Lễ hội chém lợn: Hủ tục thì không nên bảo thủ giữ lại

author 10:27 07/02/2015

(VietQ.vn) - "Theo dõi phản ứng của dư luận qua các báo, tôi thấy phần đa độc giả phản đối lễ hội chém lợn. Một số người dân và nhà nghiên cứu ủng hộ duy trì nghi thức đó là có tư duy bảo thủ", Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói.

Đó là phát biểu của ông ông Phạm Đình Tân, người phát ngôn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Lễ hội chém lợn Ném Thượng (Bắc Ninh). Theo tin tức từ báo Vnexpress, người phát ngôn Bộ Văn hóa cho biết, đến nay Bộ vẫn chưa nhận được văn bản đề xuất dừng lễ hội chém lợn từ Tổ chức Động vật châu Á để có sự hồi đáp.

Quan điểm của Bộ Văn hóa trước khuyến cáo này là không ủng hộ lễ hội mang tính bạo lực vì văn hóa Việt Nam rất nhân văn, nhân đạo, hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ. Ông Tân chia sẻ, bản thân không bao giờ có thể xem được nghi thức chém lợn với máu me be bét khiến trẻ con khóc thét, người yếu tim xem có khi còn đột quỵ.

Những hủ tục không mang lại giá trị phát triển thì không nên bảo thủ giữ lại. "Đừng lấy lý do truyền thống của cộng đồng. Cộng đồng của làng chém lợn có lớn bằng cộng đồng còn lại không? Theo dõi phản ứng của dư luận qua các báo, tôi thấy phần đa độc giả phản đối lễ hội chém lợn. Một số người dân và nhà nghiên cứu ủng hộ duy trì nghi thức đó là có tư duy bảo thủ", ông Tân nói.

Có rất nhiều ý kiến tranh cãi gay gắt trong việc giữ hay bỏ Lễ hội chém lợn

Có rất nhiều ý kiến tranh cãi gay gắt trong việc giữ hay bỏ Lễ hội chém lợn. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo thông tin từ báo Đất Việt, GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam không đồng tình với ý kiến này và cho rằng cách nhìn nhận như vậy là độc đoán, thiếu hiểu biết về văn hoá. Theo ông, việc duy trì lễ hội là cần thiết và không tổn hại đến ai.

Nhưng ngược lại, nếu cấm tổ chức sẽ ảnh hưởng tới truyền thống văn hóa và đi ngược lại nhu cầu cũng như tín ngưỡng của người dân nơi đó nói riêng và của người dân Việt nói chung. "Những người đang đánh giá lễ hội chém lợn là dã man, tàn bạo đang không hiểu gì về văn hóa, những người này đang đứng ngoài chứ không phải chủ thể văn hóa nên không thể cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng mà lễ hội mang đến cho người dân", ông Thinh gay gắt.

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng việc sử dụng các cụm từ "dã man", "tàn ác", "phản cảm" khi nói về một lễ hội truyền thống là thiếu thận trọng. "Nếu họ nói vậy khi nhắc tới yêu cầu bảo vệ động vật hoang dã tại Việt Nam thì tôi hoàn toàn tán thành. Nhưng, nghi thức trong lễ hội thì lại gắn với những đặc thù riêng về truyền thống tín ngưỡng" - ông Quốc nói.

Thái Hà


 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang