Lễ hội Halloween: Cần làm gì để ngăn chặn sự rùng rợn đi quá giới hạn

authorTrần Thanh 19:00 28/10/2016

(VietQ.vn) - Lễ hội Halloween đang dần biến tướng, ẩn chứa những sự “rùng rợn” thực sự, đi quá giới hạn và gây phản cảm của “lễ hội nhập nội” này.

Sự kiện:

Hiện nay, văn hóa ngoại lai đang âm thầm lấn át văn hóa Việt khiến khán giả đang bị thụ động tiếp nhận và ảnh hưởng mạnh mẽ đến hành vi, ứng xử, từ cách nói năng đến cách ăn mặc. Tình trạng giới trẻ mê phim Hàn, nhạc ngoại đến gameshow truyền hình quốc tế, truyện, sách thiếu nhi nước ngoài đang dần trở thành một xu thế.

Ở lĩnh vực điện ảnh – truyền hình, điện ảnh nước ngoài đang làm mưa làm gió. Tổng số gần 150 kênh truyền hình trên hệ thống truyền hình cáp của Đài Truyền hình Việt Nam, những kênh phim nước ngoài chiếm vị trí áp đảo, nhất là phim Hàn Quốc, Trung Quốc.

Trong khi đó, phim Việt chỉ xuất hiện khiêm tốn trên một số kênh. Phim Việt mới thì ít, phim cũ phát đi phát lại thì nhiều. Những năm gần đây, thị trường phim Việt không có bước khởi sắc. Nếu như mỗi năm, hơn 100 bộ phim ngoại nhập thì chỉ có khoảng chục bộ phim Việt được sản xuất. Sự du nhập ồ ạt của phim nước ngoài khiến các bộ phim trong nước khó vào rạp, khó có cơ hội để tiếp cận công chúng. Đây là nỗi buồn của người làm điện ảnh Việt.

Điện ảnh Việt bị ảnh hưởng bởi luồng văn hóa ngoại lai (Ảnh: Internet)

Không riêng điện ảnh, những chương trình truyền hình đang có sự đổ bộ ồ ạt của các gameshow nhập ngoại. Liệt kê tất cả những gameshow đang ăn khách trên các kênh truyền hình hiện nay đều là những chương trình mua bản quyền từ nước ngoài: Giọng hát Việt (Mỹ), Vietnam Idol (Mỹ), Bước nhảy hoàn vũ (Anh), Cặp đôi hoàn hảo (Anh), Vietnam’s Next top model (Mỹ), Cuộc đua kỳ thú (Mỹ), Chiếc nón kỳ diệu (Mỹ), Ai là triệu phú (Anh), Ngôi sao Việt (Hàn Quốc), Nhân tố bí ẩn (Anh), Giai điệu tự hào (Nga)… Trong khi đó, gameshow thuần Việt èo uột, nhường sân cho gameshow nhập ngoại.

Lĩnh vực âm nhạc cũng không thể tránh khỏi nạn ngoại xâm. Trong khi nhạc dân gian truyền thống, những ca khúc nhạc Việt gần như không có cơ hội xuất ngoại thì nhạc quốc tế lại phủ sóng dày đặc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều đáng bàn, dòng nhạc Hàn Quốc tuy không mấy hấp dẫn về ca từ thậm chí còn bị coi là nhảm nhưng lại được một số bạn trẻ hâm mộ cuồng nhiệt. Những nhóm nhạc Hàn gây sốt các bạn tuổi ô mai bởi ngoại hình đẹp mắt, vũ đạo điêu luyện.

Chính sự du nhập của nhạc quốc tế tạo cho ca sĩ Việt một xu thế sính ngoại, chạy theo hình thức mà quên đi chất lượng. Điều này lý giải vì sao những bài hát “thảm họa”, thời trang gây “sốc” được phát triển lổn nhổn như một trào lưu trong giới showbiz Việt hiện nay.

Hòa trong dòng chảy đỏ, lễ hội Halloween cũng đang diễn ra trình trạng ngoại lai đáng báo động. Không những chơi Halloween vào những ngày cuối tháng 10 mà ngày tết Trung Thu vừa qua, ở Hà Nội rất nhiều bạn trẻ hóa trang thành ma quỷ đi chơi ở những nơi công cộng khiến các em nhỏ sợ hãi khóc thé. Khi máy quay của phóng viên đài truyền hình quay được thì các “con ma” này tỏ ra rất phấn khích và vui vẻ, như thể làm cho các em nhỏ khóc là một trò chơi mới được thể nghiệm.

Dạo một vòng quanh Hà Nội thì hầu như tất cả các shop quà lưu niệm, các cửa hàng đồ chơi đã dẹp hết tất cả những con gấu bông dễ thương, thay vào đó là trưng bày những hình nhân thây ma, các dụng cụ hóa trang ghê rợn.

Các cửa hàng bày bán những dụng cụ thời trang ghê rợn (Ảnh: Internet) 

 Nhớ cách đây khỏang 10 năm, chúng ta chỉ thấy những bộ đồ đen in hình bộ xương dạ quang, nhưng ngày nay thì nó đã trở nên quê mùa và không đủ… áp phê. Phải là những chiếc mặt nạ quái vật hay xác người chết đang phân hủy thối rửa. “Nghệ thuật” hơn nữa là hóa trang bằng son phấn, máu me lem luốc, vải trắng quấn như xác ướp, hoặc hóa trang thành ma búp bê, ma Hàn Quốc, ma Thái Lan.

Các hãng ciné thi nhau chiếu phim kinh dị, đến cả các quán café, quán bar, đến cả các câu lạc bộ thanh thiếu niên ở các trung tâm văn hóa trực thuộc TW, địa phương, và trường học cũng ráo riết chuẩn bị những màn hóa trang, kịch ngắn ma quỷ chết chóc rùng rợn nhằm thu hút lượng khách vào. Khách đến tham gia cũng hóa trang, có những phần thưởng hẳn hòi cho những khách nào hóa trang kinh dị nhất.

Người ta bảo “đi đêm lắm có ngày gặp ma”, không nói đến vấn đề tâm linh, mà chỉ tạm bàn đến những tội phạm hình sự lợi dụng những chiếc mặt nạ này để dễ dàng khống chế nạn nhân khi khiến họ sợ muốn xỉu. Thật khó lòng nhận diện “ma thật” hay “ma giả” giữa một thành phố… ma.

Theo Thạc sĩ Trần Văn Phương- Giảng viên Khoa Văn hóa, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết văn hóa ngoại lai đang dần xâm nhập vào văn hóa Việt Nam, đặc biệt, lễ hội Halloween ngày nay đang dần biến tướng, thứ nhất là các mặt hàng hóa trang, đồ chơi về lễ hội được bày bán trên thị trường vẫn chưa có sự kiểm soát về tính an toàn, nguồn gốc sản phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Lễ hội Halloween còn khiến không ít người lớn tuổi tỏ ra ác cảm với những trò chơi và trang phục các bạn trẻ mặc khi đi ra đường. Việc những bóng ma diễu hành trong trang phục ghê rợn khiến nhiều người đi đường giật mình hoảng sợ, gây tắc nghẽn giao thông. 

Lễ hội Halloween đang dần biến tướng (Ảnh: Internet) 

Thạc sĩ Trần Văn Phương cho biết thêm, nếu chúng ta duy trì các hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống gắn kết với các hoạt động vui chơi giải trí dành cho giới trẻ, Việt Nam hoàn toàn có thể có những lễ hội “Xá tội vong nhân” – lễ hội Ma của riêng mình, phù hợp với phong tục, tập quán người Việt, khuyên con người làm điều thiện, tránh điều ác, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, nhớ đến ông bà tổ tiên. Điều này thậm chí còn nhân văn hơn rất nhiều so với Halloween.

Quan trọng hơn nữa, hãy thoát ra khỏi từng hiện tượng cụ thể để nhìn một cách tổng thể. Đó là văn hóa Việt, bản sắc Việt đang từng ngày từng giờ bị làm méo mó, biến dạng bởi chính cả cách bảo tồn, khôi phục không đúng hướng. Nếu còn tiếp tục theo đà này chúng ta sẽ hủy hoại những giá trị có được bao đời nay, những giá trị đã giúp ta đứng vững trước sự đồng hóa hàng ngàn năm của phương Bắc.

Trước khi hội nhập, quảng bá giá trị hãy làm sao gia cố lại cho vững những gì mình đang có. Ngôi nhà văn hóa của chúng ta đang lung lay bởi chính chúng ta. Để khắc phục triệt để, không có con đường nào khác là tập trung xây dựng, giáo dục con người. Bởi đó chính là chủ thể sáng tạo nên văn hóa.

Một thế hệ lệch lạc về giá trị, thiếu hiểu biết về văn hóa dân tộc và chạy theo lợi ích của đồng tiền sẽ là liều thuốc độc đối với nền văn hóa chúng ta. Đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Chúng ta biết cái chuông “thần thành” đó ở đâu. Vấn đề ai sẽ là người đánh chuông?

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang