Lấy ý kiến các nhà khoa học về phương pháp làm sạch hồ Gươm

author 05:26 16/02/2017

(VietQ.vn) - Tại hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học về cải tạo môi trường nước hồ Gươm chiều 15/2, nhiều chuyên gia, nhà khoa học lo lắng trước tình trạng ô nhiễm nước ở hồ.

Qua khảo sát hiện trạng hồ Hoàn Kiếm, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết hồ đã mất khả năng tự làm sạch, nước bị ô nhiễm, cá và động vật trong hồ không được bảo vệ. Chất lượng nước suy giảm, độ PH cao ở mức 9,05 – 9,46. Khảo sát bằng trực quan, màu xanh đặc trưng của hồ Hoàn Kiếm là màu xanh lục nhiều chỗ đã biến thành màu đỏ. 

Hàm lượng dinh dưỡng dư thừa, hiện tượng tảo nở hoa dẫn đến mất oxy nghiêm trọng. Lớp bùn lắng đọng ngày một dày (từ 0,47 – 1,06m), chứa nhiều kim loại nặng và khí độc, ảnh hưởng đến sinh vật sống trong hồ.  

Ông Võ Tiến Hùng - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết: "Hà Nội đã tập trung chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường khu vực hồ Hoàn Kiếm như tách nước ra khỏi hồ, thử nghiệm nạo vét bùn hồ Hoàn Kiếm bằng tàu hút bùn của Đức năm 2010, rồi năm 2011 Sở Khoa học và Công nghệ cũng có hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học về các giải pháp cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm nhưng chưa có giải pháp cụ thể hóa".

Công ty Thoát nước Hà Nội đã đề xuất cải tạo môi trường hồ Hoàn Kiếm qua 2 giải pháp chính: nạo vét bùn, thanh thải phế liệu dưới đáy hồ và xử lý, duy trì chất lượng nước hồ. Sau khi nạo vét sẽ bổ cập nước hồ Hoàn Kiếm bằng nước giếng khoan. Tiếp đó xử lý nước bằng chế phẩm Redoxy 3C, nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường nước, bảo tồn hệ thủy sinh.

Các nhà khoa học góp ý về phương pháp làm sạch hồ Gươm. Ảnh minh hoạ 

Phát biểu góp ý tại hội thảo cải tạo môi trường nước Hồ Hoàn Kiếm, GS-TS Hà Đình Đức cho rằng, việc làm sạch Hồ Hoàn Kiếm bây giờ mới làm là muộn, nhưng “thà muộn còn hơn không”.

Tuy nhiên, GS Hà Đình Đức cũng cảnh báo, cần phải làm kỹ phần bảo tồn hệ sinh thái. Khi xúc bùn nên chia ra làm 2-3 giai đoạn, giữa các giai đoạn dừng lại xem xét. Trước khi làm nên làm điều tra tổng hợp về thông số môi trường, không nên lấy lại các báo cáo cũ.

Cùng quan điểm này, PGS - TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Cấp thoát nước và môi trường cho biết, cách làm như năm 1992 khiến cho sau khi nạo vét tảo độc bùng phát, nay thà làm chậm nhưng phải cố gắng đảm bảo chất lượng nước.

“Hồ Hoàn Kiếm, chức năng điều tiết là không đáng kể mà quan trọng là hồ tâm linh, văn hoá, cảnh quan. Chất lượng nước phải được bảo tồn ổn định, thành phần sinh vật thuỷ sinh phải ổn định. Tôi cho rằng để duy trì sự cân bằng hệ sinh thái thì việc cấp tập làm trong vòng 69 ngày là rất nguy hiểm, nên chia 10 tuần đó thành các giai đoạn để hệ sinh thái gần với ổn định, không nhất thiết là làm 69 ngày liền” – PGS Hạ nói.

Phát biểu góp ý cho giải pháp, GS Mai Đình Yên phân tích, về mặt khoa học, cần phải thận trọng, trao đổi thêm, nên rà soát lại đa dạng sinh học của Hồ. Trong khi đó, GS Trịnh Thị Thanh cũng đồng tình rằng, việc nạo vét hồ là cần thiết, nhưng việc bổ cập nguồn nước ngầm phải xem xét tỷ lệ đó có ảnh hưởng đến hệ sinh thái hồ hay không.

Các nhà khoa học cũng hy vọng, với sự phát triển của công nghệ sinh học như ngày nay, có thể sẽ tạo ra môi trường sinh thái giống như nước hồ hiện nay để bổ sung vào hồ sau khi nạo vét.

Sau khi nghe ý kiến của các nhà khoa học, Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết sẽ đánh giá lại hiện trạng toàn bộ hệ sinh thái, hệ thủy sinh ở hồ Hoàn Kiếm để đưa ra phương án hợp lý nhất.

 Lê Huy

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang