Lễ hội đầu năm đừng vì a dua

author 08:20 07/02/2014

Mùa xuân là mùa lễ hội, vì thế câu chuyện đầu năm vẫn là câu chuyện của lễ hội. Dù lễ hội làng Đồng Kỵ, lễ hội gò Đống Đa khai hội từ sớm, nhưng phải đến khi lễ hội chùa Hương khai hội mùng 6 tháng giêng thì không khí hội hè mới tràn ngập khắp cả nước…

Lễ hội đầu năm đừng vì a dua
“Hát quan họ trên thuyền - món chính của hội Cổ Loa”. Ảnh: Việt Văn
Không biết có hẳn vì “phú quý sinh lễ nghĩa” như các cụ hay nói không, hay một phần vì tâm lý bất an trong một thế giới phẳng nhiều biến động  mà số người đi lễ hội xuân ở ta ngày một đông, ngày một quá tải. Chưa bao giờ câu “tả tơi xem hội” đúng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng như bây giờ.
Theo “mốt”
Người ta đi lễ hội chung quy vì 2 mục đích. Số đông là theo mốt, theo phong trào “tháng giêng là tháng ăn chơi”; ăn mãi cũng chán, phải “du” - đi chơi. Số này chịu đi  lắm, hội nào càng xa càng đông, càng ham đi. Vui là chính, dĩ nhiên lễ Phật mà thêm tiền, của vào nhà thì càng hay và rồi mục đích ban đầu là phụ này nhanh chóng thành chính. Và từ ước mong cầu xin thần Phật cho mình, hay gia đình nhiều phúc lộc..., thậm chí họ còn xin thần Phật đánh bại đối thủ trong kinh doanh với cái “tâm” ác và như để trả ơn hay một hình thức “hối lộ”, họ cứ thế rải tiền khắp nơi, nghĩ rằng nếu không đưa tiền, chắc thần Phật không chứng giám phù hộ. Vì thế mà không ít những cảnh chùa, thiền viện tiền giấy lả tả như rác, các tượng phật trên tay đầy tiền, có khi cả miệng cũng ngậm, rồi mấy khe nếp áo, chân tay... đều dính tiền, đúng là báng bổ thần linh và làm ô uế nơi cửa Phật, làm cho thần Phật trở nên “trần tục”  và “thực dụng” như người trần xác phàm.
Thầy Thích Kiến Nguyệt - trụ trì thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên - nói về chuyện “lễ” chùa: “Triết lý nhà Phật khuyên rằng, đến cửa chùa chỉ cần lòng thành thắp một nén hương thì đã được Phật độ, không cần mâm cao cỗ đầy, không cần tiền bạc vì cửa chùa là chốn chay tịnh, không vướng bụi trần. Việc lễ tiền, đúng “lễ” là có “tâm” và có nơi chốn để - thùng công đức, chứ không phải bạ đâu bỏ đó, như thế là làm sai lệch ý nghĩa của “lễ”, làm mất đi sự tôn nghiêm của chốn thiền môn”.
Còn thầy Thích Thông Huệ - trụ trì thiền viện Trúc Lâm Viên Ngộ (Ninh Thuận) - nói: “Đức Phật dạy rằng, chỉ gieo điều thiện mới gặt hái được quả ngọt. Nhưng ở chốn tâm linh này không ít người ảo tưởng rằng, lễ vật càng nhiều thì phúc lộc càng nhiều. Đến chùa chỉ cần chữ tâm là có phúc, đừng nghe người ta bảo 3 lễ hay 7 lễ, phải lễ thứ này, thứ kia. Ăn ở thất đức, bất nhân thì có lễ quanh năm, khắp các chùa cũng vẫn phải nhận quả báo. Tiền nhiều không có nghĩa là được nhiều phúc lộc".
Tết Giáp Ngọ - 2014, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có văn bản đề nghị Bộ Công an và Bộ Công Thương cùng phối hợp ra tay phạt nghiêm đối tượng đổi tiền lẻ ăn chênh lệch trái phép và việc đưa vào lưu thông các mệnh giá 500đ, 1.000đ và 2.000đ đã qua sử dụng một lần để tránh lãng phí, hạn chế in mới loại tiền này. Vì thế, chốn thiền môn mùa lễ hội năm nay cũng đỡ bị “rác” tiền lẻ làm ô uế.
Nhưng hiện tượng chen lấn xô đẩy nhau, khấn to át giọng người khác rồi xông vào lấy lộc, lấy khước và đua nhau đến các chùa to, coi Phật ở chỗ này thiêng hơn chỗ khác vẫn luôn là  vấn đề khó giải mà các nhà quản lý và giới truyền thông  luôn kêu gọi một nền “văn hóa lễ hội”.
Vì tâm linh
Số đông cũng không kém là đi vì tâm linh. Đi hội đầu xuân, nhất là đến các đền chùa để tìm lấy cảm giác thanh tịnh, để cái tâm, cái lòng nhẹ đi phiền não, bớt đi cái “tham, sân, si” và để cầu an cho gia đình. Có luật bất thành văn rất hay cả ở Nam lẫn Bắc là ngày tết mà đi đủ 10 chùa trong 1 ngày thì cả năm thuận lợi, bình an.
Hai chữ “bình an” với những người đã trải nghiệm cuộc sống thì cực kỳ giá trị. Và những người đi lễ hội đầu xuân với tâm bình an coi chuyến xuất hành đầu năm còn là một dịp vãn cảnh, thăm thú cảnh đẹp đất nước. Đến lễ hội mang tầm vóc cả nước như lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử... bao giờ ta cũng gặp những người già thành kính có khi cả gần trăm tuổi, năm nào cũng trẩy hội. Cụ bà Nguyễn Thị Yên - nhà ở phố Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng, HN) năm nay đã 87 tuổi - đã 10 năm nay đều đi lễ hội chùa Hương. Trước đây cụ luôn chọn đúng dịp khai hội, còn giờ đây, cụ chọn mùa vắng hơn vào dịp tháng 2.
“Đi hội là để thấy lòng nhẹ nhõm hơn, bớt ưu phiền hơn. Tôi đi hội cũng chả cầu xin gì nhiều, ngoài thắp nhang vái Phật thì chỉ xin sức khỏe cho con cháu trong nhà”.
Và không thiếu những Việt kiều ở xa quê hương cũng chọn dịp lễ hội đầu xuân để về nguồn, để thấm nhuần triết lý “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Sự lộn xộn đông người, các tệ nạn vẫn còn tồn tại ở các lễ hội từ nhiều năm nay vẫn chưa thể giải quyết ngày một ngày hai, nhưng điều đó vẫn không hề làm vơi đi từng dòng người ùn ùn đổ về các lễ hội đầu xuân...

Theo Lao động

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang