Lấy chất lượng để ‘đấu’ với ‘người khổng lồ’

author 11:46 13/11/2014

Đó là giải pháp hữu hiệu nhất mà hầu hết chuyên gia được hỏi đề xuất để giữ thị trường nội địa trước cơn lốc hàng Thái đã và đang đổ vào VN.

Để giảm bớt “tín đồ” hàng Thái, chính doanh nghiệp Việt phải có sản phẩm ngang ngửa với họ, sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, đúng đạo đức kinh doanh. Lúc đó, người tiêu dùng Việt sẽ không bỏ doanh nghiệp Việt

Ông Robert Trần, chuyên gia tư vấn đầu tư

Nhòm ngó thị trường sữa

Cuối tháng 8 vừa rồi, tỉ phú Thái (đã mua lại chuỗi siêu thị bán sỉ Metro Cash & Carry VN) gây rúng động khi chi 17.000 tỉ đồng mua 15 triệu cổ phiếu của Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk). Cộng thêm cổ phiếu thưởng, nhà đầu tư này hiện đang chiếm 11,4% vốn điều lệ của Vinamilk (trị giá khoảng 600 triệu USD) và trở thành cổ đông lớn thứ hai của công ty này sau Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Sự kiện này đã dấy lên nhiều nghi ngại về tham vọng lấn sân vào thị trường sữa đầy tiềm năng ở VN của tỉ phú người Thái. Nghi ngại này không phải không có cơ sở. Tại VN, Vinamilk là một ông lớn chính hiệu với hơn 50% thị phần sữa nước. Sản phẩm của công ty này cũng đã có mặt tại hơn 30 quốc gia trên thế giới. Doanh thu 9 tháng đầu năm nay của Vinamilk đã vượt 2 tỉ USD và công ty đã đưa ra kế hoạch đạt doanh thu 3 tỉ USD vào năm 2017, lọt top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới. Tầm vóc và quy mô của Vinamilk đã hấp dẫn, thị trường sữa trong nước lại hết sức tiềm năng.

Theo số liệu từ Bộ NN-PTNT, lượng sữa tiêu thụ trung bình một năm của một người Việt chỉ khoảng 15 lít, trong khi trung bình của khu vực châu Á là 35 lít. Quy hoạch đến năm 2015, trung bình mỗi người Việt sẽ tiêu thụ khoảng 21 lít/năm.

Những dữ kiện trên không thoát khỏi con mắt "lão luyện" của các ông chủ người Thái. Tổng giám đốc một công ty sữa ở miền Bắc cho biết: Cũng như VN, Thái Lan cũng là quốc gia nhập khẩu sữa để tiêu thụ. Dutch Mill là tập đoàn sữa lớn nhất của Thái nhưng hiện công suất chỉ bằng 2/3 so với Vinamilk. Ngoài ra, chi phí sản xuất sữa của Thái hiện chưa cạnh tranh được với sữa VN do năng suất sữa thu từ công nghệ nuôi bò sữa của Thái còn thấp hơn nhiều. Chẳng hạn, năm 2013, năng suất sữa VN đạt trên 5 tấn/bò sữa thì tại Thái Lan chỉ mới đạt trên 3,2 tấn/bò sữa. Sở dĩ ngành công nghiệp sữa của Thái vẫn phát triển tốt là nhờ chính phủ nước này đã dựng các hàng rào thuế quan nhằm bảo hộ ngành nông nghiệp Thái. Nhưng Hiệp định tự do thương mại và đặc biệt hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào đầu năm tới sẽ khiến ngành sữa Thái đối diện không ít khó khăn. "Vì thế, dọn đường và tìm hướng sang thị trường VN đầy tiềm năng là những gì các nhà sản xuất Thái đang thực hiện" - vị này nói.

Từ góc độ khác, chuyên gia tư vấn đầu tư Robert Trần cho rằng việc người Thái đang nhòm ngó vào thị trường sữa VN là có thể xảy ra. Ông Robert Trần phân tích: “Chiếm được tỷ lệ vốn điều lệ nhất định của đại gia sữa Việt để rồi từ đó tham gia đưa sản phẩm của công ty vào hệ thống phân phối của doanh nghiệp này hoặc đồng khai thác thị trường qua sự hỗ trợ của hệ thống bán sỉ và lẻ lớn mà nhà đầu tư Thái đã sở hữu từ trước là kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra”.

Chinh phục người tiêu dùng nội địa

Nhận xét về việc “người khổng lồ” Thái đang âm thầm tấn công vào thị trường VN, Tổng giám đốc Công ty CP sữa quốc tế IDP Trần Bảo Minh, một chuyên gia marketing trong ngành hàng tiêu dùng cho rằng, người Thái đang nuôi tham vọng để tất cả các mặt hàng tiêu dùng nước này tràn ngập thị trường VN. “Thái Lan đang có nhiều lợi thế hơn hẳn VN trong lĩnh vực trồng trọt và chế biến. Bởi Hoàng gia Thái có chính sách ưu đãi phát triển nông nghiệp rất tốt. Chính phủ Thái Lan hỗ trợ nhà nông và có chính sách đầu tư vào nông nghiệp bài bản từ khâu nuôi trồng, thu hoạch đến chế biến theo công nghệ cao. Chính nhờ vậy, sản phẩm của Thái xuất khẩu ra nước ngoài có giá trị gia tăng cao hơn hẳn sản phẩm xuất thô của VN. Với trong nước, hệ thống siêu thị Thái đều có khu vực chuyên bán các sản phẩm nông nghiệp, nông nghiệp chế biến lớn của Thái rất quy mô. Điều này ngành nông nghiệp Việt chưa làm được”, ông Minh nhận xét.

Vậy làm thế nào để đối phó với hàng Thái đã tạo dựng được lòng tin với người tiêu dùng về chất lượng, giá cả, ông Trần Bảo Minh cho rằng chỉ có chất lượng mới đánh bật hàng Thái và lấy niềm tin người tiêu dùng. “Để phát triển một cách bài bản, Chính phủ cần hỗ trợ ngành nông nghiệp đầu tư một cách bài bản chuyên nghiệp cho ngành nông nghiệp chế biến. Có như vậy mới tạo được giá trị gia tăng cho sản phẩm được”, ông Minh nhấn mạnh.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc với người Thái, theo ông Robert Trần, “Để giảm bớt “tín đồ” hàng Thái, chính doanh nghiệp Việt phải có sản phẩm ngang ngửa với họ, sản phẩm đa dạng, chất lượng cao, đúng đạo đức kinh doanh. Lúc đó, người tiêu dùng Việt sẽ không bỏ doanh nghiệp Việt”, ông Trần nói.

Ông Robert Trần nói thêm: “Hiện các tỉ phú, ông chủ tập đoàn tài chính Thái đang nhìn thị trường 150 triệu dân bao gồm 60 triệu dân Thái và 90 triệu dân Việt. Không quá khó để thấy VN là thị trường chiến lược của Thái trong tương lai gần. Đặc biệt, sự tương đồng về văn hóa sẽ giúp Thái có được thị trường 150 triệu dân dễ dàng hơn”.

Để giữ được thị trường, các nhà sản xuất trong nước chỉ có một con đường là chinh phục người tiêu dùng trong nước bằng chất lượng hàng hóa và uy tín trong kinh doanh.

Tránh đàm phán một đường, thực thi một nẻo

Trong quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), VN đàm phán để đạt được thỏa thuận ở những chi tiết nhỏ nhất và rất rõ ràng khi mở cửa thị trường. Tuy nhiên nghịch lý là, việc thực thi, giám sát và quản lý không đồng bộ với cam kết, đàm phán dẫn tới nhiều hệ lụy. Nổi cộm nhất là trường hợp hàng loạt siêu thị bán sỉ, bán lẻ và cửa hàng tiện lợi nước ngoài, đặc biệt là Thái Lan, ồ ạt mở cửa tại VN mà không có bất kỳ sự can thiệp nào, dù chúng ta được phép. Theo quy định, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mở cơ sở bán lẻ từ cái thứ hai trở đi phải được Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch - Đầu tư xét duyệt. Nghĩa là, quyền quyết định có được mở rộng cơ sở bán lẻ hay không là do VN quyết định. Nhưng thực tế VN cho nước ngoài đầu tư, kinh doanh bán lẻ tràn lan. Như vậy, trách nhiệm này không của ai khác ngoài Bộ Công thương và Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Về trường hợp hệ thống siêu thị METRO VN của Đức đầu tư ở VN nhưng mới đây bán toàn bộ cho công ty Thái Lan, ông Chắt cho rằng đáng lẽ ra, những lĩnh vực nhạy cảm như phân phối, nếu DN FDI muốn mua lại hệ thống, cửa hàng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện do luật đưa ra, công ty này như thế nào mới được phép mua lại chứ không phải đơn giản muốn mua là được. Tương tự là trường hợp mua lại Family Mart và đổi tên thành B’s Mart cũng của DN Thái. Đó là kẽ hở của luật VN.

Chuyên gia kinh tế, TS Phạm Văn Chắt

Cần có hàng rào kỹ thuật !

Để xâm nhập thị trường VN, các doanh nghiệp Thái Lan được chính phủ nước này hỗ trợ tín dụng để cho nhân viên học tiếng Việt ở các trung tâm dạy tiếng Việt tại Thái Lan. Những người Thái gốc Việt là thầy cô giáo dạy ở các trung tâm này. Đó là bước chuẩn bị rất kỹ càng và mạnh mẽ cho quá trình gia nhập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN vào năm tới. Vậy VN đã chuẩn bị gì? Rõ ràng là chúng ta chưa chuẩn bị gì cả.

Tôi có trao đổi với một vị giáo sư người Thái, ông này cho biết vào năm 2015 có 8 nghề được chấp nhận chung nguồn nhân lực trong ASEAN nên Thái Lan sẽ xây dựng nhiều rào cản kỹ thuật để hạn chế nhân sự từ các nước đến Thái Lan làm việc. Chẳng hạn phải có bằng tiếng Thái, thậm chí phải học đại học ở Thái... Vì vậy, để đối phó với làn sóng hàng hóa Thái Lan đang xâm nhập rất sâu vào VN, chỉ DN Việt nâng cao năng suất, cải tiến chất lượng sản phẩm thôi là không đủ, mà các cơ quan chức năng VN cần xây dựng hàng rào kỹ thuật.

Chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh

N.T.Tâm (ghi)

Theo Thanh niên


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang