Lễ hội Giao lưu văn hóa đèn lồng Việt Nam - Hàn Quốc tại Hội An có gì hấp dẫn?

authorTrần Thanh 12:00 02/03/2017

(VietQ.vn) - Trong hai ngày 11 và 12/3/2017, tại TP.Hội An sẽ diễn ra Lễ hội Giao lưu văn hóa đèn lồng Việt Nam - Hàn Quốc.

Sự kiện: Văn hóa Việt Nam

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện hướng đến kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao 2 nước (22/12/1992 - 22/12/2017).

Lễ hội Giao lưu văn hóa đèn lồng Việt Nam - Hàn Quốc tại Hội An có gì hấp dẫn?

Lễ hội Giao lưu văn hóa đèn lồng Việt Nam - Hàn Quốc tại Hội An sẽ hấp dẫn du khách

Sự kiện do Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức. Trong thời gian diễn ra lễ hội, ngoài trình diễn đèn lồng Hàn Quốc còn có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc như trình diễn thời trang Việt Nam - Hàn Quốc (thời trang Hanbok); biểu diễn văn hóa nghệ thuật Việt Nam - Hàn Quốc; giao lưu văn hóa ẩm thực...

Được biết, những năm gần đây khách Hàn Quốc đến du lịch Quảng Nam không ngừng tăng cao. Riêng năm 2016 khách Hàn Quốc đứng vị trí thứ hai trong tổng cơ cấu khách đến tham quan Quảng Nam, chỉ sau du khách Trung Quốc.

Thực ra nghề làm đèn lồng không chỉ mới được biết đến tại Hội An trong thời gian gần đây mà đã có một lịch sử khá dài. Năm 1644, những người Minh Hương trung thành với nhà Minh lánh nạn cuộc chiến tranh nhà Thanh lật đổ nhà Minh đã được chúa Nguyễn Phúc Lan (1635 - 1648) cho định cư tại cảng thị Hội An. Trong hành trang của các lưu dân đến từ Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông… đã có những chiếc đèn lồng, được họ treo lên trước cửa nhà cho thỏa niềm hoài vọng cố hương.

Theo các bậc cao niên sống lâu tại Hội An, “Ông tổ” của nghề làm đèn lồng Hội An có tên là Xã Đường, chuyên làm đầu lân và lồng đèn cho những đêm hội hay các cuộc thi đấu xảo, thi đèn kéo quân… Với việc đô thị cổ Hội An được công nhận di sản thế giới, nghề làm đèn lồng sau thời gian mai một đã có cơ hội hồi sinh và thăng hoa. Tiếp thu kỹ thuật từ những chiếc đèn xưa, người Hội An đã không ngừng cải tiến, mày mò sáng tạo để những chiếc đèn lồng về sau càng đa dạng về mẫu mã và phong phú về chất liệu…

Đèn lồng Việt Nam được đánh giá là mang những giá trị tạo hình, thẩm mỹ và văn hóa thuần Việt, đã được Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường chất lượng Quảng Nam công bố tiêu chuẩn với 9 kiểu dáng gồm các đèn hình tròn, bát giác, lục giác, hình trái bí, củ tỏi, hình thùng, hình quả đu đủ, hình bánh ú, hình dù… Ngoài ra còn có cả những chiếc đèn kéo quân, hình rồng, hình con cá với đủ sắc màu. Điều thú vị là tại Hội An vẫn tồn tại những chiếc đèn lồng có tuổi đời hơn trăm năm, được chế tác từ gỗ qúy, chạm trỗ cầu kỳ và trên mỗi tấm kính là một tác phẩm hội họa thực sự. Các gia đình sinh sống lâu đời ở đây đã trân trọng chúng như một cách gìn vàng giữ ngọc, và chỉ đưa ra sử dụng vào những đêm lễ hội hoa đăng.

Lễ hội đèn lồng khổng lồ đã từng được tổ chức ở nhiều nước trên thế giới như: Anh, Mỹ, Hàn, Nhật, Đài Loan,… đã thu hút hàng triệu lượt khách tham quan hàng năm. Đến Việt Nam lần này, lễ hội đèn lồng khổng lồ được chia thành 5 khu vực với các chủ đề, như: Khu vực Hòa bình, khu vực Tình yêu, khu vực Hy vọng, khu vực giao lưu văn hóa Việt - Hàn và khu vực Trẻ em. Mỗi khu vực đều được thiết kế và trang trí với nhiều hình mẫu đèn lồng cao và dài từ 10m - 30m.
 
Riêng Khu vực trung tâm, trưng bày hơn 40 mẫu đèn lồng “khủng”, với kích thước dài đến 86m. Ý tượng tạo dựng các đèn lồng này, đều mô phỏng hình các kiến trúc danh lam thắng cảnh của Hàn Quốc và Việt Nam, như rồng bay hồ gươm, áo dài Việt… và các công trình kiến trúc cổ trên thế giới.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang