Lật tẩy chiêu trò 'vẽ bệnh, nhân bản kết quả' tại Phòng khám đa khoa Hà Nội

author 09:26 05/09/2019

(VietQ.vn) - “Vẽ bệnh”, kê đơn thuốc với số tiền lên đến nhiều triệu đồng rồi yêu cầu bệnh nhân mua thuốc, chữa trị là những gì chúng tôi ghi nhận được tại Phòng khám đa khoa Hà Nội.

Phòng khám Đa Khoa Hà Nội (PKĐK Hà Nội) có địa chỉ ở đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội được quảng cáo với đội ngũ y, bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ y tế đầu ngành. Thế nhưng, việc bệnh nhân không có bệnh nhưng lại được những người này "vẽ bệnh" đang gây nên sự ngờ vực, nỗi lo lắng của người dân mỗi khi chọn địa chỉ này để khám, chữa bệnh.

Bác sỹ đầu ngành “bắt” người khỏe mạnh phải có bệnh

Bất đắc dĩ, những ai không may mắn bị ốm đau, bệnh tật thì phải tìm đến bệnh viện, cơ sở y tế, phòng khám tư nhân…để thăm khám và điều trị. Họ bị tổn thất về tinh thần, vật chất, may mắn có người khỏi bệnh, số khác vẫn phải gánh hậu quả “tiền mất tật mang”, trăm bề cay đắng.

Bởi nạn nhân là những người bệnh có hoàn cảnh nghèo, họ bị tiền mất tật mang khi không may đến sai, nhầm các địa chỉ khám bệnh thiếu uy tín. Những địa chỉ phòng khám này “vẽ bệnh, chặt chém” một cách vô tội vạ đối với những “người cùng khổ”.

Phòng Khám Đa khoa ở đường  Nguyễn Trãi (Thanh Xuân - Hà Nội) 

Mới đây, Báo Gia đình Việt Nam tiếp tục nhận được phản ánh của nhiều bệnh nhân về việc Phòng khám Đa Khoa Hà Nội (PKĐK Hà Nội) ở đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội có nhiều dấu hiệu sai phạm.

Phóng viên (PV) báo Gia đình Việt Nam đã vào cuộc để ghi nhận thực tế liệu có diễn ra như những gì được phản ánh hay không. Tìm hiểu trên trang web có địa chỉ dakhoahanoi.net. Qua hệ thống “chat”, sau khi trình bày vài triệu chứng như đi tiểu dắt, tiểu buốt, có ra mủ ở đầu dương vật mà do phóng viên tự "bịa ra", ngay lập tức phóng viên được bộ phận tư vấn viên, bác sĩ tư vấn “khả năng bị bệnh lậu”.

Quá trình “chát”, PV được cấp một mã số khám bệnh qua tin nhắn để đăng ký lịch khám bệnh trước. Có được mã số khám bệnh, PV có mặt tại PKĐK Hà Nội để tiến hành khám bệnh như bao bệnh nhân khác.

Từ đây, quá trình thăm khám, chúng tôi đã vạch trần những dấu hiệu sai phạm với chiêu trò “vẽ bệnh” nhằm mục đích giữ chân và “moi tiền” người bệnh tại  PKĐK Hà Nội tồn tại lâu nay nhưng cơ quan chức năng không hề hay biết.

Để kiểm chứng những thông tin phản ánh và có bằng chứng khách quan, vạch trần những thủ đoạn “phòng khám rởm” này, chúng tôi đã vào cuộc ghi nhận thực tế.

Đầu giờ chiều ngày 12/08/2019, PV có mặt tại PKĐK Hà Nội như lịch đã đăng ký qua hệ thống Chat trực tuyến với bộ phận tư vấn của phòng khám.

Khoảng 10 phút ngồi đợi, PV được một nhân viên phòng khám dẫn vào phòng riêng. Tại đây có một người đàn ông mặc áo Blu xưng là bác sĩ khám cho PV.

Trình bày vài triệu chứng những biểu hiện của bệnh lậu mà PV tìm hiểu được, người này yêu cầu kiểm tra dương vật và lấy mẫu “tinh dịch”.

Bác sĩ Nguyễn Phương Hồng - người được quảng cáo là bác sĩ đầu ngành chuyên khoa nam học nhưng lại "vẽ bệnh" cho phóng viên (Ảnh: cắt từ video). 

Sau khi lấy xong “dịch đồ”, PV được yêu cầu lấy máu và nước tiểu để làm xét nghiệm.

Khoảng gần 1 giờ đồng hồ chờ đợi, PV được gọi vào phòng gặp người đàn ông lúc đầu đứng ra thăm khám. Mặc dù PV chưa nhận được kết quả khám bệnh nhưng 1 trong 2 nhân viên ngồi ở phòng khám này đã yêu cầu PV mua thuốc chữa bệnh.

Nữ nhân viên nói: “Không có lậu nhưng viêm đường tiết niệu nặng. Bây giờ em còn bao nhiêu kinh phí”?.

PV đáp:  Em còn 500.000 đồng.

“Có thẻ không (thẻ ngân hàng- PV)?” - nữ nhân viên tiếp tục gợi ý để PV phải đóng tiền chữa trị.

“Thế bác sẽ cho em bơm một liều virus hết 1, 8 triều đồng để đẩy virus ra ngoài” – nữ nhân viên nói như ra lệnh.

Lấy lý không có đủ tiền nên gọi điện “cầu cứu” cho người nhà, PV được nữ nhân viên này thao thao rằng “chuyển thêm khoảng 2 triệu đồng nữa mới đủ kinh phí bởi vì bơm thuốc xong rồi còn lấy thuốc về uống nữa”.

Kinh phí để bơm thuốc vào niệu đạo được nữ nhân viên thông báo hết 2,5 triệu đồng cộng với tiền thuốc hết khoảng 3 triệu đồng. Nữ nhân viên này liên tục giục PV gọi cho người nhà mang tiền đến để yêu cầu chữa trị luôn.

Khi nữ nhân viên đang "phán bệnh" cho PV thì xuất hiện một người được cho là bác sĩ Nguyễn Phương Hồng bắt đầu “đọc bệnh” cho PV. Để tăng độ tin cậy cho bệnh nhân, ông Hồng lấy mô hình bộ phận sinh dục nam để giải thích các quá trình tiến triển của bệnh.

Bác sĩ Hồng khẳng định: PV bị nhiễm 02 loại vi khuẩn trong đường sinh sản là trực khuẩn Gram âm (-) và cầu khuẩn Gram dương (+) đồng thời như chị (chị nhân viên nữ) đã nói trước.

"Con may mắn là vi khuẩn chưa lên thận, thường 100 người thì có 30 người bị vi khuẩn lên thận, những người bị virus lên thận thường đau thắt lưng và sốt đùng đùng từ 39 – 40 độ C. Như của con bị đau thắt lưng là tốt. Bây giờ bơm thuốc vào, thuốc sẽ vào bóng đái và sau vài tiếng đi tiểu, thuốc sẽ chảy trực tiếp. Đồng thời cho thêm thuốc để uống rửa niệu đạo”, vị bác sỹ nói PV bị viêm tiết niệu.

Như vậy, vị bác sĩ Nguyễn Phương Hồng được quảng cáo là bác sĩ đầu ngành  chuyên khoa nam học, có nhiều đề tài nghiên cứu cấp nhà nước, Bộ, tham gia nhiều cuốn sách về y học nam khoa… nhưng khi làm việc PKĐK Hà Nội vị này tiếp xúc với người trần mắt thịt là PV hoàn toàn bình thường và khỏe mạnh lại “bắt” PV phải có bệnh.

Liên quan đến việc cá nhân bác sĩ Hồng “bắt” PV phải có bệnh, chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại với người này để có thông tin khách quan. Qua trao đổi, bác sĩ Hồng nói “không có chuyện đó đâu” rồi lấy lý do bận công việc và tắt bụp máy.

Kết quả xét nghiệm của hai người giống nhau như đúc

Để “thử tài” khám bệnh của các bác sĩ được quảng cáo là “tài, giỏi” tại PKĐK Hà Nội, sáng ngày 13/08/2019, chúng tôi đã đưa một người đến một bệnh viện uy tín nhất trên TP. Hà Nội để thăm khám bình thường, làm các kết quả xét nghiệm. Có được các kết quả xét nghiệm, các bác sĩ tại bệnh viện kết luận: Bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường, không mắc phải bệnh tật nào.

Chiều ngày 13/08/2019, chúng tôi hướng dẫn người này vào khám một cách bình thường, khách quan như bao người khác với một số biểu hiện như ngứa, tiểu buốt đầu dương vật. Một người đàn ông được cho là bác sĩ Phạm Văn Lai khám cho bệnh nhân. Qúa trình thăm khám, người đàn ông này đề nghị cắt bao quy đầu, uống thuốc sẽ hết ngứa.

Bác sĩ Phạm Văn Lai - người được quảng cáo có hơn 40 năm công tác trong ngành y nhưng lại "bắt" người khỏe mạnh có bệnh (Ảnh: cắt từ video). 

Sau khi có các kết quả xét nghiệm, người đàn ông có ký tên trong tờ giấy xét nghiệm, bác sĩ điều trị có tên Phạm Văn Lai bắt đầu phán bệnh: “Cháu bị viêm niệu đạo mủ, dài bao quy đầu. Rất nhiều bạch cầu, nhiều vi khuẩn, tế bào viêm, nấm men, nhiều lắm. Viêm niệu đạo 10 ngày là mãn tính rồi”.

“Nước tiểu không có bạch cầu là không tốt” – vị bác sĩ tiếp tục khẳng định.

Sau khi ngồi nghe đọc kết quả, một nhân viên nữ của phòng khám ngồi cạnh liên tục đề nghị bệnh nhân phải cắt bao quy đầu với các mức giá “trên trời”, sau đó mới cho tiêm thuốc kháng sinh để chữa căn bệnh mà bác sĩ Phạm Văn Lai vừa mới “bắt” được bệnh.

Khi bệnh nhân không đủ kinh phí, nữ nhân viên ngồi cạnh bác sĩ Lai liên tục thúc giục: “Thế em còn bao tiền, còn mấy trăm nghìn không, có thẻ ngân hàng không, bệnh này phải chữa trị ngay đi, để lâu ngày khó điều trị”.

Lấy lý do không có đủ tiền mang theo để điều trị, chúng tôi hướng dẫn bệnh nhân mang kết quả khám bệnh về.

Kết quả xét nghiệm của hai bệnh nhân được "nhân bản" giống nhau như đúc 

Theo tìm hiểu, bác sĩ Phạm Văn Lai được giới thiệu là Thạc sĩ chuyên ngoại khoa. Nguyên phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp và Tiết niệu Đại học Y Thái Bình với hơn 40 năm công tác trong ngành y. Bác sĩ Phạm Văn Lai có nhiều kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý nam khoa và bệnh xã hội, vậy mà, một người khỏe mạnh bình thường nhưng bác sĩ Lai lại “bắt” có bệnh.

Một điều hết sức “lạ lùng” nữa mà chúng tôi ghi nhận được là khi đối chiếu 2 kết quả của 2 “bệnh nhân” do PV Báo Gia đình Việt Nam cử đến để thâm nhập thực tế thì có kết quả giống nhau như đúc. Những chữ ký của bác sĩ Hà Văn Lân – Trưởng phòng xét nghiệm đã được đúc bằng con dấu rồi đóng cộp vào. Có thể nghi ngờ rằng những chữ ký này không xác thực, vì có thể bác sĩ Lân không có mặt mà đội ngũ nhân viên có thể ký tên, đóng dấu vô tội vạ lên các bệnh án của bệnh nhân.

Trước khi thực hiện tuyến bài này, xin nói rằng, 2 bệnh nhân này hoàn toàn khỏe mạnh, có năm sinh, chiều cao, cân nặng, quê quán khác nhau nhưng khi thăm khám tại PKĐK Hà Nội lại có kết quả xét nghiệm giống nhau. Thứ nữa, 2 người này bị các bác sĩ ở đây “vẽ bệnh”, “bắt” phải có bệnh để điều trị với mức giá "trên trời".

Để có thông tin khách quan, liên quan đến những dấu hiệu sai phạm tại PKĐK Hà Nội, PV Báo Gia đình Việt Nam sẽ cung cấp các tài liệu, vi deo hình ảnh cho Sở Y tế Hà Nội để yêu cầu đơn vị này vào cuộc, xác minh làm rõ những dấu hiệu sai phạm tại phòng khám này.

Theo Gia đình Việt Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang