Lên sẵn kịch bản khi quan hệ thương mại Việt-Trung ngưng trệ

author 12:59 27/06/2014

(VietQ.vn) - Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) cho biết đã lên sẵn kịch bản trong tình huống quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc ngưng trệ do sự kiện biển Đông.

Sự kiện: Tình hình Biển Đông

Tại buổi họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2014,  Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2014 ước tính tăng 5,18% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng để ra (5,8% trở lên), trong 6 tháng cuối năm, GDP sẽ phải đạt mức 6,2% trở lên.

Báo cáo cũng cho thấy, nhìn chung, trong 6 tháng qua, cán cân thương mại giữa Việt Nam với các nước khá ổn định, tuy nhiên, riêng đối với Trung Quốc, tình trạng nhập siêu vẫn chưa được cải thiện. Từ thực trạng này, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại qua sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép, tình hình biển Đông tiếp tục leo thang căng thẳng, nền kinh tế sản xuất của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng do bị lệ thuộc lớn bởi nguồn cung nguyên vật liệu, linh kiện máy móc từ thị trường Trung Quốc.

 

Nguyên liệu ngành dệt may, da giày chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc

Bà Lê Thị MinhThủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dịch vụ, lo ngại trên là có cơ sở khi tình trạng nhập siêu từ thị trường Trung Quốc thời gian qua không giảm mà còn gia tăng. Cụ thể, nhập siêu từ thị trưởng Trung Quốc đạt 13,1 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ 2013.

Theo bà Thủy, hiện nay, các mặt hàng chủ yếu mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc bao gồm: máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm  40-43% và nguyên vật liệu sản xuất 46-48%.

“Những mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu  là tư liệu sản xuất, nên khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn. Một khi nền sản xuất trong nước còn phụ thuộc rất lớn vào linh kiện  nhập khẩu thì cán cân thương mại rất khó có thể thay đổi”, bà Thủy nhận định.

Trước câu hỏi,  sự kiện biển Đông sẽ có tác động gậy ảnh hưởng như thế nào tới chỉ tiêu tăng trưởng cả năm của nền kinh tế? ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống cho biết,  qua  những con số tính toán từ tháng 1 tới hết tháng 4, nền kinh tế đều tăng trưởng ở tất cả loại hình, khu vực. Tuy nhiên kể từ giữa tháng 5 tới tháng 6, sau sự kiện biển Đông, một số hoạt động trong các lĩnh vực có biểu hiện giảm như xây dựng, du lịch, vận tải, khách sạn nhà hàng, kinh doanh bán lẻ…

“Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 5,8% trở lên thì 6 tháng cuối năm nền kinh tế phải đạt mức tăng hơn 6,2%. Trong điều kiện thuận lợi, chỉ tiêu này hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên khi quan hệ thương mại giữa Việt Nam-Trung Quốc có bất ổn, thì cũng không loại trừ khả năng xuất nhập khẩu giảm, ảnh hưởng tới chỉ số tăng trưởng”, ông Tuến phân tích.

Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Hệ thống cũng khẳng định: “ Nếu Chính phủ có những quyết sách  thay đổi kịp thời, bù đắp những thiếu hụt về thương mại do sự kiện biển Đông thì kinh tế Việt Nam vẫn có cơ hội phát triển và đạt được mục tiêu đề ra.”

Thể hiện niềm tin vào sự điều hành nền kinh tế của Chính Phủ, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê khẳng định: Việt Nam hoàn toàn có khả năng khắc phục những ảnh hưởng từ sự kiện biển Đông.

Ông Lâm phân tích: Rõ ràng quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc  đang ảnh hưởng rất nhiều tới nền kinh tế sản xuất trong nước. Tuy nhiên nếu nhìn vào số liệu xuất khẩu đóng góp cho GDP mỗi năm khoảng 156 tỷ USD, thì số xuất sang Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 11,2%. Con số này không đáng ngại. Chúng ta chỉ quan tâm tới số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, hiện đang chiếm tỷ trọng lớn khoảng 25,5% tổng lượng hàng nhập khẩu.

Từ đây, Tổng cục trưởng đặt ra kịch bản quan hệ thương mại giữa Việt Nam TQ bị ngưng trệ, trong khi Việt Nam lại không tìm được đối tác khác thì GDP sẽ bị giảm về mặt giá trị khoảng 10%.

“ Tất nhiên, giả thiết trên sẽ mãi là kịch bản không có thật bởi không đời nào chúng ta lại chịu ngồi yên mà nhất định sẽ tìm được đối tác khác thay thế. Chúng tôi cũng đã đưa ra kịch bản tham mưu cho Chính phủ làm thế nào để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng. Nhiều dấu hiệu tích cực  đã xuất hiện khi Chính Phủ cùng các bộ ngành đang thực sự quyết tâm vào cuộc tìm giải pháp,  bên cạnh đó, khối DN trong nước cũng nhận thức rằng đây chính là thời cơ phát triển, đổi mới, nâng cao quy trình sản xuất  để không bị lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc”.

Hoàng Vũ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang