Lật tẩy chiêu trò ‘thổi phồng’ chất lượng sản phẩm, ‘gài bẫy’ người dùng?

author 14:09 22/10/2020

(VietQ.vn) - Mặc dù chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng) nhưng trên nhiều website và mạng xã hội, nhiều sản phẩm liên tục được quảng cáo có công dụng “điều trị” bệnh giống như loại thuốc khiến người tiêu dùng lầm tưởng về chất lượng sản phẩm.

Hàng loạt chiêu trò ‘thổi phồng’ chất lượng sản phẩm

Thời gian qua, tòa soạn Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) nhận được phản ánh về việc một số sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, mặc dù các sản phẩm này thực chất chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe nhưng trong thời gian qua, trên hàng loạt website đang được quảng cáo với hàng loạt công dụng giống với một loại “thuốc” sinh lý, dễ khiến người tiêu dùng nhầm lẫn về công dụng, chất lượng thực sự của sản phẩm.

 Ảnh minh họa.

Đặc biệt, một số website còn khẳng định sản phẩm có thể “chữa yếu sinh lý”; “điều trị rối loạn cương dương” và việc điều trị kéo dài “trong 30 ngày”.

Với mục đích thu hút người tiêu dùng mua sản phẩm, một số website còn ngang nhiên quảng cáo sản phẩm đã được “Bộ Y tế kiểm định chất lượng, cấp giấy chứng nhận, cấp phép trên toàn quốc”. Tuy nhiên, theo thông tin phóng viên thu thập được, hiện Bộ Y tế mới chỉ cấp Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm cho sản phẩm trên. Kết quả kiểm định, chất lượng thực tế của sản phẩm ra sao thì cần hậu kiểm và có kết quả tin cậy từ cơ quan chức năng mới có thể kết luận được. Do vậy, việc quảng cáo này là thiếu cơ sở. 

Chưa dừng lại ở đó, một số website còn quảng cáo sản phẩm bằng cách sử dụng hình ảnh, thư tín của bệnh nhân, hình ảnh bác sĩ, hình ảnh diễn viên (diễn viên Bảo Anh), người nổi tiếng (Biên tập viên Việt Khuê – Đài truyền hình Việt Nam).

Ai chịu trách nhiệm?

Theo Mục b, Khoản 3 và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012, các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”.

Ngoài ra, Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 cũng quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế”.

Bảo Bình

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang