Liên kết 5 nhà nâng cao chất lượng và đầu ra cho nông sản ĐBSCL

author 16:29 29/03/2015

(VietQ.vn) - Nông sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng suất khẩu nhưng chất lượng không đồng đều, khiến người nông dân chịu thiệt thòi.

Sự kiện: Chuyên đề: NÂNG CAO NĂNG SUẤT CHẤT LƯỢNG

Sản lượng cao nhưng chất lượng thấp

Theo nhận định của các chuyên gia, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) gần đây đã có những bước bứt phá về nông nghiệp, đặc biệt là nâng cao năng suất, chất lượng nông sản lên cao. Trong đó có những mặt hàng chủ lực khẳng định vị thế nhất nhì trên thị trường trong nước và xuất khẩu như lúa gạo, thủy sản (cá da trơn, tôm), rau quả…

Mặc dù sản lượng và xuất khẩu khu vực này ngày càng được nâng cao nhưng giá trị mà nó đem lại vẫn chưa như mong đợi. Cuộc sống của nông dân ĐBSCL, người trực tiếp làm ra sản phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn, lợi ích kinh tế thu được thấp.

Ông Huỳnh Thế Năng - Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho rằng, nguyên nhân cơ bản là gạo Việt Nam vừa không có thương hiệu, chất lượng lại thấp. Khoảng 70% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là gạo có phẩm cấp thấp (25% tấm) nên khó tiếp cận vào các phân khúc thị trường cấp cao. Trong khi đó, phân khúc cấp trung, cấp thấp lại có nhiều quốc gia cùng cạnh tranh, đưa đến giá bán và lợi nhuận giảm.

Liên kết 5 nhà nâng cao chất lượng và đầu ra cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long

Liên kết 5 nhà nâng cao chất lượng và đầu ra cho nông sản Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: ST

"Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) cũng nhận định: Gạo Việt Nam số lượng nhiều, chất lượng thấp, giá thành cao, hình ảnh xuất khẩu thấp, chưa hấp dẫn các nhà nhập khẩu và thu hút đầu tư vào Việt Nam. Việc tiêu thụ và xuất khẩu gạo sẽ gặp nhiều khó khăn nếu không có sự thay đổi về phương thức sản xuất và tiêu thụ", ông Năng nói.

Cũng như sản xuất lúa gạo, trong hơn 10 năm trở lại đây, ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản xuất khẩu ĐBSCL không ngừng phát triển và trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, sản xuất hàng hóa lớn, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế của cả khu vực. Sản phẩm thủy sản xuất khẩu của ĐBSCL đã có mặt ở 165 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, một trong những hạn chế của thủy sản xuất khẩu ĐBSCL vẫn là giá cả, chất lượng và thương hiệu chưa bảo đảm, khiến sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế còn yếu, dễ bị tổn thương trước các rào cản thương mại, nhất là rào cản về vệ sinh an toàn thực phẩm, sức khỏe người lao động; thậm chí còn dẫn đến phát sinh các vụ kiện thương mại và bị truyền thông bên ngoài xuyên tạc.

Còn về sản xuất cây ăn quả, ông Nguyễn Sơn Tùng - Phó chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ khẳng định: Trái cây của ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng để xuất khẩu, nhiều loại trái cây được thị trường thế giới ưa chuộng nhưng sản lượng và chất lượng thiếu tính ổn định, chưa có thương hiệu đặc trưng.

Cần có sự liên kết 5 nhà

Ông Dương Quốc Xuân - Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến khả năng cạnh tranh kém hiệu quả ở thị trường xuất khẩu nông sản vùng ĐBSCL chính là không có thương hiệu riêng, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp trong khu vực.

"ĐBSCL cần phải có chiến lược phát triển cùng hệ thống chính sách, giải pháp đồng bộ từ quy hoạch, đầu tư, tổ chức sản xuất đến liên kết thị trường", ông Xuân nhận định.

Trái cây Đồng bằng sông Cửu Long số lượng nhiều nhưng chất lượng chưa cao

Trái cây Đồng bằng sông Cửu Long số lượng nhiều nhưng chất lượng chưa cao. Ảnh: ST

PGS, TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: Điểm yếu lớn nhất trong sản xuất và chế biến thủy sản ở ĐBSCL chính là sự phối hợp, liên kết vùng kém hiệu quả, sự liên kết giữa nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông - ngân hàng vẫn còn mang tính hình thức. Nền sản xuất phân tán, tự phát dẫn tới hạn chế các nguồn lực để ngành thủy sản ĐBSCL vươn lên. Một trong những giải pháp mà ĐBSCL có thể tập trung xây dựng là tập hợp cộng đồng doanh nghiệp thành hệ thống và xây dựng thương hiệu mạnh của quốc gia. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh liên kết với các hiệp hội phân phối ngoài nước để qua đó kịp thời nắm bắt thông tin thị trường, tránh tình trạng cạnh tranh gây rối loạn thị trường.

Còn theo TS. Lưu Hồng Mẫn, Phó viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho rằng, liên kết sản xuất và tiêu thụ (bao gồm cả xuất khẩu) chính là chìa khóa để phát triển một nền nông nghiệp hiện đại.

"Để xây dựng mối liên kết, trước hết phải liên kết trong nghiên cứu tạo giống lúa. Bằng sự hợp tác nghiên cứu, các cơ quan, đơn vị sẽ chọn ra giống lúa mới có chất lượng, giá trị thương mại và giá trị gia tăng phục vụ phát triển sản phẩm thương hiệu quốc gia, từ đó tạo ra một vùng sản xuất lúa hàng hóa bền vững, đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất khẩu. Tăng cường các mối liên kết, hợp tác như: Sản xuất giống, chuyển giao kỹ thuật, trao đổi thông tin, chế biến bảo quản sau thu hoạch, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm… Trong đó tổ chức liên kết nông dân trong chuỗi cung ứng lúa gạo và xây dựng thương hiệu phải được đặc biệt quan tâm", ông Mẫn nói.

Hồng Anh


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang