoạt động năng nổ trong nhiều cải cách quan trọng của Trung Quốc trong suốt thời kỳ cải cách và mở cửa. Ví dụ, khi công tác tại Ủy Ban Quy Hoạch Phát triển Nhà nước (State Development Planning Commission), Liu đã giúp thành lập 11 chính sách lớn. Ông cũng được cho là đã tham gia vào quá trình lập nên các Kế hoạch 5 năm mà Trung Quốc thực hiện đều đặn kể từ năm 1991. 
Liu He đóng một vai trò quan trọng trong quá trình soạn thảo Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011 - 2015) mà Trung Quốc đang theo đuổi. Trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi được thực hiện từ năm 2010, Liu đã nếu chi tiết những kế hoạch sắp tới cũng như các vấn đề kinh tế và tài chính của trung Quốc. Cuộc phỏng vấn này đặc biệt đáng chú ý bởi mức độ chi tiết chứng tỏ ông là người ủng hộ việc minh bạch chính sách.
Người ta có thể nhớ đến những chi tiết quan trọng như sự cần thiết phải thúc đẩy tiêu dùng nội địa, cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao vai trò của nhà nước trong an sinh xã hội và tăng cường đô thị hóa. "Trung Quốc phải nhanh chóng thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế", ông viết.
Năm 2003, Liu trở thành phó giám đốc của Nhóm các vấn đề tài chính và kinh tế. Đây là cơ quan nội bộ chuyên cố vấn cho 7 thành viên của Ban thường vụ Bộ Chính trị đồng thời giúp đỡ Hội đồng Nhà nước cũng như Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Trung Quốc trong các công việc liên quan đến chính sách kinh tế. Những người đã từng tham gia vào nhóm này có thể kể đến những cái tên như cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo, Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn và Châu Tiểu Xuyên - người hiện đang là Thống đốc NHTW Trung Quốc và là người đứng đầu phụ trách chính sách tiền tệ.
Ấn tượng hơn, Liu từng là một trong những người quan trọng nhất giúp Trung Quốc vượt qua khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Những việc đã làm khiến ông trở thành một trong những nhà kinh tế có ảnh hưởng lớn nhất ở Trung Quốc. Nhiều phương tiện truyền thông đã gọi ông là "Larry Summers của Trung Quốc". 
Năm 2011, Liu trở thành phó giám đốc của NDRC - cơ quan nghiên cứu và cố vấn chính sách cho quá trình phát triển kinh tế. 
Nói về những thành tích ấn tượng của Liu, Cheng Li - chuyên gia cao cấp đến từ Viện Brookings - nói với tờ Wall Street Journal: "Liu He đã có tới 15 - 20 năm làm việc trong ngành tài chính. Ông có tố chất của một "kỹ sư kinh tế". Và, Trung Quốc cần tới những người như Liu He để có thể cải cách kinh tế thực sự. 

 

Theo Trí thức

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang