Lễ hội chém lợn có nguồn gốc từ đâu?

author 14:25 02/02/2015

(VietQ.vn) - Theo tín ngưỡng dân gian của vùng quê Kinh Bắc, máu lợn trong lễ tế thánh tượng trưng cho sự sung túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề, mùa màng bội thu...

Mới đây, Tổ chức Động vật châu Á kêu gọi chấm dứt lễ hội chém lợn làng Ném Thượng (Bắc Ninh) vì cho rằng hành vi đó quá man rợ, tàn bạo. Việc này đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận. Người phản đối cũng nhiều, người đồng tình, ủng hộ lễ hội trên cũng không ít.

PGS Trần Lâm Biền, Ủy viên Hội đồng di sản quốc gia nêu quan điểm, “những người không hiểu về văn hoá lại cho mình quyền phán xét một lễ hội truyền thống là dã man. Nếu chỉ nhìn hình thức mà vội kết luận vấn đề sẽ dễ làm thui chột văn hoá, mất bản sắc địa phương”.

lễ chém lợn ở bắc ninh

Tổ chức Động vật châu Á kêu gọi chấm dứt lễ hội chém lợn. Ảnh: Internet

Điều khiến nhiều người tò mò bây giờ là lễ hội chém lợn này có từ đâu và ý nghĩa của nó như thế nào? Để rộng đường dư luận, báo Chất lượng Việt Nam xin cung cấp tới bạn đọc một số thông tin về lễ hội chém lợn làng Ném Thượng đang gây nhiều tranh cãi này.

Theo đó thì cứ vào mồng 6 tết âm lịch, hàng ngàn người từ các vùng lân cận lại đến thôn Ném Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh tham dự một lễ hội liên quan đến tín ngưỡng phồn thực: Lễ hội chém lợn tế thánh.

Hoạt động này đã đi vào trong thơ ca:

“Đi qua Kinh Bắc bến hồ,

Về hội đình Thượng lễ chùa Đại Bi.

Đi hội Ném Thượng cùng đi,

Hội thi xôi nếp chém thi lợn thờ”.

Tục truyền rằng: Có một vị tướng cuối đời Lý tên Lý Đoàn Thượng, khi đánh trận chạy đến vùng núi này đồn trú đã chém lợn rừng nuôi quân. Từ đó, người dân đã mở hội chém lợn hằng năm để tưởng nhớ đến người có công khai khẩn vùng đất hoang vu này.

Theo tín ngưỡng dân gian của vùng quê Kinh Bắc, máu lợn trong lễ tế thánh tượng trưng cho sự sung túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề, mùa màng bội thu...

Hai “cụ” ỉ (lợn, còn gọi là ỉn) được rước đi vòng quanh làng với các phường trống, kèn, cờ, táng lọng cùng các đội múa Sênh tiền, đội tế lễ, đội dâng hương bồi bái viên...

Khi lễ rước trở lại sân đình, hai thủ đao được dân làng chọn từ những gia đình hạnh phúc, con cháu đề huề, nuôi lợn mát tay, khỏe mạnh và phải đúng 50 tuổi - ra tay chém hai “cụ” ỉ tế thánh.

Người dân mang tiền, dây cột gia súc, nông cụ... ra thấm máu lợn cầu may. Thịt lợn tế thánh được chia cho mọi người với mong muốn cả làng được phát tài, phát lộc.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang