Liên kết bệnh viện công - tư thất bại vì đôi bên đều sợ!?

author 07:13 25/02/2014

(VietQ.vn) - Trong khi lãnh đạo các bệnh viện công lớn tại Hà Nội e ngại liên kết với khu vực tư nhân vì sợ “mất đất, mất cơ sở” thì doanh nghiệp tư nhân cũng lo bỏ vốn lớn nhưng “vướng” cơ chế chính sách. Do đó, Bộ Y tế cần mạnh dạn xây dựng mô hình bệnh viện công – tư thí điểm để hoàn thiện cơ chế chính sách.

 Nhiều mô hình bệnh viện công – tư tuyến dưới hiệu quả

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ Hồ Đức Hải cho biết, được sự hỗ trợ từ các cấp lãnh đạo bộ ban ngành, bệnh viện Đa khoa Phú Thọ đã hợp tác, huy động nguồn vốn đầu tư bên ngoài để cải thiện nâng cấp cơ sở điều trị, trang thiết bị, trình độ y bác sĩ, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

“Nếu trước kia doanh thu mỗi ngày của BV chỉ 100-200 triệu đồng thì hiện nay mỗi ngày BV thu gần chục tỷ đồng. Trước kia bệnh viện phải chuyển lên tuyến Trung ương 60-70% ca bệnh khó thì nay chỉ còn 10%”, ông Hải cho biết.Người dân không chỉ của tỉnh Phú Thọ mà các tỉnh lân cận đã được thụ hưởng những dịch vụ y tế chất lượng cao, nhất là số người bệnh ung bướu, tim mạch chuyển lên tuyến trên giảm đáng kể.

Ðến nay đội ngũ phẫu thuật viên của Bệnh viện đa khoa Phú Thọ đã làm chủ được nhiều kỹ thuật ngoại khoa chuyên sâu tương đương bệnh viện tuyến cuối như: nội soi ổ bụng, nội soi khớp, tán sỏi la-de ngược dòng; thay khớp háng toàn phần; phẫu thuật trong thoát vị đĩa đệm, chấn thương cột sống, thay đốt sống; cắt u não, tụ máu nội sọ do chấn thương hoặc tai biến mạch não; cắt u phổi, khâu vết thương tim; cắt dạ dày toàn bộ và cắt gan bán phần... Mô hình đầu tư xây dựng bệnh viện công – tư của Phú Thọ đã áp dụng rất thành công  chính là một hình mẫu để các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội học tập.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đào Quang Thu cho biết, hiện nay, nhiều nước trên thế giới như Canada, Anh, Ấn độ, Hàn Quốc đã triển khai thành công mô hình PPP nói chung và trong lĩnh vực y tế nói riêng. Tại Việt Nam, y tế là một trong các lĩnh vực vô cùng tiềm năng để triển khai hợp tác công - tư. Trên thực tế, ngành y tế đã thực hiện một số hình thức đầu tư kết hợp công - tư như liên doanh, liên kết đặt máy móc thiết bị khám chữa bệnh hay còn gọi là xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, cũng theo ông Thu, sự tham gia của tư nhân theo hình thức này vẫn còn nhiều hạn chế và chưa bền vững. Vì vậy, ông Thu kỳ vọng, mô hình bệnh viện công - tư có thể mang đến những giải pháp bền vững, dài hạn để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế.

Nhà nước giao cơ sở, tư nhân đầu tư máy móc

Để có một mô hình bệnh viện công – tư ổn định, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của nước ngoài. Theo ông Dirk Sommer, Ban Tư vấn PPP (dự án đầu tư công – tư), Tổ chức Tài chính Quốc tế, Nhóm Ngân hàng Thế giới, một dự án đầu tư công – tư thành công phải phụ thuộc vào ba yếu tổ : chính trị - kinh tế - thực tế triển khai. Do đó, một số mô hình PPP phù hợp với Việt Nam trong lĩnh vực y tế là: khu vực tư nhân quản lý cơ sở, Nhà nước điều hành hoạt động khám chữa bệnh hoặc tư nhân được giao quyền quản lí một số dịch vụ lâm sàng chuyên môn hỗ trợ, thẩm tách, xét nghiệm, chuẩn đoán hình ảnh.

Trong đó, nhà nước giao đất, bàn giao mặt bằng cơ sở, bệnh viện công lập hiện có, bảo đảm linh hoạt tài chính cho chi phí dịch vụ khám chữa bệnh, ban hành các chính sách giá cả, ưu tiên cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế; khu vực tư nhân sẽ có quyền đầu tư, thiết kế cơ sở theo thời hạn đã định, có quyền tuyển dụng, đào tạo cán bộ…

Thứ trưởng Bộ Y tế, Phạm Lê Tuấn cho biết, Nhà nước cần có một chính sách toàn diện từ pháp luật hóa quan hệ đối tác công tư, giải quyết các bất cập về chính sách, quy trình thủ tục, phân chia rủi ro, quản lý và sử dụng phần tham gia của Nhà nước, chuẩn bị các điều kiện về nguồn vốn, nhân lực. Tại Bộ Y tế cần chỉ định một tổ chức, đơn vị làm đầu mối về quan hệ đối tác công tư. Hiện đã có 8 dự án đầu tư công – tư trong lĩnh vực y tế, trong đó Hà Nội có dự án của trường ĐH Y Hà Nội, dự án đầu tư xây dựng cơ sở Đại học y tế công cộng, dự án xây dựng cơ sở II bệnh viện Đại học Y Hà Nội, dự án xây dựng cơ sở II bệnh viện Mắt Tw, dự án do Tập đoàn Hellman – CHLB Đức đầu tư cung ứng dịch vụ hậu cần tại các bệnh viện. Mới đây, Bệnh viện Tim Hà Nội cũng có đề xuất dự án đầu tư công – tư.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra nhận định, những năm qua khu vực tư nhân đã tham gia nhiều vào lĩnh vực y tế (qua số lượng phòng khám, bệnh viện tư nhân, hay đầu tư trang thiết bị  vào bệnh viện công lập) song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách đồng bộ từ đất đai, vốn đến nguồn nhân lực để vừa thu hút được nguồn vốn đầu tư mới vào các dự án y tế theo hình thức hợp tác công - tư, vừa phát huy được hết công suất của các cơ sở y tế được đầu tư hiện đại, trong đó có các bệnh viện tư nhân, để có điều kiện phục vụ nhân dân tốt hơn.

 

Bảo Ngọc - Mạnh Phan

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang