Đăk Lăk sẽ rước ông trâu đi ‘trảm’ kín

authorHòa Lê 07:01 26/02/2016

(VietQ.vn) - Được biết, năm nay sẽ không còn hình ảnh phản cảm trong lễ hội đâm trâu tại Đăk Lăk, thay vào đó ông trâu sẽ được người dân rước đi “trảm” kín.

Báo Vnexpress đưa tin, ngày 25/2, ông Vũ Minh Thoại - Trưởng phòng Văn hóa huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk) cho biết, lễ hội đâm trâu truyền thống của các dân tộc ở địa phương năm nay sẽ thay đổi một số chi tiết trong nghi lễ. "Địa phương vẫn tổ chức lễ hội để thực hiện theo phong tục nhưng sẽ không trực tiếp đâm trâu như mọi năm. Khi Thông tư 15 có hiệu lực về việc bỏ các lễ hội mang hình ảnh man rợ, huyện đã họp những người lớn tuổi để lấy ý kiến. Tuy nhiên, họ không đồng ý vì cho rằng như vậy là lừa dối thần linh", ông Thoại nói.

Lễ hội đâm trâu Đăk Lăk: Sẽ rước ông trâu đi ‘trảm’ kínLễ hội đâm trâu truyền thống của các dân tộc ở địa phương năm nay sẽ thay đổi một số chi tiết trong nghi lễ

Trước đó, tại lễ hội hằng năm, UBND huyện đều tổ chức đâm trâu để dâng lên Yàng (trời) và các đấng thần linh. Theo quan niệm của người đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên, việc này sẽ giúp dân làng tránh được rủi ro, bệnh tật, tai nạn, không bị “chết xấu”, mùa màng sẽ bội thu, cuộc sống sẽ ấm no.

"Do yếu tố phản cảm của nghi lễ nên sau nhiều lần họp, Ban tổ chức quyết định vẫn tổ chức nghi lễ đâm trâu để duy trì lễ hội nhưng năm nay không đâm trâu trước mắt du khách mà đâm ở góc sân, được căng bạt che kín không để người dân chứng kiến", ông Thoại thông tin.

Tuy nhiên trước đó, vào ngày 24/2, ông Tạ Văn Hợp - Chánh văn phòng UBND huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk) cho biết lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc của địa phương năm nay sẽ bỏ phần lễ đâm trâu. Theo đó, lễ hội sẽ diễn ra từ 12 đến 14/3 tại Nhà văn hóa cộng đồng xã Krông Ana.

Lễ hội đâm trâu Đăk Lăk: Sẽ rước ông trâu đi ‘trảm’ kínHình ảnh lễ hội đâm trâu năm 2014

Ông Hợp nói: "Sau khi có ý kiến chỉ đạo của cơ quan chức năng về việc bỏ các lễ hội mang hình ảnh dã man, địa phương đã lấy ý kiến các ban ngành. Tất cả mọi người đều ủng hộ bỏ nghi thức này. Tuy nhiên, để giữ nét truyền thống, địa phương sẽ tái hiện việc đâm trâu bằng nghi lễ nhảy múa tượng trưng".

Được biết, vào các năm trước, địa phương đều tổ chức đâm trâu để dâng lên Giàng và các đấng thần linh. Vì theo quan niệm của đồng bào Tây Nguyên, khi Giàng và các thần linh nhận lễ vật, nhất là trâu thì sẽ giúp dân làng “vạn sự như ý”, theo thông tin từ báo Zing News.

Lễ hội đâm trâu là một lễ hội truyền thống của nhiều dân tộc ở Tây Nguyên với ý nghĩa tâm linh, biểu tượng cho sức mạnh. Con trâu được chọn thực hiện nghi lễ phải là trâu đực, tơ và không có bệnh tật.

Hòa Lê (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang