Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn: Trâu vô địch được xẻ thịt bán với giá 6 triệu/kg

authorDương Phương Ngọc 07:34 06/07/2017

(VietQ.vn) - Bà Ninh Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tiết lộ: Sau khi kết thúc lễ hội chọi trâu, mỗi cân thịt của con trâu chọi dành giải nhất được bán với giá nhiều triệu đồng để lấy hên.

Sau sự cố đau lòng vừa mới xảy ra tại Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng khiến 1 chủ trâu thiệt mạng bởi chính trâu chọi của mình, không ít chuyên gia văn hóa đã lên tiếng kêu gọi nên dừng ngay việc tổ chức các lễ hội mang tính bạo lực như vậy. TS Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viết Văn - Báo chí (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội) nhấn mạnh: “Những hoạt động như lễ hội chọi trâu vừa qua như một cách đồng hóa, khích lệ bản năng hiếu sát của con người. Điều này rất nguy hiểm”.

Còn GS Trần Lâm Biền thì cho rằng: Chọi trâu ở Hải Phòng hiện nay không phải là lễ hội mà chỉ là một trò chơi kích thích sự hiếu kỳ của con người. Nó chỉ là “một thứ trò chơi núp bóng lễ hội cũ, mượn danh thượng võ để nhằm đạt được ý đồ khác”.

Trâu chọi Đồ Sơn húc chết người: Nên dừng ngay những lễ hội 'bạo lực'(VietQ.vn) - Sau sự cố đau lòng trâu chọi húc chết người tại Đồ Sơn, chuyên gia văn hóa Ngô Văn Giá cho rằng: Nên cấm những nghi thức bạo lực, phô diễn sức mạnh cơ bắp hay sự đổ máu…

Mới đây, thông tin về việc những người tham gia lễ hội chọi trâu tại Đồ Sơn năm 2017 phải mất 25 – 70 triệu đồng mới được một suất cho trâu vào xới khiến nhiều người không khỏi giật mình. Số tiền thu được sẽ được dùng vào việc gì, do ai quản lý, các cơ quan chức năng có được biết về khoản thu kỳ lạ này hay không? Phải chăng lễ hội chọi trâu không còn còn là nơi sinh hoạt văn hoá mà đã biến tướng thành chốn kinh doanh đậm màu sắc thị trường, thương mại?

Để giải đáp những câu hỏi này, PV Chất lượng Việt Nam đã liên hệ với bà Ninh Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Bà Hương cho biết: Việc đóng tiền là hoàn toàn do địa phương còn cơ quan quản lý nhà nước như Bộ không quản lý việc này vì đã phân cấp cho UBND Tp.Hải Phòng. Họ sẽ là người duyệt toàn bộ nội dung, kịch bản, yêu cầu, quy chế, chương trình,… và liên quan tới cả kinh phí.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Hoàng Xuân Minh – Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn, Tp.Hải Phòng đã xác nhận: Mức thu 25 – 70 triệu là hoàn toàn có thật, mức thu nhiều hay ít tùy theo số lượng trâu tham dự của mỗi phường. Nếu suất tham dự càng ít thì tiền đóng càng nhiều. Tuy nhiên, theo vị Chủ tịch này, việc đóng tiền trên cơ sở tự nguyện, chứ không bắt buộc. Tiền hoạt động có thể được sử dụng để tái đầu tư cho hoạt động tổ chức lễ hội hoặc xây dựng công trình công cộng ở địa phương.

Với câu hỏi: “Có nên tiếp tục tổ chức những lễ hội mang tính bạo lực như lễ hội chọi trâu Đồ Sơn hay không?”, bà Hương cho rằng: Lễ hội chọi trâu có 2 phần, trong đó, phần lễ vẫn tuân theo những nghi thức nguyên bản của truyền thống, gắn với tâm linh – văn hóa của người dân Việt, đã quá quen thuộc với người dân Hải Phòng từ nhiều năm nay. Còn phần hội (phần chọi) so với nguyên bản trước đây có một số thay đổi.

 Lễ hội chọi trâu ngoài tính bạo lực còn bị thương mại hóa khá nhiều. Ảnh: Internet.

Bởi lẽ, trước đây, lễ hội chọi trâu Đồ Sơn không mở rộng đối tượng tham gia và việc bán thịt trâu trong lễ hội cũng không quá nhiều như hiện nay.

Mặc dù dụng ý của lãnh đạo UBND quận Đồ Sơn khi xây dựng, phát triển phần hội nhằm giới thiệu, quảng bá nét sinh hoạt, văn hóa ở địa phương để khách thập phương đến với Hải Phòng nhiều hơn, biến phần hội như một sản phẩm du lịch để thu hút du khách, nhưng việc mở rộng này đã khiến lễ hội chọi trâu trở nên khác xa so với lễ hội truyền thống. Nhất là việc mổ trâu, bán thịt trâu với mức giá khá “chát”. Năm ngoái, trâu vô định được bán với giá 6 triệu đồng/kg.

“Như chúng tôi được biết, mỗi cân thịt của con trâu chọi dành giải nhất được bán với giá nhiều triệu đồng để lấy hên. Với ý nghĩa của lễ hội thì việc mua bán này không phù hợp lắm vì có tính chất thương mại. Mặc dù vậy, nếu họ có hoạt động thương mại như vậy nhưng nếu nghi thức vẫn làm theo truyền thống và đảm bảo sự an toàn cho người dân, tạo khí thế vui chơi lành mạnh thì lại không vấn đề gì” – bà Hương cho biết.

Tuy nhiên, bà Hương đã nhấn mạnh: Tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017 vừa qua, rõ ràng công tác an toàn, đảm bảo trật tự chưa được chú trọng nhiều. Ban tổ chức sau 27 năm khôi phục và tổ chức không xảy ra bất cứ sự cố nào nên có phần hơi chủ quan trong công tác quản lý.

Sau vụ trâu húc chết chủ ở lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm nay, bà Hương cho biết: Cục Văn hóa cơ sở sẽ tham mưu lên Bộ những lễ hội tương tự để có những động thái tích cực phối hợp với các ngành văn hóa của địa phương định hướng cho người dân, thay đổi những tập tục, những phương pháp để tổ chức lễ hội phù hợp với xu thế chung hơn.

Theo đó, những tập tục phản cảm hay những nghi thức ảnh hưởng tới tâm linh của người dân sẽ tiếp tục được rà soát trong thời gian tới.
“Tất cả các lễ hội phải đảm bảo tính an toàn cho người dân, hạn chế dần những hoạt động mang tính man rợ, đảm bảo lễ hội phải lành mạnh, giải tỏa yếu tố tinh thần cho người dân” – bà Hương lưu ý.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang